Sốt xuất huyết nặng: Dấu hiệu cảnh báo, cách phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Bệnh sốt xuất huyết diễn biến thông qua 3 giai đoạn bệnh, giai đoạn từ ngày thứ 3-7 của bệnh là giai đoạn nguy hiểm, có thể chuyển biến thành sốt xuất huyết nặng gây ra các biến chứng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

1. Các thông tin về sốt xuất huyết nặng

1.1 Bệnh sốt xuất huyết và triệu chứng điển hình

Sốt xuất huyết là bệnh lý xảy do virus Dengue lây truyền thông qua vật trung gian là muỗi vằn Aedes. Muỗi có thể đưa virus gây bệnh vào máu của con người bằng cách đốt. Một con muỗi cũng có thể bị nhiễm virus Dengue từ người bệnh đang có virus thông qua việc chích, hút máu người đó, và tiếp tục mang virus truyền sang cho những người khỏe mạnh khác.

Hầu hết những người mắc bệnh sốt xuất huyết đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và sẽ khỏi bệnh sau 1–2 tuần. Nếu các triệu chứng xuất hiện, chúng thường bắt đầu từ 4–10 ngày sau khi nhiễm virus và kéo dài trong 2–7 ngày và biến mất. Đây được cũng gọi là sốt xuất huyết nhẹ, các triệu chứng có thể bao gồm:

– Sốt cao (40°C) – Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh sốt xuất huyết, người bệnh thường có sốt đi kèm với ít nhất 2 triệu chứng như:

– Đau đầu

Đau hốc mắt

– Đau cơ và khớp

– Buồn nôn, nôn mửa

– Nổi hạch

– Phát ban, dưới da xuất hiện các nốt li ti màu đỏ, thường xuất hiện theo mảng nằm ở các vùng tay, chân, bụng, lưng…

Sốt xuất huyết thể nặng: Dấu hiệu cảnh báo, cách phòng tránh

Sốt xuất huyết là một bệnh lý truyền nhiễm, có khả năng tạo dịch, gây ra thông qua vết đốt của muỗi vằn Aedes

1.2 Sốt xuất huyết nặng là gì?

Ít trường hợp sốt xuất huyết tiến triển thành thể nặng, có khoảng 1 trong 20 người mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ phát triển thành bệnh sốt xuất huyết nặng (Theo CDC).

Sốt xuất huyết nặng có thể gây ra sốc sốt xuất huyết, xuất huyết nội tạng và thậm chí là tử vong.

Nếu bạn đã từng mắc sốt xuất huyết trước đây, bạn sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn. Trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai là hai đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng cao hơn.

Thể nặng của sốt xuất huyết có thể xảy ra trong giai đoạn nguy hiểm, nghĩa là từ 3-7 ngày kể từ sau khi khởi phát bệnh. Hầu hết bệnh nhân cải thiện lâm sàng trong giai đoạn nguy hiểm, nhưng những người bị rò rỉ huyết tương đáng kể có thể, trong vòng vài giờ, phát triển bệnh sốt xuất huyết nặng do tăng tính thấm thành mạch rõ rệt.

Vì vậy có thể thấy giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là giai đoạn quan trọng nhất để theo dõi chặt chẽ, tránh trường hợp tiến triển thành biến chứng.

1.3 Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng

Khuyến cáo của các chuyên gia là cần theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nặng. Các dấu hiệu cảnh báo thường bắt đầu trong 24–48 giờ sau khi cơn sốt của bạn biến mất. Hãy đến ngay phòng khám hoặc phòng cấp cứu địa phương nếu bạn hoặc thành viên gia đình có bất kỳ triệu chứng nào sau đây.

Đau bụng nặng dữ dội

– Nôn (số lần nôn ít nhất 3 lần trong 24 giờ)

– Chảy máu từ mũi hoặc nướu lợi

Nôn ra máu, có máu trong phân, chất thải

– Cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn, cáu kỉnh, thở nhanh, thở gấp

Sốt xuất huyết thể nặng: Dấu hiệu cảnh báo, cách phòng tránh

Nôn nhiều, nôn liên tục là một dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng bạn cần nhanh chóng đến viện để kịp thời điều trị tránh bệnh thể nặng diễn tiến thành nhiều biến chứng phức tạp

1.4 Sự nguy hiểm của sốt xuất huyết thể nặng

Do tình trạng tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương và cô đặc máu xảy ra ở người bệnh sốt xuất huyết nặng, nên có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh đó là:

– Sốc mất máu: Do tăng tính thấm thành mạch, dịch từ trong lòng mạch sẽ thoát ra ngoài gian bào, dẫn đến giảm khối lượng máu lưu hành trong mạch máu, máu bị cô đặc, từ đó dẫn đến sốc).

– Tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, suy hô hấp, viêm đường hô hấp do huyết tương bị tràn trong cơ thể.

– Xuất huyết nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa và nội tạng như: Phổi, não, gan, lách, thận, não… do rối loạn nguyên tố đông máu.

2. Phòng tránh và điều trị kịp thời hạn chế chuyển biến thành sốt xuất huyết thể nặng

Sốt xuất huyết thể nặng: Dấu hiệu cảnh báo, cách phòng tránh

Điều trị sốt xuất huyết kịp thời ngay từ sớm sẽ giúp bệnh nhân hạn chế chuyển biến thành dạng bệnh tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm

Sốt xuất huyết nặng là một trường hợp cấp cứu y tế, đòi hỏi phải được chăm sóc ngay bởi đội ngũ y tế tại phòng khám hoặc bệnh viện để giảm nguy cơ trở thành những biến chứng nặng và có nguy cơ tử vong. Việc duy trì thể tích dịch đủ và hợp lý trong cơ thể người bệnh nặng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị.

Chính vì vậy ngay từ ban đầu khi có những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, bạn nên nhanh chóng đi thăm khám để được thực hiện kiểm tra bằng các xét nghiệm. Dựa vào triệu chứng, sức khỏe, các bệnh lý liên quan, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân điều trị tại viện hoặc điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong trường hợp được chỉ định điều trị tại nhà, bệnh nhân nên tuân thủ kế hoạch điều trị như: Hướng dẫn dùng thuốc, lịch tái khám, theo dõi các triệu chứng bất thường và dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết thể nặng để đến viện kịp thời.

Ngoài ra, để tăng cường sức khỏe, bổ sung đề kháng cho người bệnh, nên uống nhiều nước, nước ép trái cây, dùng oresol để bù nước và điện giải, ăn thức ăn mềm lỏng dễ tiêu hóa, dùng chế độ ăn nhiều vitamin, và nhiều calo, hạn chế những đồ ăn cay nóng, đồ uống có cồn, và nên nghỉ ngơi đầy đủ…

Nhận thấy sốt xuất huyết nặng là một dạng bệnh lý tiềm ẩn những biến ứng nguy hiểm, do đó ngay từ đầu nên thực hiện các biện pháp phòng tránh, hạn chế lây truyền khả năng gây sốt xuất huyết bởi muỗi vằn Aedes. Cụ thể người dân nên chủ động vệ sinh, loại bỏ những vật dụng chứa nước tại nhà và môi trường xung quanh để phá hủy nơi trú ngụ và sinh sản của muỗi. Ngoài ra nên chủ động tiêu diệt muỗi để tránh truyền bệnh thông qua quá trình đốt hút máu bằng cách xịt thuốc muỗi, sử dụng hương nhang, dung dịch xịt chống côn trùng…

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital