Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần làm gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ sơ sinh bị sốt phát ban là hiện tượng không hiếm gặp khiến cha mẹ lo lắng. Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh nguyên nhân do đâu, cần làm gì khi trẻ bị sốt phát ban?

1. Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh

Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh là tình trạng các cơn sốt ở trẻ có kèm theo những ban đỏ hoặc hồng trên da. Theo thống kê, với trẻ dưới 12 tháng tuổi thì tỷ lệ bị sốt phát ban rất cao khiến trẻ mệt mỏi, bỏ bú, khó chịu.

Trẻ sơ sinh sốt phát ban do nhiều nguyên nhân song phổ biến nhất đó là sốt phát ban đỏ do virus sởi và sốt phát ban đào do virus Rubella gây nên. Cụ thể:

1.1. Sốt phát ban do virus sởi

Trẻ bị phát ban do sởi thường bị sốt và giảm dần. Sau đó các nốt phát ban sẽ xuất hiện ở tai, lan sang mặt, chân tay và sau đó là khắp cơ thể của trẻ. Các nốt phát ban sẩn, thường gồ lên mặt da và để lại thâm rất rõ khi khỏi. Ở một số trẻ song song với tình trạng sốt phát ban còn có thể gặp tình trạng đỏ mắt, ho. Trường hợp sốt phát ban do mắc bệnh sởi vô cùng nguy hiểm và có thể gây biến chứng tử vong.

Sốt phát ban sởi rất nguy hiểm và rất dễ nhầm với sốt phát ban khác. Chính vì thế, cha mẹ cần phân biệt thông qua đặc điểm điển hình sau đây:

– Với sốt phát ban thông thường trẻ thường sẽ sốt nhẹ, ban hồng và mịn, gần như không gồ lên da và mọc lộn xộn.

– Với sốt do sởi thì trẻ sẽ bị sốt cao đột ngột, ban mọc lưa thưa và thường xuất hiện từ trên xuống. Các nốt ban do sởi nổi gồ và màu đỏ đậm. Khi các ban lặn cũng sẽ lặn theo thứ tự xuất hiện trên da.

1.2. Sốt phát ban do virus Rubella

Phát ban do virus Rubella

Phát ban do virus Rubella

Khi phát ban do bị Rubella, các nốt ban thường có màu đào và không rõ hình thù song xuất hiện với mức độ dày hơn. Các nốt sần thường xuất hiện đầu tiên ở mặt và và trong khoảng ba ngày sẽ lan xuống chân và dần lan rộng khắp toàn thân. Trẻ nhiễm virus Rubella còn có hiện tượng sưng hạch vùng sau cổ, dưới chẩm và sau mang tai, một số trẻ bị đau khớp. Sốt phát ban do virus Rubella thường ít nguy hiểm với trẻ nhỏ. Tuy nhiên trong thai kỳ, mẹ bầu mắc rubella sẽ vô cùng nguy hiểm tới thai nhi.

Ngoài hai loại sốt điển hình do hai virus trên gây ra thì sốt phát ban còn do nhiễm các virus khác như thủy đậu, chân tay miệng,….

2. Những biến chứng nguy hiểm của sốt phát ban

Sốt phát ban không nguy hiểm nếu được theo dõi và điều trị kịp thời. Tuy nhiên chúng cũng có thể nhanh chóng chuyển sang những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí khiến trẻ tử vong.

2.1. Giật kinh

Trẻ sơ sinh có thể bị co giật khi cơn sốt quá cao. Đồng thời lúc đó trẻ sẽ có biểu hiện nằm bất tỉnh, mắt trợn, tay chân khua khoắng. Các cơn co giật sẽ xuất hiện liên tục cho đến khi hạ sốt. Tuy nhiên, khi trẻ có biểu hiện này, tình trạng sốt đã vô cùng nghiêm trọng và cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay để bảo toàn tính mạng của trẻ.

2.2. Những biến chứng bệnh lý nguy hiểm khác

Kết quả của những đợt phát ban do virus nguy hiểm  (ví dụ virus sởi) mà không được điều trị sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ hô hấp, các cơ quan tiêu hóa và vận động. Trẻ có thể nhanh chóng chuyển sang biến chứng viêm phổi, suy tim, suy giảm tiểu cầu, chảy máu màng não,…..

2.3. Mắc bệnh sốt phát ban mới

Trẻ bị sốt phát ban hoàn toàn có thể bị tái lại và nặng hơn. Nhất là ở những trẻ sau thực hiện phẫu thuật như ghép tủy,…

3. Cần làm gì khi trẻ bị sốt phát ban

Xử lý nhanh và chính xác của ba mẹ khi phát hiện con bị sốt phát ban ngay từ ban đầu giúp cho cơ hội khỏi bệnh nhanh và tránh những biến chứng cho con là rất lớn. Nếu chưa kịp đưa trẻ đi viện, cha mẹ cần nhanh chóng xử lý theo những hướng dẫn sau đây:

3.1. Hạ sốt đúng cách cho con

Theo dõi nhiệt độ và hạ sốt là việc quan trọng trong chăm sóc trẻ bị sốt phát ban

Theo dõi nhiệt độ và hạ sốt là việc quan trọng trong chăm sóc trẻ bị sốt phát ban

Để hạ sốt cho trẻ, cha mẹ cần dùng khăn ấm để giảm nhiệt ở các điểm nóng trên cơ thể trẻ như trán, hai nách, vùng bẹn. Tuyệt đối không được dùng khăn lạnh để hạ sốt vì điều này có thể khiến trẻ sốc nhiệt và nhanh chóng rơi vào cơn nguy kịch.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần liên tục kiểm tra thân nhiệt của trẻ và ghi nhớ quá trình lên xuống của thân nhiệt. Khi trẻ bị sốt cao trên 38.5 độ C, cha mẹ có thể cho uống paracetamol hạ sốt cách 4 – 6 giờ/ lần với loại đơn chất, liều 10 – 15mg/kg. Trong khoảng thời gian này hãy nhanh chóng đưa trẻ tới viện để thăm khám.

3.2. Vệ sinh cho trẻ

Cha mẹ cần thực hiện vệ sinh mũi để giúp trẻ thông thoáng đường thở. Khi vệ sinh cần sử dụng loại khăn mềm và nước muối sinh lý để không gây cảm giác đau rát và sát khuẩn tốt hơn.

Về trang phục cần chọn những quần áo mỏng nhẹ, rộng, chất liệu thấm hút mồ hôi để mặc cho trẻ. Tuyệt đối không dùng quạt gió hay phòng điều hòa để tránh nhiễm lạnh ngược cho trẻ.

Luôn giữ vệ sinh da cho trẻ bởi khi xuất hiện các nốt ban, trẻ có thể bị ngứa ngáy và cựa mình dẫn đến bội nhiễm hoặc các vết ban có mủ nước có thể vỡ ra và lan sang những khu vực khác. Không nên quá kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín hay kiêng tắm bởi không những không có lợi mà còn khiến trẻ khó chịu và khiến mức độ bệnh nghiêm trọng hơn.

3.3. Cho trẻ nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ

Khi trẻ sơ sinh sốt phát ban, cơ thể trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi. Chính vì vậy hãy cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc tại khu vực yên tĩnh và thoáng mát. Bên cạnh đó, khi tới cữ ăn của trẻ, cha mẹ cần giúp trẻ bổ sung đầy đủ lượng nước và thức ăn cần thiết để trẻ có năng lượng và nâng cao đề kháng.

Khi trẻ bị sốt phát ban, cần cho trẻ nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ

Khi trẻ bị sốt phát ban, cần cho trẻ nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ

3.4. Theo dõi liên tục những bất thường có thể xảy ra

Trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu có những biểu hiện dưới đây cần lập tức gọi bác sĩ nhanh nhất có thể để xử lý:

– Trẻ đã nổi ban nhưng vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt độ và vẫn bị sốt cao.

– Trẻ rơi vào tình trạng hôn mê, lừ đừ và ngủ li bì, gần như mất tri giác.

– Trẻ bị co giật, khó thở, thở nhanh và hơi thở kèm theo tiếng rít.

Sốt phát ban nếu được phát hiện và chăm sóc cũng như điều trị đúng cách sẽ nhanh chóng biến mất sau khoảng một tuần. Sau khi khỏi sốt phát ban, nguy cơ bị lại vẫn rất cao, chính vì thế việc phòng  ngừa cho trẻ là vô cùng cần thiết. Cách tốt nhất để phòng ngừa sốt ở trẻ là: Không cho trẻ tiếp xúc gần với người nghi ngờ sốt phát ban hoặc các khu vực đang có dịch sốt phát ban và thực hiện tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến tình trạng sốt phát ban ở trẻ sơ sinh .Thông qua bài biết, mong rằng cha mẹ đã nắm được những dấu hiệu quan trọng cũng như những lưu ý khi chăm sóc trẻ đúng cách nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital