Rối loạn tiêu hóa và bệnh viêm dạ dày – ruột ở trẻ

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Bệnh viêm dạ dày – ruột ở trẻ là tình trạng dạ dày, ruột bị viêm. Đây là bệnh lý khá phổ biến tuy nhiên hầu hết trẻ em khỏi bệnh trong vài ngày. Giữ cho trẻ đủ nước bằng cách khuyến khích trẻ uống thường xuyên là điều quan trọng. Lưu ý tình trạng mất nước có thể nặng lên ở trẻ. Khi đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và xử trí.

1. Bệnh viêm dạ dày – ruột ở trẻ là gì?

Viêm dạ dày, ruột là tình trạng dạ dày và ruột bị viêm. Trẻ sẽ xuất hiện rồi loạn tiêu hóa: đau bụng, nôn, tiêu chảy. Ở trẻ em, bệnh thường do nhiễm trùng mà nguyên nhân thường là do vi rút, nhưng cũng có thể do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.

Trẻ nhỏ thường bị bệnh viêm dạ dày - ruột

Trẻ nhỏ thường bị viêm dạ dày – ruột gây ra các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa.

2. Triệu chứng

2.1. Các dấu hiệu chung bệnh viêm dạ dày – ruột ở trẻ

Nhìn chung, trẻ có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa khi bị viêm dạ dày, ruột:

– Trẻ thường đột ngột xuất hiện buồn nôn (cảm giác nôn nao trong dạ dày), nôn.

– Trẻ cũng có thể bị tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước.

– Khi bị bệnh, trẻ đau bụng nhiều, ăn kém, quấy khóc.

– Trẻ cũng có thể bị sốt.

Các triệu chứng thường kéo dài từ 24 giờ đến một tuần, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Đôi khi tiêu chảy có thể kéo dài hơn một chút. Nếu nguyên nhân do nhiễm ký sinh trùng thì trẻ có thể bị tiêu chảy kéo dài hơn. Ngoài ra, trẻ có dấu hiệu mệt mỏi và sụt cân kéo dài.

2.2. Dấu hiệu mất nước ở trẻ bị bệnh viêm dạ dày – ruột

Mối quan tâm chính ở trẻ em bị viêm dạ dày – ruột là trẻ có thể bị mất nước. Nguyên nhân chính là do nôn và tiêu chảy, đặc biệt là ở đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

– Các triệu chứng chính của tình trạng mất nước là khát và không đi tiểu nhiều. Trẻ thường đòi uống nước và khi cho uống thì trẻ uống nước háo hức. Ở trẻ sơ sinh, tã ướt ít hơn bình thường.

– Các dấu hiệu mất nước khác có thể bao gồm khô miệng và da. Bố mẹ có thể nhận ra trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, chán chơi, chán ăn.

– Các dấu hiệu của tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn bao gồm li bì (hoặc trẻ ngủ nhiều), thở nhanh – sâu, tay – chân lạnh.

Nếu bố mẹ thấy trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm trên, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

3. Nguyên nhân

– Nhiễm trùng: Đây là một trong những nguyên nhân chính gây viêm dạ dày ruột ở trẻ. Từ đó làm trẻ xuất hiện rối loạn tiêu hóa.

– Đôi khi phản ứng với thức ăn hoặc thuốc mới có thể gây bệnh ở trẻ.

– Virus: hầu hết các trường hợp viêm dạ dày – ruột ở trẻ em là do virus. Virus thường rất dễ lây lan và dễ lây lan từ người này sang người khác. Do đó, chúng thường là nguyên nhân gây bùng phát bệnh viêm dạ dày – ruột ở những nơi như trung tâm chăm sóc trẻ em và trường học, nơi trẻ em tiếp xúc gần gũi với nhau. Khi nguyên nhân do virus, các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày.

3.1. Các loại vi rút gây viêm dạ dày – ruột ở trẻ em

Các loại vi rút thường gây viêm dạ dày – ruột ở trẻ em bao gồm những loại sau:

– Norovirus là một nguyên nhân của bệnh viêm dạ dày – ruột ở trẻ lớn. Norovirus gây nôn mửa dữ dội đột ngột và rất dễ lây lan. Trẻ có thể bị nhiễm norovirus ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng thường bị hơn vào mùa đông.

– Rotavirus: trước khi tiêm chủng thông thường, đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm dạ dày – ruột do vi rút nặng ở trẻ nhỏ. Ngày nay, tỷ lệ trẻ mắc bệnh giảm nhưng đây vẫn là vấn đề còn cần được giải quyết. Bệnh thường gặp ở mùa đông, khoảng tháng 11, tháng 12 và tháng 1 trong năm.

– Adenovirusthường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus gây sốt, nôn và tiêu chảy.

– Astrovirusthường gây tiêu chảy (không phổ biến dấu hiệu nôn).

3.2. Các loại vi khuẩn gây viêm dạ dày – ruột

– Các vi khuẩn gây ra viêm dạ dày – ruột thường là: E.coli, Salmonella, Campylobacter.

– Viêm dạ dày – ruột do vi khuẩn thường bị lây nhiễm khi ăn thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm.

3.3. Các nguyên nhân khác

– Một số trẻ bị ngộ độc thực phẩm gây viêm dạ dày – ruột. Các vi khuẩn tạo ra độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, dẫn đến đau bụng và nôn mửa vài giờ sau khi ăn.

– Viêm dạ dày – ruột do vi khuẩn đôi khi cũng có thể phát triển trong hoặc sau khi dùng một đợt thuốc kháng sinh, thường do nhiễm vi khuẩn Clostridium difficile. Loại viêm dạ dày – ruột này tương đối không phổ biến nhưng nếu mắc, trẻ thường bị nặng.

– Viêm dạ dày – ruột cũng có thể do ký sinh trùng như Giardia và Cryptosporidium gây ra, thường do nước bị ô nhiễm.

nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày - ruột ở trẻ

Viêm dạ dày – ruột ở trẻ em có thể do vi khuẩn, virus và ký sinh trùng

4. Chẩn đoán

– Khi khám cho trẻ, bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu mất nước. Ở hầu hết trẻ em bị viêm dạ dày – ruột nhẹ không cần xét nghiệm. Chẩn đoán thường có thể được thực hiện dựa trên các triệu chứng của trẻ và khám tổng quát.

– Việc kiểm tra có thể được khuyến nghị nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, các triệu chứng đã kéo dài hơn một vài ngày hoặc nếu chúng mới đi du lịch nước ngoài. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm phân. Mẫu bệnh phẩm phân sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm vi sinh để giúp tìm ra loại vi trùng đã gây ra viêm dạ dày – ruột.

– Đôi khi bác sĩ cũng có thể đề xuất xét nghiệm máu.

– Trẻ bị viêm dạ dày – ruột nặng hoặc bị mất nước có thể cần xét nghiệm thêm và điều trị tại bệnh viện.

5. Chăm sóc cho trẻ bị viêm dạ dày – ruột.

Trẻ bị viêm dạ dày – ruột nhẹ thường có thể được chăm sóc tại nhà với chế độ nghỉ ngơi và bù nước đầy đủ để tránh mất nước. Khuyến khích cho trẻ nghỉ ngơi nhiều nhất có thể trong khi hồi phục.

Trường hợp trẻ có các triệu chứng nguy hiểm và trẻ sơ sinh có nguy cơ mất nước nghiêm trọng, bố mẹ cần đưa trẻ đi viện. Trẻ cần được theo dõi chặt chẽ và có thể phải điều trị bằng truyền dịch và thuốc trong bệnh viện.

5.1. Bù nước – bù dịch cho trẻ

Phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm dạ dày – ruột là giữ cho trẻ đủ nước bằng cách khuyến khích chúng uống nhiều nước. Nếu trẻ bị nôn hoặc cảm thấy buồn nôn, chia nhỏ lượng nước và uống nước nhiều lần là cách tốt nhất. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được cho uống sau mỗi lần trẻ nôn trớ.

Bố mẹ có thể dùng các loại thức uống sau để đảm bảo nước cho trẻ:

– Sữa mẹ dành cho trẻ đang bú mẹ: Trẻ bú mẹ hoàn toàn nên tiếp tục được bú mẹ và nên cho bú một lượng nhỏ sữa mẹ thường xuyên hơn bình thường.

– Oresol (ORS) pha theo hướng dẫn trên mỗi gói: Hãy đảm bảo pha dung dịch ORS đúng liều lượng theo hướng dẫn.

– Trẻ bú bình nên được cho uống ORS hoặc nước trong thay vì sữa công thức trong 12 giờ đầu khi trẻ bị nôn. Sử dụng núm vú chậm trên bình sữa có thể giúp trẻ ngừng bú quá nhanh. Cố gắng cho trẻ bú sữa công thức lại trong vòng 12 – 24 giờ (sữa công thức không cần pha loãng). Cung cấp cho trẻ lượng nước nhỏ một cách thường xuyên. Hãy đưa trẻ đi khám nếu trẻ không uống lại sữa công thức trong vòng 24 giờ.

– Nếu trẻ chỉ mất nước mức độ nhẹ thì bù nước bằng đường uống là một lựa chọn tốt hơn. Nên pha nước trong bằng nước đun sôi để nguội cho trẻ dưới 12 tháng.

– Trường hợp trẻ mất nước nặng, nên đưa trẻ đi viện và bù dịch theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh viêm dạ dày - ruột ở trẻ cần lưu ý bù nước

Bố mẹ cần lưu ý cho trẻ uống đủ nước khi bị bệnh.

5.2. Chế độ ăn

– Có thể cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu khi trẻ muốn ăn. Nói chung, tốt nhất bố mẹ nên cho trẻ tiếp tục ăn trong vòng 24 giờ.

– Ban đầu, nên cho trẻ ăn một lượng nhỏ.

– Một số trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tiêu hóa các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa bò, pho mát hoặc sữa chua, trong vài ngày hoặc vài tuần. Vì sau cơn đau bụng, trẻ không dung nạp lactose tạm thời. Do đó, thực phẩm không chứa lactose và sữa công thức có thể được khuyên dùng trong một vài tuần.

5.3. Các loại thuốc

– Trong một số trường hợp trẻ nôn nhiều, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nôn. Điều này thường chỉ được thực hiện khi trẻ đang được điều trị trong bệnh viện.

– Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ bị viêm dạ dày – ruột do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Mục đích giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh hoặc để ngăn ngừa các biến chứng.

6. Những điều bố mẹ cần lưu ý

– Không được cho  trẻ uống nước uống thể thao, nước tăng lực hoặc nước ngọt vì có quá nhiều đường trong những thức uống này. Điều đó có thể làm cho bệnh tiêu chảy của trẻ nặng hơn.

– Không cho trẻ ăn thức ăn béo hoặc giàu chất béo trong khi trẻ bị bệnh hoặc khi trẻ đang hồi phục.

– Không nên để trẻ đến trường học hoặc nhà trẻ cho đến khi trẻ đã hoàn toàn khỏi các triệu chứng trong ít nhất 24 – 48 giờ.

7. Khi nào cần đưa trẻ đi viện?

– Đi khám tại viện nếu các triệu chứng của trẻ kéo dài hơn một đến 2 ngày.

– Nếu nghĩ rằng trẻ có thể bị mất nước, bạn cần phải đến viện ngay lập tức. Nguy cơ trẻ bị mất nước nói chung càng cao khi trẻ càng nhỏ.

– Trẻ bị viêm dạ dày – ruột cần được theo dõi sát sao, và cần đi khám sớm hơn. Đặc biệt, trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi có thể mất nước rất nhanh.

– Nếu trẻ có chất nhầy hoặc máu trong phân, bố mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Điều này có thể cho thấy nguyên nhân do vi khuẩn gây ra viêm dạ dày – ruột.

– Nếu lo lắng về cơn đau bụng dai dẳng hoặc sốt ở trẻ, bố mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám.

8. Phòng ngừa

– Viêm dạ dày – ruột truyền nhiễm có thể dễ dàng lây truyền. Vì vậy trẻ bị viêm dạ dày – ruột không nên đến trường hoặc nơi giữ trẻ. Trẻ có thể quay trở lại các hoạt động sinh hoạt bình thường khi ngừng các triệu chứng rối loạn tiêu hóa và mất nước ít nhất 24 đến 48 giờ.

– Một trong những điều quan trọng nhất có thể làm để ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng là rửa tay. Rửa kỹ bằng xà phòng và vòi nước trong vòng ít nhất 10-20 giây. Đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn và sau khi thay tã lót. Điều này giúp ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng.

– Giữ thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp và cẩn thận với việc chuẩn bị và bảo quản thực phẩm giúp ngăn ngừa viêm dạ dày – ruột do ngộ độc thực phẩm.

– Làm sạch và khử trùng bất kỳ bề mặt hoặc đồ vật nào bị nôn ra ngay lập tức. Ngoài ra, giặt quần áo hoặc bộ đồ giường bị dính bẩn càng sớm càng tốt. Ngâm bột giặt và phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc máy sấy quần áo. Thường xuyên làm sạch các bề mặt cứng khác, chẳng hạn như vòi, băng ghế và tay nắm cửa.

– Vắc-xin phòng rotavirus nên được tiêm thường xuyên khi trẻ 2 tháng, 4 tháng và 6 tháng tuổi. Vắc xin này đã rất hiệu quả trong việc giảm số lượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc viêm dạ dày – ruột nặng do nhiễm rotavirus.

rửa tay cho trẻ bị bệnh viêm dạ dày - ruột

Phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng biện pháp rửa tay.

Kết luận

Trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi rất dễ mắc viêm dạ dày – ruột. Thậm chí có nhiều trẻ mắc nhiều lần trong năm. Do đó, việc phòng bệnh cho trẻ đặc biệt quan trọng. Trong đó, rửa tay và vệ sinh đồ đạc sạch sẽ chiếm vai trò thiết yếu. Bố mẹ nên chú ý dạy trẻ cách tự rửa tay cũng như vệ sinh đồ đạc và môi trường xung quanh trẻ.

Hệ thống Y tế Thu Cúc là địa chỉ uy tín chẩn đoán và điều trị viêm dạ dày – ruột ở trẻ với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu y đức, được các bậc phụ huynh tin tưởng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital