Sản phụ đẻ thường rạch tầng sinh môn kiêng ăn gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Sinh thường là phương pháp sinh nở được nhiều mẹ bầu lựa chọn. Bởi lẽ, việc sinh thường không chỉ có lợi cho sức khỏe của mẹ mà còn giúp cho các bé sớm cứng cáp, củng cố miễn dịch tự nhiên tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp mẹ gặp khó khăn trong quá trình sinh thường dẫn tới phải rạch tầng sinh môn. Vậy sản phụ đẻ thường rạch tầng sinh môn kiêng ăn gì? Chăm sóc như thế nào để chóng hồi phục?

1. Một số thông tin về việc rạch tầng sinh môn

Tầng sinh môn là phần nằm giữa xương cụt và xương mu. Bộ phận này thường ở đáy chậu, chính là phần mô giữa âm đạo và hậu môn, dài khoảng từ 3 đến 5cm. Vai trò của tầng sinh môn rất quan trọng. Đây là nơi hỗ trợ cho quá trình giao hợp cũng như tiếp nhận tinh trùng, hỗ trợ quá trình em bé chào đời.

Quá trình sinh thường, bộ phận sinh dục của người phụ nữ, cổ tử cung và tầng sinh môn sẽ dần giãn nở để em bé có thể chui lọt. Tuy nhiên, độ giãn nở đều có giới hạn. Tùy vào tình hình thực tế, bác sĩ đỡ đẻ sẽ tiến hành rạch tầng sinh môn để hỗ trợ các mẹ, cụ thể với một số trường hợp như:

– Thai nhi quá to, tỷ lệ đầu – chậu không tương xứng.

– Ngôi thai không lọt, khó khăn trong quá trình sinh nở.

– Thai non.

– Thai bị ngạt, không có đủ oxy để hô hấp trong quá trình được đẩy ra ngoài.

– Quá trình chuyển dạ kéo dài, thai phụ rặn sinh khó khăn.

– Độ linh hoạt của tầng sinh môn giảm, lực co bóp của tử cung yếu khiến quá trình hỗ trợ thai nhi ra ngoài bị cản trở.

Rạch tầng sinh môn là thủ thuật được áp dụng trong đẻ thường để giúp cho các mẹ sinh nở dễ dàng hơn

Rạch tầng sinh môn là thủ thuật được áp dụng trong đẻ thường để giúp cho các mẹ sinh nở dễ dàng hơn

Kỹ thuật rạch tầng sinh môn được tiến hành trong quá trình mẹ rặn sinh, hỗ trợ thai nhi chào đời dễ dàng hơn mà không bị tổn thương, thai phụ cũng không bị mất sức, mất máu nhiều. Sau khi thực hiện và thành công đưa thai nhi, bánh nhau ra ngoài, bác sĩ Sản khoa sẽ khâu lại tầng sinh môn. Vết khâu này thường mất từ 2 đến 4 tuần mới có thể phục hồi, tùy theo việc chị em thực hiện chăm sóc vết khâu ra sao.

2. Sản phụ đẻ thường rạch tầng sinh môn nên tránh những thực phẩm nào?

Việc chăm sóc sau đẻ thường rạch tầng sinh môn thực ra không quá phức tạp. Phần lớn chị em nên chú trọng tới vấn đề vệ sinh và chú ý trong chế độ ăn uống sau sinh để đảm bảo vết rạch tầng sinh môn không bị ảnh hưởng.

2.1. Sau đẻ thường rạch tầng sinh môn kiêng ăn gì? Kiêng thực phẩm nhiều dầu mỡ

Những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ luôn không tốt cho sức khỏe. Bởi lẽ, khi nạp nhiều thức ăn chứa dầu mỡ đồng nghĩa với việc nạp vào nhiều chất béo. Vì vậy, quá trình phục hồi vết thương bị ảnh hưởng. Tốc độ chuyển hóa, tái tạo tế bào, các mô, cơ cũng giảm sút.

Đẻ thường rạch tầng sinh môn kiêng ăn gì? Những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ cản trở quá trình phục hồi của mẹ bỉm

Đẻ thường rạch tầng sinh môn kiêng ăn gì? Những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ cản trở quá trình phục hồi của mẹ bỉm

Vết thương bị nứt, nhiễm trùng, khó lành. Cơ thể không được cung cấp năng lượng, hệ vi sinh vật trong đường ruột bị chất béo phá hủy, đề kháng tự nhiên càng giảm sút.

2.2. Kiêng sử dụng những thực phẩm nhiều đường

Đường làm chậm quá trình phục hồi vết thương, hơn nữa còn ảnh hưởng trực tiếp tới sản dịch và dịch âm đạo tiết ra. Dịch âm đạo có đường càng khiến cho “vùng kín” của chị em dễ bị viêm nhiễm, khiến cho vết rạch tầng sinh môn bị nhiễm trùng.

2.3. Đẻ thường rạch tầng sinh môn kiêng ăn gì? Đồ ăn cay, nóng

Đồ ăn cay nóng kích thích vị giác, khiến cho chúng ta cảm thấy ngon miệng hơn. Tuy nhiên, những món ăn này cũng đồng thời kích thích vết khâu, khiến cho phần này sưng đỏ và có cảm giác đau rát.

2.4. Hạn chế dùng các thực phẩm cản trở quá trình tiêu hóa

Thực phẩm dai, khó tiêu, tạo áp lực lên hệ tiêu hóa cần được loại bỏ ngay khỏi thực đơn hàng ngày của các sản phụ sau đẻ thường. Những thực phẩm khiến cho quá trình xử lý thức ăn, tiêu hóa kém đi, gây ra tình trạng táo bón. Đại tiện khó khăn, áp lực dồn lên hậu môn, vùng kín có thể dẫn đến việc tầng sinh môn bị bục, rách, nứt, chảy máu và viêm nhiễm.

2.5. Hạn chế thực phẩm lên men

Những thực phẩm lên men, chua thường tác động rõ rệt đến hệ tiêu hóa của sản phụ sau sinh. Việc này sẽ kích thích hoạt động của dạ dày và khiến các mẹ khá khó chịu.

Nên ăn những thực phẩm tươi, sạch được nấu chín và tránh ăn đồ lên men

Nên ăn những thực phẩm tươi, sạch được nấu chín và tránh ăn đồ lên men

Bên cạnh đó, thực phẩm lên men cũng không tốt cho sức khỏe, hệ tiêu hóa non yếu của trẻ sau khi đã đi vào sữa mẹ. Trong thời gian ở cữ, đặc biệt là khi đang cho con bú, các mẹ không nên sử dụng nhiều thực phẩm lên men.

2.6. Phụ nữ rạch tầng sinh môn sau sinh không nên ăn gì? Kiêng những thực phẩm gây sẹo

Những thực phẩm dễ khiến vết rạch tầng sinh môn mưng mủ, khó lành, thậm chí tạo thành sẹo như đồ nếp, tôm, cua, rau muống, trứng,… đều cần loại ra khỏi thực đơn hàng ngày. Vết rạch tầng sinh môn rất khó phục hồi do nằm ở vị trí ẩm, nhiệt độ ấm nóng và dễ bị viêm nhiễm như vùng kín. Vì vậy, nếu sản phụ ăn những thực phẩm kể trên, thời gian phục hồi sẽ càng kéo dài hơn.

2.7. Kiêng thực phẩm, đồ uống có chất kích thích, rượu, bia

Những chất kích thích có trong thực phẩm, đồ uống và các loại đồ uống có cồn không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe, hệ thần kinh của mẹ sau sinh mà còn khiến cho dịch tiết âm đạo bị ảnh hưởng. Thời gian vết rạch tầng sinh môn chưa lành hẳn, nếu dịch tiết âm đạo tiếp tục ra nhiều và có màu, mùi lạ, phần tổn thương này rất dễ bị nhiễm trùng.

2.8. Cân đối sử dụng các thực phẩm nhiều chất xơ

Rau củ quả, thực phẩm giàu chất xơ cần được cân đối sử dụng trong thời gian đầu sau sinh thường và rạch tầng sinh môn. Ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất xơ, hệ tiêu hóa bị kích thích khiến nhu cầu đại tiện, tiểu tiện nhiều hơn, ảnh hưởng đến vết rạch tầng sinh môn, kéo dài thời gian lành tổn thương.

Bởi vậy, chị em cần phải ghi nhớ những món ăn cần kiêng cữ, hạn chế sau sinh thường rạch tầng sinh môn để tránh bục, nứt, nhiễm trùng.

3. Một số cách giúp việc chăm sóc vết rạch tầng sinh môn dễ dàng hơn

Bên cạnh chế độ ăn uống, kiêng cữ, các mẹ cũng có thể áp dụng một số cách chăm sóc sau để cải thiện tình trạng tầng sinh môn sau sinh.

– Trong quá trình tầng sinh môn phục hồi, các mẹ hoàn toàn có thể gặp tình trạng sưng đau, viêm tại vùng tổn thương. Vì vậy, việc chườm lạnh sẽ giúp các mẹ có thể cải thiện được vấn đề này, nhưng vẫn cần thông qua hướng dẫn của bác sĩ để có cách chườm sao cho đúng, không tổn thương.

– Trường hợp tầng sinh môn bị ảnh hưởng, gây đau đớn, các mẹ có thể sử dụng thuốc giảm đau sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, việc này cần hết sức cẩn thận để tránh làm ảnh hưởng tới quá trình tiết sữa cũng như chất lượng sữa mẹ.

– Chú ý hơn về tư thế nằm, ngồi cũng giúp chị em thoải mái hơn sau đẻ thường rạch tầng sinh môn. Ngoài ra, chị em cũng có thể sử dụng một số phụ kiện giúp hỗ trợ mỗi khi nằm, ngồi lâu như gối kê, đệm ngồi.

– Không quan hệ tình dục trong thời gian tầng sinh môn chưa hồi phục. Nếu cố tình quan hệ, tầng sinh môn có thể bị rách, bị nhiễm trùng, rất nguy hiểm.

– Chăm sóc vết khâu, giữ vệ sinh tầng sinh môn sạch sẽ, khô ráo sẽ giúp chị em nhanh chóng phục hồi sau đẻ.

– Ăn uống lành mạnh, khoa học để tránh táo bón, từ đó ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của tầng sinh môn.

– Cần hạn chế tập luyện hay vận động mạnh để không làm ảnh hưởng, giúp vết rạch tầng sinh môn mau lành hơn.

– Nếu trong thời gian hậu sản, tiết sản dịch, chị em cần sử dụng băng vệ sinh thì nên thay băng nhiều lần. Một mẹo nhỏ là các mẹ có thể tránh để vết thương tiếp xúc trực tiếp với bề mặt vải, dùng đồ lót rộng rãi trong quá trình chờ đợi tầng sinh môn phục hồi.

Chị em có thể chăm sóc tầng sinh môn sau sinh theo lời dặn của bác sĩ để có hiệu quả tốt nhất

Chị em có thể chăm sóc tầng sinh môn sau sinh theo lời dặn của bác sĩ để có hiệu quả tốt nhất

Trên đây là những thông tin giúp chị em hiểu rõ hơn về việc đẻ thường rạch tầng sinh môn thì nên kiêng ăn những gì. Ngoài ra, chị em cũng có thể tham khảo thêm để biết rõ cách chăm sóc tầng sinh môn sau sinh sao cho phù hợp, tránh để xảy ra tổn thương hoặc nhiễm trùng, làm cho vết rạch khó phục hồi.

Tốt nhất, trong quá trình ở cữ, để đảm bảo sức khỏe cũng như quá trình phục hồi của tầng sinh môn sau đẻ thường, các mẹ nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám và nhận chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital