Thường xuyên đau nửa đầu phía trước phải làm thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Rất nhiều trường hợp bệnh nhân thường xuyên có cảm giác bị đau nửa đầu phía trước, nhất là từ 2 bên thái dương vào dọc giữa đôi cung lông mày. Cơn đau nửa đầu trước trán có thể âm ỉ, không rõ ràng và thường đi kèm với cảm giác rất khó chịu. Hãy cùng tìm hiểu cách khắc phục đau nửa đầu trước trong bài viết sau đây.

1. Bệnh đau nửa đầu là gì?

Đau nửa đầu (Migraine) phổ biến với tần suất xuất hiện ở phụ nữ cao gấp 3 lần so với nam giới, được mô tả là cơn đau đầu vừa hoặc nặng. Đau chỉ ở một bên đầu, có thể là trái, phải, trước hoặc sau đầu. Người bệnh thường có cảm giác đau đầu kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng và âm thanh mạnh.

Các cơn đau nửa đầu thường kéo dài từ vài giờ cho tới vài ngày và đôi khi nặng đến mức gây cản trở các hoạt động thường ngày của bạn. Trong một số trường hợp, có một giai đoạn cảnh báo trước khi xuất hiện các cơn đau nửa đầu, được gọi là tiền triệu. Vào thời điểm đó, bạn sẽ gặp các rối loạn thị giác như thấy các tia lóe sáng hoặc xuất hiện các điểm mù. Ngoài ra có thể là ngứa ran một bên mặt, tay hoặc chân và khó nói chuyện.

Bệnh đau nửa đầu là gì

Đau nửa đầu có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm

2. Những nguyên nhân gây đau nửa đầu phía trước

2.1 Đau đầu bệnh lý

Đau đầu nửa trước là một tình trạng bệnh lý thường gặp, gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đôi khi chỉ là những cơn đau thông thường, nhưng đôi khi lại là dấu hiệu của một số bệnh lý như:

– Bệnh về mạch máu não

– Khối u chèn ép não

– Viêm nhiễm vùng đầu – mặt – cổ vai gáy

– Hội chứng giao cảm cổ

Tùy từng nguyên nhân mà bệnh sẽ có biểu hiện, mức độ đau cũng như vị trí khởi phát cơn đau khác nhau. Điển hình như đối với người bị đau đầu do vận mạch sẽ có dấu hiệu phổ biến là các cơn đau xuất hiện ở vùng trước trán, từ thái dương lan dần đến mắt, có thể đi kèm chảy nước mắt, nước mũi.

2.2 Đau nửa đầu phía trước do tâm lý

Đau đầu tâm lý hoặc có thể nói là đau đầu do căng thẳng thần kinh. Trường hợp này người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng bao gồm:

– Cảm giác nặng đầu, như có một chiếc khăn quấn chặt quanh đầu

– Cơn đau có thể tăng lên khi người bệnh xúc động

– Lo âu, ám ảnh hoặc bị trầm cảm

– Dễ bị kích động, cáu gắt

Không chỉ vậy, bệnh nhân bị đau đầu phía trước do stress hoặc sang chấn tâm lý cũng có biểu hiện suy giảm trí nhớ, kém tập trung, đau dai dẳng và kéo dài kể từ thời điểm xảy ra biến cố hoặc xuất hiện vấn đề khiến bạn phải lo nghĩ quá độ.

Những nguyên nhân gây đau nửa đầu phía trước

Áp lực công việc, cuộc sống là nguyên nhân phổ biến gây đau đầu

2.3 Đau nửa đầu phía trước do viêm xoang trán

Bệnh viêm xoang trán thường có 2 biểu hiện phổ biến nhất là chảy nước mũi và đau đầu phía trước trán, dựa vào những biểu hiện bên ngoài có thể đánh giá mức độ viêm xoang như sau:

– Viêm xoang trán nhẹ: Chảy nước mũi nhiều, không có cảm giác đau trước trán hoặc chỉ đau ở mức độ nhẹ khi thời tiết thay đổi.

– Viêm xoang trán mức độ vừa: Dịch mũi lẫn mủ xanh hoặc nâu, thường bị đau quanh đầu vùng trán, dọc theo lông mày và lan ra hai bên thái dương.

– Viêm xoang trán nặng: Dịch mủ nhiều, nhầy và rất dính làm tắc nghẽn đường dẫn lưu từ xoang xuống khe mũi. Chảy mũi ít, nhưng gây đau tức vùng hốc mắt, dù ấn nhẹ cũng sẽ rất đau.

Viêm xoang trán là căn bệnh không quá nguy hiểm nếu được điều trị đúng cách và kịp thời. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan thì nguy cơ gặp phải biến chứng nhiễm trùng lan tỏa, bắt đầu từ mũi đến amidan, họng và dẫn đến viêm thanh quản và viêm phế quản là rất cao.

3. Đau nửa đầu phía trước có gây nguy hiểm hay không?

Như vậy, hiện tượng đau nhức nửa đầu phía trước có thể xuất phát từ nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Tuy nhiên, tựu chung lại chúng vẫn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, cụ thể:

Đau nửa đầu trước khiến người bệnh mất đi hứng thú với các hoạt động thường ngày, đôi khi những công việc đơn giản cũng trở nên rất khó khăn với họ. Đồng thời, tình trạng này cũng khiến người bệnh ngại tham gia các hoạt động xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.

Bên cạnh đó, đau nhức nửa đầu phía trước còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tiềm ẩn bên trong cơ thể mà không được điều trị kịp thời sẽ gây ra suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, mất ngủ kéo dài. Tình trạng này tiến triển lâu có thể trở thành đau mạn tính rất khó điều trị.

4. Cách khắc phục đau đầu nửa trước

Ngay khi cảm thấy đau ở nửa đầu phía trước, người bệnh nên ngừng ngay việc đang làm và ngồi yên thư giãn hoặc nằm nghỉ trong phòng tối một lúc, có thể kết hợp một số động tác đơn giản như:

– Hít và thở từ từ

– Xoay chậm, xoa bóp cơ cổ và vùng đầu nhẹ rồi tăng dần

– Chườm nóng hoặc chườm lạnh lên trán

– Tắm nước nóng

Sắp xếp thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi phù hợp, ngủ đủ 6 – 8 tiếng mỗi ngày, kết hợp tập các bài tập nhẹ như yoga hay thiền có thể hỗ trợ làm giảm đau đầu. Nếu tình trạng đau đầu nặng có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau. Tuy nhiên, người bệnh không nên sử dụng tùy tiện hoặc lạm dụng thuốc giảm đau kẻo gây ra tác dụng ngược. Mọi loại thuốc cần được kê đơn bởi các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh sau quá trình thăm khám và những chẩn đoán kỹ càng.

Cách khắc phục đau đầu phía trước

Người bệnh có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh ở vùng trán và nằm trong phòng tối để giảm tình trạng đau

Đối với người bị đau nửa đầu phía trước, tốt nhất hãy thăm khám ngay từ sớm tại các chuyên khoa nội thần kinh ngay khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên để được chẩn đoán, xác định nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị phù hợp, giúp giảm tần suất xuất hiện của cơn đau cũng như ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của cơn đau nửa đầu trước.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital