Thận trọng với viêm phế quản bội nhiễm ở trẻ em

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm phế quản bội nhiễm là tình trạng biến chứng của viêm phế quản, căn bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là ở thời điểm giao mùa. Bệnh nếu không được chú ý và điều trị nhanh chóng kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, thậm chí là tử vong ở trẻ nhỏ. Chính vì vậy, những gia đình đang có con nhỏ cần tìm hiểu những thông tin về căn bệnh này.

1. Những thông tin chung về bệnh

1.1. Khái niệm viêm phế quản bội nhiễm

Hiện tượng bội nhiễm tức là nhiễm trùng nhiều hơn 1 lần với những chủng virus, vi khuẩn khác nhau. Nói một cách dễ hiểu hơn, giả sử bệnh nhân đang có một bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng và đang trong quá trình bệnh chưa khỏi thì đã xuất hiện thêm một loại vi khuẩn, virus khác gây bệnh xâm nhập vào bên trong cơ thể người bệnh. Tình trạng này chính là bội nhiễm. Bội nhiễm có thể là xuất hiện thêm một hoặc nhiều loại vi rút mới bên cạnh loại cũ.

Nếu trẻ nhỏ bị bội nhiễm thì khả năng điều trị bệnh sẽ gặp khó khăn hơn do những loại vi khuẩn đó có thể bị kháng thuốc.

Viêm phế quản bị bội nhiễm là tình trạng trẻ bị các loại virus xâm nhập vào đường hô hấp và gây viêm nhiễm tại phế quản. Các triệu chứng khi xuất hiện bệnh là trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, ho nhiều và có thể sốt. Nếu không được cha mẹ để ý và điều trị hoặc điều trị nhưng không dứt điểm có thể khiến cho bệnh biến chứng thành bội nhiễm, tức là có sự tồn tại của virus, vi khuẩn mới. Bệnh thường xảy ra với đối tượng trẻ nhỏ, nhất là những trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nguyên nhân của bệnh được các định chủ yếu là do loại virus hợp bào hô hấp RSV. Trong quá trình điều trị, nếu trẻ không được điều trị dứt điểm thì sẽ tạo điều kiện cho những loại vi khuẩn khác như liên cầu khuẩn, phế cầu thường xuất hiện ở mũi họng tấn công xuống phế quản khiến cho tình trạng viêm nhiễm của trẻ sẽ trở thành bôi nhiễm.

viêm phế quản bội nhiễm

Trẻ em thường rất dễ mắc viêm phế quản

Những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh này đó là:

– Trẻ sơ sinh bị đẻ non dưới 36 tuần với cân nặng nhỏ hơn 2.5 kg là đối tượng rất dễ mắc viêm phế quản dẫn đến bội nhiễm.

– Em bé nhỏ hơn 3 tháng tuổi

– Những trẻ bị bệnh tim bẩm sinh và có tăng áp lực ở động mạch phổi

– Trẻ bị bệnh phổi mạn tính hay còn gọi là bệnh loạn sản phổi

– Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng hoặc trẻ bị suy giảm miễn dịch

1.2. Triệu chứng và nguyên nhân của bệnh viêm phế quản bội nhiễm

Đa phần những trường hợp trẻ bị viêm phế quản dẫn đến bội nhiễm thường bắt nguồn từ việc trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp trên. Những viêm nhiễm đó nếu không được chữa trị sớm hoặc trẻ không đáp ứng thì có thể lan ra đường hô hấp dưới. Khi bị viêm nhiễm đường hô hấp, dịch trong đường thở sẽ xuất tiết nhiều hơn khiến cho việc lưu thông không khí của trẻ bị cản trở, nên trẻ thường thở khó và có tiếng khò khè.

Viêm phế quản dẫn đến bội nhiễm ở trẻ nhỏ thường là do virus hợp bào hô hấp gây ra. Những loại virus này thường dễ phát tán và sinh sôi ở điều kiện môi trường bị ô nhiễm, khí hậu ẩm ướt. Một khi đã bị virus xâm nhập và gây nên viêm phế quản mà không được điều trị dứt điểm, triệt để thì rất dễ gây ra tình trạng bội nhiễm.

viêm phế quản bội nhiễm

Bội nhiễm khi bị viêm phế quản cần được điều trị dứt điểm

Những triệu chứng khi trẻ bị mắc bệnh viêm phế quản đó là:

Trẻ thường bị ho, đau họng, rát họng, sổ mũi, cảm thấy khó thở, thở khò khè, có sốt nhẹ, một số trường hợp có thể bị viêm tai giữa. Ngoài ra, có nhiều trẻ sẽ có những triệu chứng như nôn ói thường xuyên, thở phập phồng, thở gấp, da tái đi, người mệt mỏi đôi khi còn bị co giật. Nếu thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng trên cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, tránh những hậu quả nặng nề, nghiêm trọng có thể xảy ra cho trẻ.

2. Cha mẹ cần thận trọng với những biến chứng của bệnh

Cha mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ thật kỹ khi trẻ đã mắc bệnh viêm phế quản kèm bội nhiễm để tình trạng này không bị gặp biến chứng và trở nên nguy hiểm hơn. Những biến chứng của bệnh này thường khá nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ:

Biến chứng lúc đầu của bệnh:

– Trẻ có thể bị ngừng hô hấp. Những trường hợp hay bị thường là trẻ sinh non hoăc những trẻ sơ sinh dưới 44 tuần tuổi

– Trẻ có thể bị xẹp phổi vì hầu hết những trẻ mắc bệnh này thường gặp biến chứng bị xẹp phổi, nhất là với đối tượng trẻ dưới 3 tháng tuổi.

– Tràn khí ở màng phổi và khí ở trung thất. Biến chứng này sẽ ít xảy ra hơn đối với trẻ với tỉ lệ gặp phải không quá 6% trẻ.

– Trẻ bị mất nước ở giai đoạn đầu của bệnh, nếu để lâu có thể dẫn đến rối loạn tuần hoàn.

– Trẻ bị co giật do bị thiếu oxy trầm trọng hoặc có thể do virus đã xâm nhập đến hệ thần kinh của trẻ.

– Tử vong là biến chứng nặng nề nhất mà trẻ mắc viêm phế quản dẫn đến bội nhiễm mắc phải. Tỷ lệ trẻ dưới 12 tháng bị tử vong do biến chứng là 79%.

Những biến chứng về mặt lâu dài của bệnh

Nếu trẻ được điều trị và phục hồi sau khi đã bị bội nhiễm thì vẫn có thể bị khò khè cho đến lúc được 5 tuổi. Trẻ bị biến chứng thành mãn tính thì có thể sẽ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của tim phổi sau này.

Có đến 30% trẻ bị viêm phế quản kèm bội nhiễm sẽ bị tình trạng hen phế quản.

3. Điều trị và ngăn ngừa

Nguyên tắc trong việc điều trị viêm phế quản ở trẻ nhỏ là luôn cung cấp đủ nước, điện giải, dinh dưỡng và đảm bảo trẻ nhận đủ oxy. Với những trường hợp trẻ bị viêm nhẹ hoàn toàn có thể được điều trị tại nhà với những cách chăm sóc trẻ như sau:

– Chia nhỏ nhiều bữa ăn nhưng vẫn đảm bảo đủ số lượng đầy đủ các chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể trẻ

– Cho trẻ uống nhiều nước để loãng đờm và giảm ho

– Nếu trẻ sốt cao hơn 38.5 độ thì hạ sốt cho trẻ bằng thuốc

– Vệ sinh mũi họng trẻ ngày từ 2-3 lần bằng nước muối sinh lý để sát khuẩn vùng mũi họng, tránh bệnh lan ra

– Có thể cho trẻ uống thuốc ho long đờm, làm loãng đờm theo như đơn thuốc của bác sĩ

– Vệ sinh vùng cổ và mặt cho trẻ sạch sẽ để hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ

– Dùng máy tạo ẩm để không làm khô niêm mạc mũi của bé, tránh mũi chảy nhiều nước mũi hơn

– Có thể tắm nước ấm cho trẻ để tan đờm nhớt ở cổ dễ dàng hơn

– Cho trẻ nghỉ ngơi thật nhiều để sức khỏe được hồi phục

– Không nên cho trẻ đi ra ngoài đường khi đang bệnh

Cha mẹ cần theo dõi sát những biểu hiện của con, nếu cảm thấy các dấu hiệu tăng nặng như sốt cao mà không thể giảm được với thuốc hạ sốt, bỏ bú, nôn trớ nhiều, lồng ngực bị rút lõm. cánh mũi bị phập phồng, da bị tím tái thì cần nhanh chóng nhập viện cho trẻ sớm nhất.

viêm phế quản bội nhiễm

Nếu trẻ bị nặng hơn cha mẹ cần đưa con đi viện sớm

Đối với những trường hợp viêm phế quản ở mức trung bình hoặc nặng thì cần được điều trị tại viện như sau:

– Hút đờm nhớt để làm thông thoáng đường thở cho trẻ

– Nếu trẻ cần phải thở oxy thì bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ thở oxy

– Cung cấp đủ dinh dưỡng và nước cho trẻ, nếu trẻ không ăn uống được thì cần truyền dịch để bù lại.

– Nếu bệnh nhân bị co thắt cần khí dung thuốc giãn phế để giúp trẻ không bị khó thở.

– Dùng kháng sinh vì trẻ đã bị bội nhiễm

Để phòng tránh nguy cơ bị nhiễm virus khiến trẻ bị viêm phế quản, cha mẹ cần lưu ý những điểm sau để bảo vệ con em mình:

– Giữ trẻ tránh xa khói thuốc lá độc hại

– Nên tiêm chủng định kỳ bệnh cúm mùa để giảm khả năng đường hô hấp trên bị virus cúm xâm nhập dẫn đến viêm nhiễm và lây lan sang đường hô hấp dưới

– Khi cho trẻ ra ngoài nhớ đeo khẩu trang và khi về nhà cần rửa tay sạch sẽ để hạn chế các loại vi rút, vi khuẩn bên ngoài.

Hy vọng những thông tin trên đây về bệnh viêm phế quản bội nhiễm sẽ giúp các bậc cha mẹ có được những kỹ năng cần thiết để chăm sóc trẻ khi con mình không may mắc phải bệnh này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital