Tán sỏi thận ngoài cơ thể làm sạch sỏi không cần mổ

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Tán sỏi thận ngoài cơ thể ( Extracorporeal Shockwave Lithotripsy – ESWL) là sự lựa chọn hàng đầu để điều trị những sỏi thận không phức tạp, có kích thước nhỏ. Bởi đây là phương pháp có tính an toàn và hiệu quả cao, người bệnh có thể làm sạch sỏi mà không cần phải mổ, không đau, ra viện ngay trong ngày. Có thể nói, đây là một cuộc cách mạng trong điều trị sỏi tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng. Chất lượng sống của bệnh nhân sỏi thận đã được cải thiện rất nhiều nhờ phường pháp này.

Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc đã thực hiện tán sỏi thận ngoài cơ thể điều trị thành công cho hàng ngàn người bệnh.

Tán sỏi thận ngoài cơ thể tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc giúp hàng ngàn người bệnh thoát sỏi nhẹ nhàng, nhanh chóng.

Nguyên nhân hình thành sỏi thận

Sỏi thận hay sỏi tiết niệu nói chung do nhiều nguyên nhân gây nên. Thông thường ở người bệnh sỏi thận không phải do một nguyên nhân mà nhiều nguyên nhân cùng phối hợp tạo sỏi.  Cơ chế tạo sỏi tùy từng nguyên nhân cũng khác nhau. Trong đó, các loại sỏi thường gặp là:

  • Sỏi calci: chiếm 90% trường hợp, có thể do thiếu hoặc giảm citrat niệu. Đó là các chất ức chế kết tinh muối calci. Điều kiện thuận lợi hình thành sỏi là: toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ Kali máu.
  • Sỏi acid uric: thường gặp trên bệnh nhân Gout.
  • Sỏi struvit: nguyên nhân do nhiễm khuẩn tiết niệu. Vi khuẩn tiết men urease phân hủy thành ure, tạo thành muối, trong điều kiện nước tiểu kiềm hóa thì khó hòa tan và tạo sỏi.
  • Sỏi oxalat và sỏi cystin được cho là có liên quan đến yếu tố di truyền.

Trên thực tế lâm sàng, sỏi thận thường là sỏi hỗn hợp, do đó thường có tính chất cản quang (khi có sỏi calci). Chụp X quang có thể thấy hình ảnh các sỏi cản quang này.

Triệu chứng cảnh báo có sỏi thận

  • Khi sỏi nhỏ, không gây tắc nghẽn đường tiết niệu thường không gây triệu chứng.
  • Khi kích thước sỏi đủ lớn gây tắc nghẽn đường niệu, triệu chứng điển hình thường gặp là cơn đau quặn thận. Bệnh nhân đột ngột đau dữ dội vùng hông lưng, thường xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm. Đau tăng dần, đạt đỉnh đau sau khoảng 30 phút đến hơn 6 giờ. Đau lan xuống dưới, ra trước, có thể lan xuống bộ phận sinh dục ngoài, mặt trong đùi. Có thể kèm theo nôn, buồn nôn. Bệnh nhân thường đến khám trong thời gian ổn định của đỉnh cơn đau. Giảm đau đáp ứng với các trường hợp thuốc chống co thắt cơ trơn.

Cơ chế gây đau: tắc nghẽn làm đài bể thận hoặc bao thận bị căng chướng, tăng áp lực gây đau. Đồng thời kích thích hệ thần kinh giao cảm gây co tiểu dộng mạch đến, làm giảm áp lực lọc cầu thận. Nếu có tắc nghẽn cả 2 bên sẽ nhanh chóng dẫn đến suy thận cấp sau thận. Cơn đau quặn thận là một cấp cứu ngoại khoa.

  • Ngoài ra, có thể gặp triệu chứng không điển hình là đau âm ỉ vùng hông lưng.

Siêu âm ổ bụng – hệ tiết niệu là phương pháp thăm dò đầu tay khi nghi ngờ có sỏi thận. Qua siêu âm có thể nhanh chóng đánh giá được việc có sỏi hay không và tình trạng ứ nước của thận. Đây là phương pháp an toàn, nhanh chóng, dễ dàng, đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ có thai.

Tán sỏi thận ngoài cơ thể được thực hiện như thế nào?

Hình ảnh minh họa cơ thế tán sỏi thận ngoài cơ thể.

Hình ảnh minh họa cơ thế tán sỏi thận ngoài cơ thể.

 

Đây là phương pháp sử dụng sóng xung kích bên ngoài cơ thể, tập trung vào viên sỏi, gây chấn động làm viên sỏi bị vỡ ra. Sau đó, các mảnh sỏi vụn sẽ bài tiết ra ngoài theo đường niệu quản trong khoảng 7 – 15 ngày.

Lợi thế của tán sỏi thận ngoài cơ thể

  • Hoàn toàn không gây xâm lấn, không phẫu thuật do đó tránh được các biến chứng sau mổ.
  • Người bệnh sau tán không đau, không khó chịu.
  • Thời gian tán sỏi ngắn (30 – 45 phút), điều trị nhanh, ít đau, thời gian phục hồi sức khỏe nhanh.
  • Giảm chi phí điều trị, có ưu thế về mặt thẩm mỹ.
  • Ít gây ảnh hưởng đến chức năng thận.

Khi nào tán sỏi thận ngoài cơ thể được? Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công

  • Kích thước sỏi thận nhỏ hơn 20 mm. Khi sỏi nhỏ hơn 10 mm, tỷ lệ thành công của tán sỏi là khá cao, khoảng 90%. Đối với sỏi từ 10 mm đến 20 mm, tỷ lệ thành công là 66%.
  • Số lượng sỏi không quá 3 viên.
  • Vị trí sỏi ở đài bể thận khi tán cho tỷ lệ sạch sỏi cao hơn các vị trí khác của sỏi tiết niệu nói chung.
  • Nếu bệnh nhân có tiền sử tắc nghẽn đường niệu từ trước thì tỷ lệ sạch sỏi sau tán thấp hơn.

Bên cạnh đó người bệnh nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín có trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh phù hợp về mức năng lượng sóng xung kích phù hợp để có thể làm tan sỏi nhanh chóng và an toàn.

Chống chỉ định

  • Phụ nữ đang trong thai kỳ.
  • Có bệnh lý mạn tính hoặc bệnh nền nặng: tim mạch, hô hấp, nội tiết, gan, suy thận, …
  • Có rối loạn đông máu hoặc bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu cấp tính.

Thận ứ nước nặng hoặc bệnh nhân suy thận. Thận trọng trong trường hợp điều trị bệnh nhân có suy thận một bên.

Lưu ý sau tán sỏi

  • Bệnh nhân có thể bị đái máu trong khoảng 72 giờ sau tán. Sau đó sẽ tự hết, bệnh nhân không cần dùng thuốc hay can thiệp gì.
  • Một số ít trường hợp có thể xuất hiện bầm tím vùng da tán sỏi tuy nhiên vết bầm tím này sẽ tự tan.
  • Đau vùng hông lưng khi mảnh sỏi vỡ di chuyển. Nếu đau dữ dội thì cần báo bác sĩ để được dùng thuốc giảm đau giãn cơ (trường hợp gây cơn đau quặn thận).
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu trong trường hợp viên sỏi chứa vi khuẩn. Khi tán, viên sỏi lớn bị vỡ ra thành các mảnh nhỏ, giải phóng vi khuẩn vào đường tiết niệu gây nhiễm trùng.
  • Chấn thương thận sau tán sỏi ngoài cơ thể chiếm tỷ lệ 1%.
  • Một số trường hợp mảnh sỏi thận vỡ sau tán di chuyển và gây ra sự tắc nghẽn niệu quản. Khi đó, có thể áp dụng biện pháp nội soi ngược dòng bằng laser giải quyết vấn đề.

Lưu ý sau khi tán sỏi thận ngoài cơ thể

  • Bệnh nhân cần lưu ý uống từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày để tăng cường đào thải sỏi.

    Bệnh nhân sau tán sỏi thận ngoài cơ thể cần uống nhiều nước

    Bệnh nhân sau tán sỏi thận ngoài cơ thể cần uống nhiều nước.

  • Cẩn thận tránh chấn thương, va đập vào vùng da vị trí tán sỏi làm nặng nề thêm tổn thương vị trí tán.
  • Uống thuốc theo đơn được kê.
  • Tái khám kiểm tra sau 1 tháng để kiểm tra kết quả đào thải sỏi (thông thường, sỏi được đào thải nhìn thấy rõ trên phim chụp chỉ sau 1 tháng)
  • Không nên nhịn tiểu tránh sự ứ trệ tái hình thành sỏi thận, sỏi tiết niệu.
  • Nếu sau tán sỏi, bệnh nhân xuất hiện sốt, đau dữ dội vùng hông lưng, tiểu đỏ kéo dài (trên 1 tháng) hoặc bất kỳ các triệu chứng bất thường làm bệnh nhân khó chịu nào thì cần đi khám lại ngay.

Tán sỏi thận ngoài cơ thể mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Giúp bệnh nhân được làm sạch sỏi nhẹ nhàng, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí điều trị cũng như thời gian phục hồi sức khỏe. Người bệnh khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc sỏi thận, sỏi tiết niệu nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Hiện tại việc điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu đã rất nhẹ nhàng, thậm chí không cần phải mổ như tán sỏi ngoài cơ thể. Do đó tuyệt đối không nên chần chừ, chủ quan dẫn tới việc điều trị muộn, sỏi lớn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital