Triệu chứng và điều trị bệnh thoái hóa khớp háng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh thoái hóa khớp háng xảy ra do sự hao mòn lớp sụn khớp dẫn đến cấu trúc xương bị thay đổi, gây ra tình trạng đau nhức, khó chịu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng ảnh hưởng đến vận động và có thể gây tàn phế.

1. Phân loại thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng chủ yếu gặp ở người lớn tuổi. Nguyên nhân là do tuổi tác và tình trạng mô sụn ở chỏm xương bị hao mòn theo thời gian. Lớp sụn này giúp giảm ma sát giữa các khớp xương khi di chuyển, vận động. Khi thoái hóa khớp xảy ra, vùng xương chậu không được bảo vệ, cọ xát thường xuyên khi cơ thể đi lại gây ra các cơn đau cho người bệnh.

2 nhóm chính của bệnh này là:

– Thoái hóa sụn khớp háng nguyên phát: nhóm bệnh này chiếm khoảng 50% trường hợp và thường gặp ở những người trên 60 tuổi.

– Thoái hóa sụn khớp háng thứ phát, bao gồm:

+ Thoái hóa sụn khớp háng sau chấn thương như gãy cổ xương đùi, trật khớp háng.

+ Thoái hóa sụn khớp háng sau biến dạng mắc phải coxa plana hoặc sau khi bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.

+ Thoái hóa sụn khớp háng trên nền dị dạng trước đó như trật khớp háng, thiểu sản khớp háng.

Khớp háng thoái hóa có thể gây ra các cơn đau, nhức, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của bệnh nhân

Khớp háng bị bào mòn có thể gây ra các cơn đau, nhức, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của bệnh nhân

2. Nguyên nhân và triệu chứng của thoái hóa khớp ở háng

2.1. Nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp háng là gì?

Một số nguyên nhân gây ra căn bệnh này có thể kể đến như:

– Tuổi cao: tuổi tác là nguyên nhân gây thoái hóa khớp nói chung phổ biến ở người già hơn người trẻ tuổi. Khi con người bước vào độ tuổi 50-60, quá trình lão hóa diễn ra nhanh chóng khiến xương khớp dễ bị đau nhức.

– Chấn thương: những chấn thương dễ gặp trong cuộc sống hàng ngày như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, té ngã, chấn thương do chơi thể thao… cũng là yếu nguy cơ gây bệnh này.

– Thừa cân, béo phì: Khi cân nặng vượt quá mức cho phép sẽ tạo áp lực lên khớp háng, khiến cho bộ phận này bị quá tải. Điều này kéo dài khiến khớp háng dễ bị tổn thương.

– Do bẩm sinh: một số trường hợp ngay từ khi được sinh ra đã có khớp háng hoặc xương chân bị dị dạng.

– Di truyền: một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh xương khớp xuất phát từ yếu tố di truyền.

– Tiền sử bệnh lý về khớp: những người từng mắc bệnh lý cơ xương khớp thì nguy cơ có khớp bị thoái hóa cao hơn người bình thường.

– Bệnh có thể là biến chứng của một số bệnh khác như bệnh gút, đái tháo đường và bệnh huyết sắc tố.

Béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp háng

Béo phì là một trong những nguyên nhân khiến khớp háng bị thoái hóa

2.2. Các triệu chứng của thoái hóa khớp háng

– Giai đoạn đầu: ban đầu bệnh nhân xuất hiện những cơn đau ở vùng bẹn. Sau đó cơn đau lan rộng xuống vùng đùi, ra sau mông và thậm chí đến đầu gối. Cơn đau nghiêm trọng hơn khi người bệnh vận động quá lâu.

– Giai đoạn sau: cơn đau xuất hiện nhiều hơn vào buổi sáng và đau khi bệnh nhân đột ngột đứng dậy. Ngoài ra bệnh nhân có thể thấy nhức mỏi ở háng khi chuẩn bị đi ngủ. Tình trạng đau về đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bệnh nhân.

– Giai đoạn muộn: cơn đau xuất hiện dày đặc, đau dữ dội về đêm và khi thời tiết thay đổi. Đau có thể xảy ra kể cả khi đang nghỉ ngơi.

Bên cạnh đó, khớp háng bị viêm có thể gây ra một số triệu chứng như:

– Cứng khớp: thường xảy ra vào sáng sớm hoặc khi ngồi một chỗ quá lâu.

– Khô khớp: khi cử động sẽ phát ra âm thanh lạo xạo.

– Khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày: các cơn đau thường xuất hiện khi người bệnh ngồi xổm, dạng háng, gập người, bước lên xuống. Tình trạng này kéo dài sẽ làm hạn chế khả năng vận động của người bệnh, tệ nhất là mất khả năng di chuyển hoàn toàn.

Không thể đi lại, vận động là biến chứng nguy hiểm nhất của thoái hóa sụn khớp háng

Không thể đi lại, vận động là biến chứng nguy hiểm nhất của thoái hóa sụn khớp háng

3. Khả năng điều trị của bệnh thoái hóa sụn khớp háng

3.1. Bệnh thoái hóa sụn khớp háng có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

Hiện nay, bệnh chưa có phương pháp đặc trị. Tất cả các biện pháp điều trị chỉ với mục đích như sau:

– Làm thuyên giảm tình trạng đau nhức, sưng đau. Hỗ trợ bệnh nhân đi lại dễ dàng hơn.

– Kiểm soát cơn đau dai dẳng.

– Cải thiện khả năng đi lại, vận động của bệnh nhân.

– Giảm nguy cơ tàn phế và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác.

Để có kết quả điều trị tốt, người bệnh nên thăm khám bác sĩ sớm nhất có thể. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có phác đồ riêng để tình trạng đau khớp háng cải thiện.

3.2. Biện pháp điều trị thoái hóa sụn khớp háng

– Điều trị bằng thuốc:

Một số loại thuốc được sử dụng là thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc giãn cơ. Tất cả thuốc đều phải do bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp chỉ định. Bệnh nhân không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào vì sẽ làm tình trạng bệnh xấu đi.

– Phương pháp điều trị viêm sụn khớp háng ngay tại nhà:

Hạn chế những thói quen xấu làm ảnh hưởng đến khớp háng. Giảm cân, tập thể dục đều đặn, ăn uống khoa học là điều cần ưu tiên. Chú ý bổ sung các nhóm chất tốt cho xương khớp.

– Vật lý trị liệu:

Chườm nóng, chườm lạnh, massage được khuyến khích trong việc điều trị các bệnh xương khớp. Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế việc lạm dụng thuốc trong điều trị.

– Phẫu thuật:

Khi đã điều trị bằng thuốc nhưng tình trạng đau nhức khớp háng không cải thiện, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.

3.3. Các lưu ý phòng ngừa thoái hóa sụn khớp háng

– Nếu bị chấn thương hoặc dị tật bẩm sinh ở khớp háng, người bệnh nên tích cực điều trị sớm để hạn chế nguy cơ mắc bệnh này khi về già.

– Bệnh nhân viêm khớp nên tích cực tập luyện nhẹ nhàng. Chú ý bổ sung đầy đủ chất vào bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là thực phẩm giàu canxi. Đồng thời bệnh nhân thoái hóa khớp háng cũng nên sinh hoạt điều độ bằng cách đi ngủ sớm, duy trì tinh thần lạc quan, thoải mái.

– Cần điều trị các yếu tố nguy cơ, ảnh hưởng đến khớp háng.

Căn bệnh xương khớp này có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực. Do đó, khi có những dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh nên đến chuyên khoa Cơ xương khớp để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital