Viêm amidan ở trẻ em: phụ huynh không nên xem nhẹ!

Tham vấn bác sĩ
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ

Dương Văn Tiến

Trưởng phòng khám Tai mũi họng Cơ sở 286 Thụy Khuê

Viêm amidan ở trẻ em là bệnh rất phổ biến, có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tinh thần của con. Bên cạnh đó, nếu cha mẹ không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng về đường hô hấp và toàn thân.

1. Viêm amidan ở trẻ em là bệnh như thế nào?

Amidan có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp trước sự tấn công của vi khuẩn, virus bằng hoạt động tự tạo ra các kháng thể. Do đó, amidan là khu vực dễ bị nhiễm trùng nhất do tiếp xúc các tác nhân bên ngoài. 

Theo đó, khi số lượng virus và vi khuẩn gây bệnh tấn công ồ ạt vào cơ thể qua họng, mũi làm cho amidan không thể tự kháng cự được, lúc này viêm amidan xuất hiện. Có hai loại viêm amidan: 

Viêm amidan cấp tính: là khi amidan bị sưng đỏ, xung huyết và xuất tiết của amidan khẩu cái, gây ra cảm giác khó chịu ở cổ họng.

– Viêm amidan mạn tính: hốc amidan bị tổn thương nặng nề, không lưu thông được do tích tụ vi khuẩn, amidan bị viêm thường xuyên, tái phát nhiều lần. Ở dạng viêm amidan mạn tính chia thành 2 thể: thể viêm quá phát (amidan viêm phát triển, thường gặp ở trẻ em hoặc người trẻ tuổi) và thể viêm amidan xơ teo. 

Viêm amidan là tình trạng virus và vi khuẩn gây bệnh tấn công vào họng làm cho amidan sưng đỏ, viêm nhiễm

Viêm amidan là tình trạng virus và vi khuẩn gây bệnh tấn công vào họng làm cho amidan sưng đỏ, viêm nhiễm

2. Nguyên nhân tại sao trẻ em dễ bị viêm amidan?

Trẻ em là nhóm đối tượng dễ mắc viêm amidan nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động miễn dịch của amidan thường diễn ra mạnh nhất trong độ tuổi từ 4 – 10, sau đó sẽ giảm dần. Với các trường hợp trẻ thường xuyên bị viêm amidan tái phát nhiều lần, tình trạng sẽ có xu hướng thuyên giảm khi trẻ hơn 10 tuổi. 

Các nguyên nhân khác khiến trẻ hay bị viêm amidan là: 

– Thời tiết thay đổi: sức đề kháng ở trẻ nhỏ còn yếu nên có thể của con rất nhạy cảm với những thay đổi xung quanh. Đường hô hấp rất dễ bị viêm nhiễm vào giai đoạn chuyển mùa. Sức đề kháng của trẻ không đủ mạnh để chống lại sự thay đổi của thời tiết, từ đó dẫn đến biểu hiện sưng tấy và đau rát ở vùng họng, gây viêm amidan cho trẻ. 

– Vệ sinh răng miệng sai cách: một số bậc phụ huynh không để ý đến việc vệ sinh răng miệng của con như thực hiện rửa tay trước khi ăn, sau khi vui chơi, đi vệ sinh. Cùng với đó, trẻ hay có thói quen đưa tay lên miệng, tạo điều kiện vi khuẩn gây bệnh tấn công cổ họng, các hốc amidan gây ra tình trạng viêm nhiễm. 

Vệ sinh răng miệng sai cách là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm amidan ở trẻ em

Vệ sinh răng miệng sai cách là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm amidan ở trẻ em

– Thức ăn ứ đọng trong các hốc amidan: khi trẻ ăn, thức ăn rất dễ vướng trong các hốc amidan mà không chuyển hết xuống dạ dày. Lúc này nếu trẻ không đánh răng, súc miệng sạch sẽ, vi khuẩn trú ngụ ở các hốc amidan sẽ phát triển mạnh mẽ tại đây gây nên viêm nhiễm. 

– Bị tạng bạch huyết: ở một số trẻ nhỏ sẽ có hạch ở vùng cổ, họng, cùng với các tổ chức bạch huyết xung quanh cũng có thể là tác nhân gây nên viêm amidan.

Đây là những nguyên nhân trẻ hay bị viêm amidan. Do đó, cha mẹ hãy quan tâm tới sức khỏe của con mình bằng việc phòng tránh viêm amidan từ những nguyên nhân trên.

3. Triệu chứng thường gặp khi trẻ em bị viêm amidan

Viêm amidan có những triệu chứng rất hay nhầm lẫn với các bệnh cảm cúm, viêm mũi thông thường. Do vậy, khi con bắt đầu khởi phát bệnh, phụ huynh thường chủ quan không cho con đi khám ngay, có thể dựa vào những triệu chứng phổ biến sau: 

Bé cảm thấy khó nuốt, đau vùng cổ họng, cơn đau có thể kéo dài trong vài tiếng. 

– Giọng nói của trẻ bị ảnh hưởng như khàn tiếng, lạc giọng, những trường hợp nặng con có thể bị mất tiếng. 

– Khi bị viêm amidan, con thường xuyên cảm thấy khô miệng, trắng lưỡi, bố mẹ nhận thấy niêm mạc họng của con sưng đỏ, góc hàm có thể bị nổi hạch (triệu chứng ngày ít xảy ra). 

– Với trẻ viêm amidan mạn tính, do khó thở nên hay thở bằng miệng, ngáy khi ngủ. Khi con nói chuyện, phát âm không rõ hoặc gặp khó khăn trong quá trình nói nhất là nói to.  

– Amidan sưng to, xuất hiện chấm trắng (hay còn gọi nhân bã đậu), hơi thở có mùi hôi. 

– Trẻ luôn trong trạng thái mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc sốt cao lên đến 39 độ C. 

– Ngoài ra, với những trẻ bị nhiễm virus coxsackie, có mụn phỏng ở hốc amidan và vòm họng. Những mụt này có thể sẽ vỡ ra trong quá trình sinh hoạt hàng ngày của con thành những vết loét rất đau và rát.

4. Mách cha mẹ cách điều trị và phòng ngừa viêm amidan ở trẻ

Khi amidan bị viêm nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và có thể là tác nhân dẫn đến nhiều biến chứng đường hô hấp như là: nhiễm trùng vùng sau họng, áp xe quanh amidan, áp xe cạnh họng. Ngoài ra còn gặp những biến chứng toàn thân như viêm cầu thận, viêm cơ tim,… nếu không có biện pháp điều trị kịp thời cho bé. 

4.1 Cách điều trị viêm amidan ở trẻ

Đối với trẻ em bị viêm amidan do virus gây ra sẽ không dùng kháng sinh để điều trị mà bố mẹ cần chú ý chăm sóc con trong việc ăn uống, nhằm nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho trẻ. Bố mẹ có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt làm thuyên giảm tình trạng bệnh của bé đang mắc phải.

Ngược lại, nếu con bị viêm amidan do vi khuẩn thì cần phải điều trị bằng kháng sinh để giảm viêm. 

Nếu trẻ bị viêm amidan quá phát có thể phải chỉ định phẫu thuật cắt amidan. Tuy nhiên phẫu thuật thường được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng và cần được khám lâm sàng rất kỹ mới có thể quyết định thực hiện cắt amidan hay không. 

Trẻ bị viêm amidan cần đưa đến bác sĩ thăm khám để có biện pháp điều trị phù hợp với con

Trẻ bị viêm amidan cần đưa đến bác sĩ thăm khám để có biện pháp điều trị phù hợp với con

4.2 Phòng ngừa bệnh viêm amidan ở trẻ

– Thực hiện vệ sinh răng miệng và đường hô hấp trên cho trẻ thường xuyên. Hạn chế cho con đưa tay, đồ vật vào miệng để ngăn chặn virus xâm nhập. Ba mẹ có thể sử dụng nước muối cho con súc miệng và rửa mũi cho con hàng ngày. 

– Chú ý giữ ấm cơ thể cho con, nhất là bộ phận đầu, cổ, tay chân, ngực. 

– Khi sử dụng điều hòa lựa chọn nhiệt độ phù hợp với con, ví dụ mùa hè các bố mẹ nên để từ 25oC – 28oC. 

– Tạo môi trường sống cho con trong lành, không khói thuốc, bụi bẩn, ô nhiễm. 

– Bảo vệ đường hô hấp cho con bằng việc đeo khẩu trang hàng ngày, nhất khi ra đường và ở nơi công cộng. 

– Với trẻ có tiền sử mắc các bệnh hô hấp, hạn chế con ăn những thực phẩm lạnh tránh làm tình trạng viêm nhiễm trở nên trầm trọng hơn. 

Khi amidan quá phát sẽ làm bít tắc đường thở của con, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp. Khi đó trẻ có thể gặp cơn ngừng thở trong lúc ngủ. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy kéo dài, gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác như tim, thần kinh, sự phát triển bất thường sọ mặt. Do vậy, bố mẹ cần thực hiện biện pháp phòng tránh viêm amidan ở trẻ và cho con đi khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital