U tuyến giáp ác tính có chữa được không? Điều trị thế nào?

Tham vấn bác sĩ

U tuyến giáp ác tính là căn bệnh ung thư phổ biến, chiếm hơn 90% trong tổng số các trường hợp bệnh ung thư tuyến nội tiết. Tiên lượng dành cho người bị ung thư tuyến giáp phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, mức độ ác tính của tế bào bướu và độ tuổi người bệnh.

1. U tuyến giáp ác tính là gì?

1.1. Khái niệm

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, nằm phía trước cổ và có chức năng tiết ra các hormone giúp điều hòa nhịp tim, huyết áp và duy trì trọng lượng cơ thể.

U tuyến giáp là tình trạng xuất hiện một khối mô hoặc tế bào năm trước cổ và dưới đáy họng. U tuyến giáp có thể là các khối lành tính hoặc ác tính (ung thư).

U tuyến giáp ác tính là bệnh lý xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp mà không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể, là sự xuất hiện các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp. Trường hợp u tuyến giáp ác tính rất ít, chỉ chiếm khoảng 4-7% trong tổng số các ca bệnh.

U tuyến giáp ác tính thường gặp phổ biến ở nữ giới trên 30 tuổi. Đây được cho là bệnh ung thư có tỷ lệ điều trị thành công lên đến 90% nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.

U tuyến giáp ác tính có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách

U tuyến giáp ác tính có thể điều trị thành công nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách

1.2. Phân loại

Ung thư tuyến giáp được chia thành 4 dạng chính:

– Ung thư tuyến giáp thể nhú: đây là loại ung thư phổ biến nhất, chiếm từ 70-80 % các trường hợp bệnh. Ung thư thể nhú là bắt nguồn từ tế bào nang và có tiến triển tương đối chậm.

– Ung thư tuyến giáp thể nang: cũng được bắt nguồn từ tế bào nang nhưng có tốc độ tiến triển nhanh hơn so với thể nhú. Loại ung thư này chiếm từ 10-15% tổng số các trường hợp bệnh.

– Ung thư tuyến giáp thể tủy: đây là loại ung thư bắt nguồn từ tế bào cận nang, chiếm khoảng 5-10% trường hợp bệnh và thường liên quan đến di truyền hay các vấn đề nội tiết.

– Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: đây là loại ung thư bắt nguồn từ tế bào nang hiếm gặp, chiếm dưới 2% nhưng là loại ung thư nguy hiểm và khó điều trị nhất.

2. Nguyên nhân gây u tuyến giáp ác tính

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp bao gồm:

2.1. Rối loạn hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch rối loạn khiến chức năng sản sinh ra các kháng thể chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn suy giảm. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus tấn công vào cơ thể và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư tuyến giáp.

Mặt khác, hệ miễn dịch suy yếu sẽ làm mất cân bằng giữa quá trình sinh ra và chết đi của thế bào. Hệ quả gây tăng sinh tế bào. Tình trạng này nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến loạn sản dị sản và sinh ra các khối u ác tính.

2.2. Phơi nhiễm phóng xạ

Cơ thể có thể bị nhiễm phóng xạ qua đường tiêu hóa, đường hô hấp trong quá trình điều trị bệnh gây ảnh hưởng đến tuyến giáp. Hoặc những người sống trong vùng bị rò rỉ chất phóng xạ sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.

2.3. Yếu tố di truyền

Theo các nghiên cứu, khoảng 70% người mắc u tuyến giáp có bố, mẹ hoặc anh, chị, em ruột đã từng bị căn bệnh tương tự.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thể tìm ra được gen nào dẫn tới sự di truyền này.

2.4. Độ tuổi và hormone giới tính

Người mắc u tuyến giáp ác tính chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 30-50 tuổi, trong đó, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 2-4 lần nam giới. Nguyên nhân do sự thay đổi hormone ở nữ giới trong quá trình mang thai và thời kỳ mãn kinh đã kích thích quá trình hình thành bướu giáp và hạch tuyến giáp.

2.5. Mắc bệnh tuyến giáp

Những người có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp như: viêm tuyến giáp, bướu tuyến giáp, bệnh basedow hoặc suy giáp đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác.

2.6. Mắc bệnh về não hoặc chấn thương não

Tuyến yên và vùng đồi dưới não có quan hệ mật thiết với tuyến giáp. Các bệnh về não hoặc chấn thương não khiến các cơ quan này làm việc không hiệu quả và làm ảnh hưởng đến tuyến giáp. Tuyến giáp tiết ít hormone hơn so với bình thường gây tình trạng suy giáp và làm tăng nguy cơ ung thư.

5.8. Các yếu tố nguy cơ khác

Cơ thể thiếu i-ốt, thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, người béo phì, thừa cân.

3. Triệu chứng u tuyến giáp ác tính

Khi mới khởi phát, u tuyến giáp ác tính thường không có biểu hiện lâm sàng điển hình. Khi tế bào ung thư phát triển có thể gây ra các triệu chứng:

– Xuất hiện khối u ở cổ: Khối u cứng, di động theo nhịp nuốt hoặc u to cố định trước cổ.

– Xuất hiện hạch nhỏ, mềm và di động cùng bên với khối u ở vùng cổ.

– Khàn giọng do khối u phát triển to ra chèn ép vào thanh quản.

– Nuốt khó do khối u phình to chèn ép lên thực quản.

– Khó thở, khó nói  khi khối u đã di căn, xâm lấn vào khí quản.

– Sưng tuyến bạch huyết ở cổ và đau cổ.

– Da vùng cổ thâm nhiễm, sùi loét, thậm chí là chảy máu

– Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương, ho dai dẳng, vàng da…

Khối u trước cổ di động theo nhịp nuốt hoặc cố định có thể là triệu chứng của u tuyến giáp ác tính

Khối u trước cổ di động theo nhịp nuốt hoặc cố định có thể là triệu chứng của u tuyến giáp ác tính

4. U tuyến giáp ác tính có chữa được không?

Theo ý kiến của các chuyên gia, so với các loại bệnh ung thư khác, u tuyến giáp ác tính được xếp vào danh sách “các loại ung thư dễ chịu nhất”. Bởi tỷ lệ số ca mắc ác tính chỉ chiếm 1%, tỷ lệ tử vong thấp và có thể điều trị thành công nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Vậy tiên lượng sống cho người bệnh nếu điều trị ngay khi vừa được chẩn đoán u ác tính có cao không? Cũng theo các chuyên gia, tiên lượng của bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh và độ tuổi.

– Nếu điều trị ngay từ giai đoạn 1 và 2, khi khối u chưa di căn sang các cơ quan khác tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%.

– Nếu bệnh được điều trị ở giai đoạn 3 khi khối u lớn hơn 4cm, đã phát triển ra bên ngoài tuyến giáp và di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ, tỷ lệ sống sau 5 năm là từ 71-93%.

– Nếu điều trị ở giai đoạn 4, khi khối u đã di căn đến các cơ quan xa, tỷ lệ sống trên 5 năm là 28-51% tùy thuộc vào từng loại ung thư cụ thể.

Do đó, việc phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm có y nghĩa rất lớn trong quá trình điều trị bệnh.

5. Chẩn đoán và điều trị u tuyến giáp ác tính

5.1. Chẩn đoán u tuyến giáp ác tính

U tuyến giáp ác tính được chẩn đoán thông qua khám lâm sàng và làm các phương pháp xét nghiệm (cận lâm sàng). Cụ thể:

– Chẩn đoán lâm sàng: thông qua các triệu chứng bệnh, tiền sử bệnh lý và đánh giá tính chất khối u tại tuyến giáp. Đồng thời khảo sát có hạch cổ đi kèm hay không.

Xét nghiệm máu: đo nồng độ TSH ( hormone kích thích tuyến giáp) để chẩn đoán phân biệt ung thư tuyến giáp và bệnh bướu cổ.

– Siêu âm màu tuyến giáp: đánh giá tính chất, số lượng, kích thước, sự xâm lấn của u tuyến giáp và hạch cổ. Tuy nhiên, phương pháp này không thực sự tin cậy trong chẩn đoán phân biệt giữa tổn thương lành tính và ác tính.

– Chụp CT scan và MRI vùng cổ: đánh giá kỹ hơn mức độ xâm lấn của u giáp và hạch với cơ quan xung quanh như thực quản, khí quản, phần mềm vùng cổ.

– Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ: chẩn đoán phân biệt các nhân giáp lành tính và ác tính với kết quả chính xác lên đến 95%.

5.2. Điều trị u tuyến giáp ác tính

Tùy theo loại ung thư, giai đoạn và thể trạng sức khỏe người bệnh mà bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Phẫu thuật:

Đây là phương pháp đóng vai trò chủ đạo trong điều trị ung thư tuyến giáp. Trong đó, phẫu thuật cắt bỏ toàn bỏ toàn bộ tuyến giáp kết hợp nạo vét hạch cổ là phương pháp điều trị tối ưu nhất. Tuy nhiên, vẫn phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý để lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.

– Chỉ định cắt toàn bộ tuyến giáp nếu là ung thư giáp biệt hóa (thể u nhú, thể nang hoặc hỗn hợp nhú và nang) có các yếu tố tiên lượng xấu hoặc ung thư tái phát. Các trường hợp còn lại, người bệnh được chỉ định cắt thuỳ và eo giáp.

– Chỉ định cắt giáp toàn bộ cho tất cả các trường hợp ung thư tuyến giáp thể tủy.

– Chỉ định cắt giáp toàn bộ kết hợp vét hạch cổ triệt căn còn khả năng phẫu thuật với các trường hợp ung thư giáp trạng không biệt hóa.

Phẫu thuật cắt u tuyến giáp ác tính là phương pháp điều trị chủ đạo

Phẫu thuật cắt u tuyến giáp ác tính là phương pháp điều trị chủ đạo

Liệu pháp hormon thay thế:

Phương pháp được chỉ định sau khi phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, sau điều trị Iod 131 hoặc xuất hiện di căn sau điều trị triệt căn thất bại. Người bệnh sẽ được bổ sung hàm lượng hormone thiếu hụt do tuyến giáp tiết ra để giảm nồng độ TSH (hormone kích thích tuyến giáp do tuyến yên trong não sản xuất ra). Qua đó hạn chế sự phát triển của các tế bào tuyến giáp.

Hóa trị:

Đây là phương pháp sử dụng các loại thuốc hóa chất bằng đường uống hoặc tiêm nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị được chỉ định trong trường hợp ung thư giáp thể không biệt hóa.

Điều trị đích:

Đây là phương pháp điều trị chỉ tác động đến tế bào ung thư mà không tiêu diệt các tế bào lành tính. Điều trị đích được chỉ định khi bệnh ở giai đoạn muộn nhằm giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện thời gian sống cho người bệnh.

Liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân:

Phương pháp giúp người bệnh củng cố hệ miễn dịch để kích thích các tế bào miễn dịch hoạt động, tăng khả năng nhận diện và tấn công các tế bào ác tính. Đồng thời làm tăng hiệu quả điều trị khi áp dụng các phương pháp phẫu thuật, hóa trị…

Ngoài ra còn có phương pháp xạ trị, Iod-131, tùy theo trường hợp của từng bệnh nhân mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định cụ thể.

Sau khi kết thúc điều trị, người bệnh cần chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ 3 tháng/lần trong 2 năm đầu và 1 năm/lần trong những năm kế tiếp để phòng ngừa nguy cơ tái phát bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống và lối sống khoa học, lành mạnh, đồng thời tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Phát hiện u tuyến giáp ác tính ở giai đoạn sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong hiệu quả điều trị bệnh. Vì vậy, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng bất thường, bạn cần đi thăm khám để được chẩn đoán sớm. Đặc biệt, mỗi người nên chủ động tầm soát ung thư tuyến giáp theo định kỳ, nhất là nhóm đối tượng cơ nguy cơ mắc bệnh cao để phòng bệnh tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital