Viêm gan A: Triệu chứng, đường lây lan và cách phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm gan A là một trong những loại viêm gan siêu vi phổ biến nhất toàn cầu, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng 90% số trường hợp mắc bệnh là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Virus xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường tiêu hóa, gây nhiễm trùng tại gan và dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu. Để hiểu rõ hơn về các triệu chứng, con đường lây truyền và cách phòng bệnh, hãy tham khảo bài viết dưới đây.

1. Định nghĩa viêm gan A

Đây là bệnh lý nhiễm trùng gan cấp tính gây ra bởi virus cùng tên, viết tắt là HAV. Virus này làm tổn thương các tế bào biểu mô gan, ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng gan.

Mỗi năm có khoảng 1.4 triệu người mắc viêm gan siêu vi A trên thế giới (theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO). Hầu hết người bệnh đều có thể phục hồi sau vài tháng và không để lại di chứng nghiêm trọng nào cho sức khỏe. HAV dễ dàng lây lan qua thức ăn hoặc nguồn nước ô nhiễm.

Virus viêm gan A

HAV tấn công gây hại cho tế bào biểu mô gan, tác động xấu đến chức năng gan

2. Viêm gan A có triệu chứng gì?

Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột sau khi bội nhiễm virus từ 2 đến 4 tuần. Sau đây là một số dấu hiệu thường gặp của bệnh mà bạn cần lưu ý:

– Cơ thể mệt mỏi, uể oải và khó chịu do hoạt động thải độc của gan bị suy giảm.

Rối loạn tiêu hóa do nhiễm trùng gan: Người bệnh có thể chán ăn, ăn không ngon miệng, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, khó chịu ở vùng bụng bên phải, tiêu chảy,…

– Sốt nhẹ và kéo dài cũng là một triệu chứng khi nhiễm HAV.

– Thay đổi màu sắc nước tiểu và phân do thay đổi nồng độ bilirubin máu: Nước tiểu màu vàng đậm, phân nhạt màu hoặc có thể chuyển màu xám xỉn.

– Triệu chứng đau cơ, đau khớp tuy không thường gặp nhưng lại là dấu hiệu cảnh báo bệnh diễn biến nặng. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ ngay khi xuất hiện triệu chứng này.

– Vàng da: Chỉ khoảng 10% trẻ nhỏ dưới 6 tuổi nhiễm HAV có dấu hiệu này. Trong khi đó, hơn 70% ở trẻ lớn và người lớn xuất hiện vàng da.

Các triệu chứng nói trên có thể không xuất hiện ở tất cả trường hợp nhiễm bệnh. Biểu hiện bệnh ở người lớn rõ ràng hơn so với trẻ em. Thông thường triệu chứng bệnh sẽ biến mất sau vài tuần. Tuy nhiên một số trường hợp nhiễm trùng diễn biến nặng có thể kéo dài nhiều tháng, dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

3. Con đường lây truyền virus và đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

3.1. Virus viêm gan A lây truyền qua đường nào?

Đường tiêu hóa (hay đường phân – miệng) là con đường lây lan chủ yếu của HAV. Người lành có thể nhiễm bệnh nếu sử dụng thức ăn hoặc nước uống có chứa virus. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc gần gũi (quan hệ tình dục miệng – hậu môn) với người nhiễm virus cũng có thể làm lây truyền bệnh.

Một số trường hợp cụ thể có khả năng làm lây lan HAV bao gồm:

– Ăn các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không được rửa sạch và nấu chín; người chế biến nhiễm viêm gan virus A.

– Không rửa tay sạch sẽ và đúng cách trước khi chạm vào thức ăn, sau khi đi vệ sinh.

– Sử dụng nguồn nước nhiễm HAV.

– Ăn chung hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân (bàn chải đánh răng, dụng cụ ăn uống, khăn,…) với người nhiễm virus.

– Quan hệ tình dục với người nhiễm virus làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt khi quan hệ qua đường miệng.

Ngoài ra, HAV cũng có thể lây truyền qua đường máu nhưng với tỷ lệ rất thấp. Lý do là vì lượng HAV tồn tại trong máu người bệnh rất thấp.

Bệnh viêm gan A

Thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh thực phẩm có thể làm lây lan viêm gan siêu vi A

3.2. Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc viêm gan A?

HAV là loại virus rất dễ lây lan, do đó bất kỳ ai chưa tiêm vaccine chủng ngừa đều có thể bị nhiễm bệnh. Trẻ em từ 5 đến 14 tuổi là nhóm đối tượng nhiễm HAV thường gặp nhất.

Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus HAV:

– Sinh sống, làm việc hoặc đi du lịch tại các khu vực có tỷ lệ lưu hành HAV cao, nhiều người nhiễm bệnh.

– Thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên ăn đồ tái/sống, ăn uống tại hàng quán vỉa hè.

– Sống cùng nhà hoặc thường xuyên tiếp xúc gần với người nhiễm virus.

– Người làm nghề giữ trẻ hoặc công tác tại các trung tâm chăm sóc trẻ em.

– Người sử dụng ma túy.

– Thường xuyên quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ (đặc biệt là quan hệ đồng tính nam).

– Người mắc hội chứng rối loạn đông máu.

– Người dương tính với HIV.

Những người không có các yếu tố nguy cơ kể trên vẫn có khả năng lây nhiễm HAV. Để được tư vấn rõ ràng về nguy cơ và tình trạng cụ thể của bản thân, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa Gan mật.

4. Những biến chứng có thể gặp

Khác với các loại viêm gan siêu vi khác (như viêm gan B, C), viêm gan A không gây tổn thương gan lâu dài và không tiến triển thành viêm gan mạn tính. Hầu hết người bệnh sẽ phục hồi hoàn toàn sau 1 đến 2 tháng điều trị. Khi đã khỏi bệnh, HAV sẽ không còn tồn tại trong cơ thể. Tuy nhiên, thời gian điều trị có thể kéo dài ở những người bệnh cao tuổi hoặc đang gặp các vấn đề sức khỏe khác như: thiếu máu, tiểu đường, suy tim ứ huyết,…

HAV có thể dẫn đến suy gan cấp tính, tuy nhiên biến chứng này rất hiếm gặp. Tiến triển suy gan cấp tính có nguy cơ cao nhất ở người lớn tuổi và những người đã mắc bệnh gan mạn tính trước đó. Trong trường hợp này, người bệnh cần nhập viện ngay để theo dõi và điều trị.

Có thể thấy, bệnh lý viêm gan do HAV không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần thăm khám sớm để ngăn ngừa các tình trạng nghiêm trọng hơn. Người bệnh cần kiểm tra sớm nếu có các triệu chứng của bệnh hoặc nghi ngờ bản thân đã tiếp xúc với HAV dù chưa có triệu chứng.

Viêm gan A có nguy hiểm không?

HAV có thể dẫn đến suy gan cấp tính, tuy nhiên biến chứng này rất hiếm gặp

5. Phòng bệnh viêm gan A

Tiêm vaccine chủng ngừa HAV là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Vaccine được khuyến nghị cho tất cả trẻ em từ 1 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, người lớn có nguy cơ cao nhiễm HAV cũng cần tiêm phòng, cụ thể:

– Sống, làm việc hoặc đi du lịch ở những nơi có tỷ lệ mắc bệnh cao.

– Có thành viên trong gia đình nhiễm HAV.

– Những người thường tiếp xúc với virus HAV hoặc làm các công việc có nguy cơ phơi nhiễm cao như: nhân viên y tế, nhân viên phòng thí nghiệm, cô nuôi dạy trẻ, nhân viên xử lý chất thải,…

– Người sử dụng, tiêm chích ma túy.

– Người có các vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh như: mắc bệnh gan mãn tính (trong đó có viêm gan B, viêm gan C), rối loạn đông máu,…

– Người đồng tính nam hoặc lưỡng tính.

Bên cạnh việc tiêm vaccine, mỗi người cần thực hiện các biện pháp sau để hạn chế khả năng lây nhiễm HAV:

– Luôn rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh.

– Ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế ăn uống bên ngoài.

– Rửa sạch tất cả các loại trái cây trước khi ăn, nên tự gọt vỏ các loại rau củ quả.

Viêm gan A chủ yếu lây nhiễm qua đường tiêu hóa, gây nhiễm trùng gan và có thể biến chứng suy gan cấp trong một số trường hợp. Bạn đọc hãy tham khảo các biện pháp trên đây để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm loại virus viêm gan này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital