Trẻ biếng ăn vì sao: 5 nguyên nhân mẹ đã biết? 

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ biếng ăn hiện đang là một trong những vấn đề luôn làm các bố mẹ phải đau đầu, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé, khiến trẻ chậm phát triển, suy giảm hệ miễn dịch mà còn là nguyên nhân tác động tâm lý của cha mẹ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn do vậy rất nhiều phụ huynh không thể xác định chính xác trẻ biếng ăn vì sao. Có trường hợp bé không được khỏe, ăn ít, mẹ lại lầm tưởng là trẻ biếng ăn, nên cố ép khiến trẻ ngày càng sợ ăn và dẫn tới biếng ăn thật sự.

Việc xác định nguyên nhân trẻ biếng ăn vì sao là vô cùng quan trọng để có biện pháp phù hợp cải thiện, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy cùng tìm hiểu 5 nguyên nhân trẻ biếng ăn phổ biến nhất trong bài viết sau nhé!

1. Trẻ biếng ăn do sinh lý

Nhiều ba mẹ thấy tự nhiên con có biểu hiện ăn ít, chán ăn mà không rõ nguyên nhân trẻ biếng ăn vì sao. Lúc này, mẹ có thể nghĩ ngay đến trẻ biếng ăn do yếu tố sinh lý, thường gặp trong từng giai đoạn phát triển của bé.

Cơ thể trẻ phát triển, chuyển sang thời điểm trẻ biết lẫy, biết bò, tập đứng tập đi, mọc răng… thì trẻ có thể ăn ít đi, lười ăn hơn. Hiện tượng này kéo dài từ 7 ngày đến vài tuần và trở lại bình thường. Tuy nhiên không phải vì thế mà mẹ chủ quan, không chú ý đến con. Thời gian này, mẹ vẫn nên có một vài biện pháp khắc phục, tránh trẻ hình thành thói quen lười ăn.

Trẻ biếng ăn vì sao? Có thể do yêu tố sinh lý, cơ thể trẻ chuyển sang thời điểm biết lẫy, biết bò, tập đứng tập đi, mọc răng...

Trẻ biếng ăn vì sao? Có thể do yêu tố sinh lý, cơ thể trẻ chuyển sang thời điểm biết lẫy, biết bò, tập đứng tập đi, mọc răng…

Nếu trẻ biếng ăn do sinh lý thay đổi, mẹ có thể tham khảo biện pháp sau:

– Theo dõi từng giai đoạn trong quá trình phát triển của bé để nắm bắt nguyên nhân trẻ biếng ăn.

– Mẹ nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ hơn để con tiêu hoá dễ hơn và không có cảm giác sợ ăn khi khẩu phần ăn quá lớn.

– Mẹ không nên tự ý sử dụng các loại thuốc bổ hoặc ép con ăn quá nhiều. Hãy kiên nhẫn và cố gắng thay đổi các món ăn hấp dẫn chờ trẻ ăn lại bình thường.

2. Trẻ biếng ăn do bệnh lý

Trẻ mắc bệnh lý là nguyên nhân không thể thiếu gây nên tình trạng biếng ăn, các bệnh lý phổ biến là:

– Trẻ bị viêm loét vùng miệng, sâu răng,… sẽ cảm thấy đau khi ăn uống nên thường bỏ ăn.

– Hệ tiêu hoá của bé bị rối loạn chẳng như loạn khuẩn đường ruột, tiêu chảy, táo bón gây nên hiện tượng đầy bụng, khó tiêu, trẻ không có cảm giác muốn ăn, dẫn tới biếng ăn, chậm lớn.

– Bé bị nhiễm ký sinh trùng giun, sán hoặc các bệnh về đường hô hấp ví dụ như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản,… thường ăn ít hơn.

Trong trường hợp các bố mẹ nên cho con đi thăm khám và điều trị sớm các bệnh lý để không ảnh hưởng đến sức khoẻ của con.

3. Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo làm cho trẻ biếng ăn

Chế độ dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trẻ biếng ăn, bỏ bữa. Có rất nhiều yếu tố trong chế độ dinh dưỡng mà mẹ hay mắc sai lầm trong quá trình chăm sóc con. Đầu tiên thực đơn nhàm chán, lặp đi lặp lại, cụ thể:

– Mẹ liên tục cho trẻ ăn món ăn hầm cùng với các loại rau củ như: khoai tây, cà rốt, củ dền… trong nhiều ngày.

– Thói quen cho trẻ ăn nước mà không ăn thịt, rau có trong canh không chỉ dẫn đến tình trạng con lười ăn mà còn làm con bị thiếu chất dinh dưỡng.

– Trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn, mẹ thường xay nhuyễn thức ăn dù bé đã 2-3 tuổi hình thành thói quen lười nhai.

Thứ hai thức ăn không hợp khẩu vị, sở trường của trẻ cũng tác động đến sự biếng ăn của bé. Những món ăn lạ, được chế biến theo cách mới thường không hợp khẩu vị của bé.

Chế độ dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trẻ biếng ăn, bỏ bữa

Chế độ dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trẻ biếng ăn, bỏ bữa

Một vài lời khuyên giúp mẹ khắc phục hiệu quả trường hợp này là:

– Tùy vào từng độ tuổi của trẻ mà lựa chọn đồ ăn và cách chế biến sao cho phù hợp.

– Không nên ăn thức ăn xay nhuyễn quá lâu, điều này giúp bé phát triển cơ nhai.

– Nên sử dụng thức ăn tươi để chế biến món ăn, tránh các loại thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, bảo quản đông lạnh lâu ngày sẽ không tốt cho sức khoẻ bé.

– Cho con ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, chế biến thành nhiều món khác nhau, kết hợp trang trí bắt mắt để kích thích vị giác của bé.

– Thiết lập khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ cân bằng với đầy đủ chất dinh dưỡng: chất đạm, chất bột đường, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất.

– Không cho trẻ ăn đồ ăn vặt, đồ ngọt trước bữa ăn sẽ tạo cảm giác no, đầy bụng, làm trẻ chán ăn.

4. Trẻ biếng ăn do thói quen không tốt

Đây là một trong những nguyên nhân giải thích trẻ biếng ăn vì sao? Trẻ em có rất nhiều thói quen ăn xấu làm ảnh hưởng đến quá trình ăn uống và gây hại đến sức khoẻ con như là:

– Ngoài bữa chính, trẻ ăn vặt nhiều trong một ngày. Các món đồ ăn vặt được bé yêu thích như bim bim, khoai tây chiên,… chứa rất nhiều chất phụ gia gây đầy bụng, khó tiêu và không tốt cho hệ tiêu hoá của trẻ. Khi ăn quá nhiều, đến bữa ăn trẻ không muốn ăn nữa, và đây là nguyên nhân gây ra chậm tăng cân và ngừng phát triển chiều cao ở trẻ em.

– Khi ăn trẻ không tập trung, sử dụng điện thoại, ipad vừa ăn vừa chơi, xem hoạt hình. Việc này làm trẻ sẽ mất cảm giác ngon miệng, chăm chú vào những thứ đồ chơi, hình ảnh trên tivi.

– Trẻ ăn không đúng bữa, đói lúc nào ăn lúc đấy.

Vậy cách khắc phục là gì?

– Bố mẹ chỉ nên cho con ăn thực phẩm bổ sung lợi khuẩn vào bữa ăn phụ như trái cây, sữa chua, váng sữa,… tránh đồ ăn chứa nhiều chất phụ gia.

– Nên cho trẻ ngồi vào bàn ăn, không vừa ăn vừa chơi, hay bế đi ăn rong… sẽ tạo thói quen xấu rất khó thay đổi.

– Phụ huynh nên lập thời gian biểu cho con, cố định giờ ăn trong ngày để tạo thói quen.

5. Yếu tố tâm lý tác động khiến trẻ biếng ăn

Yếu tố tâm lý cũng được xem là một trong những tác nhân khiến trẻ biếng ăn.

Yếu tố tâm lý cũng được xem là một trong những tác nhân khiến trẻ biếng ăn.

Trẻ phải có tâm lý thoải mái, vui vẻ mới có thể ăn ngon miệng được. Ngược lại, nếu tâm lý con bị ảnh hưởng đồng thời cũng sẽ giảm hứng thú trong việc ăn uống. Các tác nhân có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ như là:

– Cha mẹ ép trẻ ăn quá nhiều gây nên tâm lý sợ ăn, tránh né khi đến bữa ăn.

– Ở một số bé có thể bị chứng rối loạn ăn uống do bị ép buộc hoặc gò bó trong khuôn khổ mà bé không mong muốn: trẻ bị ép mang khăn ăn, quy định thời gian ăn, ngồi một chỗ từ đầu đến cuối bữa ăn,…

– Nhiều bố mẹ hay đánh lừa trẻ bằng cách cho thuốc vào thức ăn, vào sữa khiến trẻ bị “ám ảnh” không muốn ăn.

Cách khắc phục hiệu quả trong trường hợp này dành cho các phụ huynh là:

– Khi ăn đã đủ no, không nên ép trẻ ăn thêm và tránh tuyệt đối các hành động gây ra tâm lý sợ hãi như là bóp mũi cho trẻ nuốt, làm cho bé khóc để nuốt…

– Với những món ăn mới hãy tập cho trẻ làm quen dần, cho trẻ ăn ít một và tăng số lượng dần lên.

– Tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong lúc ăn.

Trên đây là 5 nguyên nhân phổ biến giải thích trẻ biếng ăn vì sao mà các phụ huynh nên biết. Việc chấm dứt sớm tình trạng trẻ biếng ăn không chỉ giúp bố mẹ cảm thấy vui vẻ, phấn khởi mà còn giúp con yêu được phát triển bình thường, khoẻ mạnh như các bạn cùng tuổi.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital