Trẻ sơ sinh bị táo bón: nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ sơ sinh bị táo bón là tình trạng nhiều mẹ bỉm sữa phải “đối mặt”. Tuy nhiên không phải bà mẹ nào cũng biết rõ về nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả giúp giảm thiểu tình trạng này. Nếu như trẻ bị táo bón kéo dài rất dễ gặp các bệnh lý về hệ tiêu hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con. Do vậy, những thông tin trong bài viết này sẽ là “cẩm nang” hữu ích cho các bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dưỡng con yêu.

 1. Tìm hiểu về bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh

1.1 Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị táo bón là gì?

Trẻ sơ sinh hay bị táo bón phụ thuộc vào nhóm ba tác nhân sau:

– Chế độ dinh dưỡng của mẹ: đây là một trong những yếu tố đầu tiên tác động lên sức khỏe của con. Trẻ sơ sinh đang bú mẹ, do đó chịu nhiều ảnh hưởng từ chế độ ăn hàng ngày của mẹ. Cụ thể, với những mẹ ăn nhiều đồ cay nóng, chế độ ăn thiếu cân bằng, nhiều chất đạm, ít chất xơ, không bổ sung các khoáng chất, vitamin cần thiết thì tỷ lệ cao trẻ bị táo bón. Nguyên nhân là những chất này sẽ tác động vào nguồn sữa mẹ, bé bú sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa trong đó có táo bón. Do vậy mẹ nên chú ý chế độ ăn của mình đặc biệt là giai đoạn con còn bú mẹ để tránh tình trạng thường xuyên trẻ bị táo bón.

Chế độ dinh dưỡng của mẹ là một trong những yếu tố đầu tiên tác động lên sức khỏe của con.

Chế độ dinh dưỡng của mẹ là một trong những yếu tố đầu tiên tác động lên sức khỏe của con.

– Trẻ uống sữa công thức: theo thống kê, trẻ bú sữa mẹ sẽ ít bị táo bón hơn trẻ dùng sữa công thức từ sớm bởi vì các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ khá cân bằng và phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh. Bé khó có thể tiêu hóa được sữa công thức do chứa nhiều chất vì hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn quá non yếu. Hàm lượng protein trong sữa công thức khiến trẻ sơ sinh thường đi ngoài có phân cứng.

– Táo bón là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý ở trẻ sơ sinh: bố mẹ cần chú ý ngoài hai nguyên nhân thì đây là nguyên nhân nguy hiểm hơn gây nên tình trạng trẻ bị táo bón. Do đường tiêu hóa của bé đang bị tổn thương hoặc một số bé còn bị dị tật bẩm sinh chẳng hạn như phì đại tràng, vô hạch đại tràng tác động đến hoạt động ruột già của con. Ngoài ra, bệnh cường giáp cũng là một trong những bệnh có tác động đến nhu động ruột, gây ra tình trạng táo bón ở trẻ.

1.2 Một số triệu chứng lâm sàng phổ biến

– Bé đi đại tiện khó khăn: đây là dấu hiệu phổ biến nhất mà bố mẹ nào cũng dễ dàng nhận biết. Thông thường, nếu bị táo bón, các bé có phản ứng nhăm mặt, uốn cong lưng, một số bé có thể khóc do cố gắng rặn nhưng vẫn không đi được.

– Tần suất và phân bất thường: với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, tần suất đi ngoài từ 2-3 lần/ngày. Ngược lại, nếu mẹ thấy trẻ đi ngoài ít hơn tần suất thì khả năng cao là trẻ bị táo bón. Ngoài ra, các phụ huynh quan sát phân của con. Phân lúc này sẽ có đặc điểm khô, màu đen hoặc xám, với những bé bị nặng có thể phân sẽ dính máu.

– Bé bị chướng bụng, thường xuyên quấy khóc: khi trẻ bị táo bón đồng nghĩa với hoạt động hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng. Thức ăn bị tích tụ ở dạ dày gây ra triệu chứng chướng bụng, khó tiêu, khi sờ vào bụng của bé sẽ cứng. Chất độc ở phân lúc này tồn đọng lâu trong ruột, làm bé khó chịu, ăn không ngon và hay quấy khóc.

Trẻ sơ sinh bị táo bón thường có dấu hiệu: đi đại tiện khó khăn, hay khóc quấy,...

Trẻ sơ sinh bị táo bón thường có dấu hiệu: đi đại tiện khó khăn, hay khóc quấy,…

2. Phương pháp điều trị khi trẻ bị táo bón

2.1 Chế độ ăn uống của mẹ và con

Chế độ dinh dưỡng cân bằng là yếu tố quan trọng nhất để xử lý tình trạng trẻ bị táo bón. Do trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn bú mẹ nên khẩu phần ăn của mẹ cũng cần phải chú ý để không ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Cụ thể:

– Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn của mẹ: mẹ nên tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ, nhiều vitamin và khoáng chất. Những dưỡng chất có tác dụng giúp kích thích nhu động ruột, giữ nước và làm mềm phân của trẻ qua đường sữa mẹ. Các thực phẩm được bác sĩ khuyên nên sử dụng nhiều là: các loại ra lá xanh (rau ngót, rau mồng tơi, rau khoai, diếp cá,…), các loại đậu, hạt, sữa chua, hoa quả.

– Đổi sữa công thức trẻ đang dùng: nếu mẹ nhận thấy trẻ uống sữa công thức và bị táo bón, mẹ nên đổi sang loại sữa bột khác phù hợp với con hơn. Trong trường hợp không biết chọn loại sữa nào cho con, cách tốt nhất là tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc các chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm.

Nếu mẹ nhận thấy trẻ uống sữa công thức và bị táo bón, mẹ nên đổi sang loại sữa bột khác phù hợp với cơ thể của con

Nếu mẹ nhận thấy trẻ uống sữa công thức và bị táo bón, mẹ nên đổi sang loại sữa bột khác phù hợp với cơ thể của con

2.2 Các phương pháp khác để điều trị trẻ sơ sinh bị táo bón

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, mẹ cần áp dụng thêm các biện pháp khác để tăng hiệu quả cho quá trình điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh. Một số phương pháp bác sĩ chuyên khoa khuyên mẹ nên áp dụng tại nhà:

– Sử dụng nước ấm để tắm cho con: hiện tượng đầy hơi khi bị táo bón sẽ làm căng cơ. Vì vậy, nước ấm sẽ giúp trẻ giảm thiểu các triệu chứng khó chịu do táo bón gây ra. Trẻ tắm trong nước ấm là cơ hội cho bé thư giãn cơ bụng đồng thời kích thích nhu động ruột hoạt động, hệ tiêu hóa nhanh chóng trở lại bình thường.

– Ba mẹ chăm massage bụng cho con: đây là một trong phương pháp bổ trợ rất tốt giúp kích thích bé đi ngoài. Bố mẹ dùng lực vừa đủ của 3 ngón tay, xoa xung quanh rốn của con khiến thức ăn trong bụng mềm ra và dễ dàng tiêu hóa hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể áp dụng phương pháp massage theo kiểu “đạp xe” vừa tạo cho cơ thể con vận động vừa giảm thiểu tình trạng trẻ bị táo bón. Cụ thể, mẹ hãy đặt dưới mông bé một tấm vải mềm, luồn một tấm tã giữa hai chân và bọc hậu môn nhưng không cột tã vào người trẻ. Tiếp tục, mẹ cầm  chân của con rồi từ từ đẩy đầu gối phải về phía vai phải. Khi đầu gối của trẻ đã lên cao, mẹ nhẹ nhàng nâng chân con lên và kéo duỗi thẳng ra. Mẹ hãy làm tương tự như thế với chân trái và thực hiện 4-5 lần mỗi bên chân.

Trên đây là phương pháp chữa trị trẻ bị táo bón hiệu quả cho các bậc phụ huynh dễ dàng áp dụng tại nhà. Táo bón trong một thời gian dài gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của trẻ, vì vậy mẹ nên áp dụng những lời khuyên trên để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho cơ thể của con.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital