Thoát vị bẹn ở trẻ: dấu hiệu, biến chứng và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Thoát vị bẹn ở trẻ thường là bệnh lý bẩm sinh xảy ra với 2-5% trẻ em. Bệnh có thể xuất hiện ở 2 giới nhưng tỷ lệ mắc ở bé trai cao gấp 9 lần bé gái. Bệnh không khó điều trị nhưng nếu bố mẹ chủ quan, để lâu ngày sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

1.Thoát vị bẹn ở trẻ là gì?

Thoát vị bẹn ở trẻ thường là bệnh lý bẩm sinh do xuất hiện một ống thông nhỏ từ phần ổ bụng xuống dưới vùng bẹn (ống phúc tinh mạc). Điều này làm cho dịch từ ổ bụng hoặc ruột chui xuống tạo thành khối phồng ở bẹn. Thoát vị bẹn ở trẻ có thể gặp ở một bên hoặc cả 2 bên. Tuy nhiên, tỷ lệ thoát vị bẹn ở bên phải nhiều hơn bên trái và ở bé trai nhiều hơn bé gái.

Thông thường, ở những tháng cuối của thai kỳ hoặc 3 tháng đầu sau sinh, ống phúc tinh mạc ở trẻ sẽ tự đóng lại. Trẻ càng lớn thì khả năng tự đóng của ống phúc tinh mạc càng giảm. Khi ống phúc tinh mạc ở trẻ không đóng lại hoàn toàn sẽ dẫn đến thoát vị bẹn.

Ngoài ra, trẻ bị thoát vị bẹn còn có thể do trẻ rặn quá nhiều khi bị táo bón hoặc sau một đợt ho kéo dài.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ thoát vị bẹn, trẻ cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Nếu để lâu không những ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Thoát vị bẹn ở trẻ thường là bệnh lý bẩm sinh do ống phúc tinh mạc chưa đóng lại hoàn toàn.

Thoát vị bẹn ở trẻ thường là bệnh lý bẩm sinh do ống phúc tinh mạc chưa đóng lại hoàn toàn.

2. Dấu hiệu nhận biết thoát vị bẹn ở trẻ

Bố mẹ có thể dễ dàng nhận thấy những dấu hiệu đáng ngờ của bệnh bằng những biểu hiện dưới đây:

– Xuất hiện một khối phồng tại vùng bẹn của trẻ. Ở bé gái, khối phồng này có thể lan đến vùng mu, ở bé trai là vùng bìu. Kích thước khối phồng sẽ tăng lên và dễ nhận thấy chạy nhảy, vận động mạnh, ho hoặc rặn. Khi trẻ nghỉ ngơi hoặc nằm yên thì rất khó phát hiện khối phồng vì khi đó khối thoát vị đã chui lại về ổ bụng, vùng bẹn của trẻ trở về trạng thái bình thường.

– Nắn vào vùng phồng có thể sờ được khối thoát vị. Khối thoát vị có tính chất mềm, chuyển động, nắn không đau. Có thể nhìn thấy khối thoát vị di chuyển khi trẻ chạy nhảy.

– Khi khối thoát vị bị kẹt hoặc bị nghẹt không thể trở về ổ bụng được sẽ khiến khối phồng bị sưng đau, kèm theo cơn đau bụng dữ dội, bụng chướng, buồn nôn hoặc nôn.

Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác mà trẻ có thể gặp phải như: tràn dịch màng tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, viêm tấy vùng bẹn bìu,… Khi phát hiện những dấu hiệu đáng nghi ở trẻ, bố mẹ cần cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

3. Các biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn ở trẻ nếu không được chữa trị kịp thời không những ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác:

Rối loạn tiêu hóa, táo bón, không thể đại tiện được gây chậm lớn ở trẻ

– Ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản: xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn ở bé trai. Ở bé gái có thể bị hoại tử buồng trứng.

Hoại tử ruột do ruột bị nghẹt trong túi thoát vị không thể chui về ổ bụng. máu không thể lưu thông dẫn đến hoại tử.

Thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh vì vậy không thể tự khỏi. Nếu để lâu, khối thoát vị sẽ không thể xẹp xuống mà ngày càng to ra. Khi ấy, sẽ tạo áp lực và khiến cho thành bụng ngày càng yếu, khả năng phục hồi của thành bụng ngày càng khó.

Thoát vị bẹn ở trẻ có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này nếu không được điều trị kịp thời.

Trẻ bị thoát vị bẹn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này nếu không được điều trị kịp thời.

4. Điều trị thoát vị bẹn ở trẻ

Cho đến hiện tại, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh lý này. Có 2 phương pháp phẫu thuật chính là mổ mở kinh điển và mổ nội soi.

4.1. Mổ mở điều trị thoát vị bẹn ở trẻ

Với phương pháp này, trẻ sẽ được gây mê toàn thân nên hoàn toàn không cảm thấy đau trong thời gian phẫu thuật. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ, khoảng 3-4cm theo vết lằn ở bụng dưới. Tiếp theo, đẩy ruột hoặc các tổ chức khác bên trong khối thoát vị trở lại đúng vị trí, khâu lại chỗ thoát vị. Thời gian nằm viện trung bình khoảng 2-3 ngày, vết mổ lành sau khoảng 7 ngày.

4.2. Mổ nội soi điều trị thoát vị bẹn ở trẻ

Đây là phương pháp điều trị thoát vị bẹn ít xâm lấn nhưng phức tạp hơn phương pháp mổ hở. Người bệnh được gây mê toàn thân và bác sĩ sẽ tạo 1-3 đường rạch rất nhỏ tại vùng phẫu thuật để đưa dụng cụ vào trong ổ bụng. Với phương pháp này, bác sĩ dễ dàng nhìn thấy ống dẫn tinh và mạch máu nuôi tinh hoàn và khâu lại ống phúc tinh mạc mà không làm tổn thương đến ống dẫn tinh và mạch máu.

Vì vậy, phẫu thuật bằng phương pháp nội soi giúp tránh được 2 biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi mổ hở là tắc ống dẫn tinh và teo tinh hoàn. Ngoài ra, nội soi cũng cho phép quan sát và đánh giá tình trạng ống phúc tinh mạc ở phía đối diện và tiến hành khâu kín ngay nếu nó còn hở. Hơn nữa, so với đường rạch dài của phương pháp mổ hở, phẫu thuật nội soi có tính thẩm mỹ cao khi vết rạch chỉ khoảng 3mm nên hầu như không để lại sẹo sau phẫu thuật. Trẻ ít đau, nhanh phục hồi, có thể xuất viện sau 1 ngày và vết thương lành sau 2-3 ngày.

Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị thoát vị bẹn ở trẻ.

Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị thoát vị bẹn ở trẻ.

5. Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật thoát vị bẹn

Sau phẫu thuật thoát vị bẹn trẻ có thể bị đau, mệt mỏi hoặc sốt nhẹ. Nhưng những triệu chứng này sẽ giảm dần sau vài ngày nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Để vết mổ nhanh lành và phòng tránh những biến chứng sau mổ, bố mẹ cần lưu ý một số điểm sau:

– Chăm sóc vết mổ: Thay băng thường xuyên trong những ngày đầu sau mổ, vệ sinh vết mổ bằng nước ấm hoặc bông sát khuẩn.

– Chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ ăn những loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, ít chất béo như cháo, súp, sữa chua,… Nếu trẻ bị táo bón cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn phù hợp.

– Chế độ sinh hoạt: Cho trẻ nghỉ ngơi và tránh vận động mạnh. Khuyến khích trẻ vận động nhẹ nhàng mỗi ngày như đi bộ để máu lưu thông tốt. Hạn chế mang vác vật nặng, chạy nhảy, đạp xe nhiều có thể làm rách vết mổ.

Thoát bị bẹn ở trẻ không thể tự khỏi mà cần điều trị bằng phẫu thuật. Khi bố mẹ phát hiện những dấu hiệu đáng nghi ở trẻ thì cần cho trẻ đi khám ngay để được điều trị sớm nhất có thể. Để lâu ngày, bệnh không thể tự khỏi mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe và khả năng sinh sản sau này của trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital