Phân biệt sa trực tràng và trĩ, cách phòng ngừa hai căn bệnh này

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Sa trực tràng và trĩ là hai bệnh lý phổ biến nhưng thường gây ra sự nhầm lẫn cho người bệnh vì chúng đều liên quan đến vùng hậu môn – trực tràng với nhiều triệu chứng tương tự nhau. Phân biệt rõ ràng hai loại bệnh sẽ giúp chúng ta chủ động phòng ngừa và điều trị đúng cách.

1. Hiểu về sa trực tràng và trĩ

Trước hết, bạn cần hiểu rõ khái niệm về sa trực tràng và bệnh trĩ. Trực tràng là đoạn cuối của bộ phận ruột già trước khi được đổ vào hậu môn. Xuất hiện hiện tượng sa đó là khi trực tràng mất đi sự gắn kết bình thường, bị sa xuống rồi chui qua hậu môn và ra ngoài. Tuy đây là căn bệnh lành tính không gây nguy hiểm chết người nhưng cực kỳ bất tiện, gây nhiều khó chịu, rối loạn cuộc sống và sinh hoạt nếu mắc phải. Ngoài ra, khối trực tràng bị sa ra ngoài có nguy cơ hoại tử gây đau đớn và làm nghẹt hậu môn.

Còn bệnh trĩ xuất hiện là do sự co dãn quá mức của đám rối tĩnh mạch ở vùng bao quanh hậu môn, từ đó hình thành các búi trĩ. Tùy thuộc vào vị trí búi trĩ, bệnh sẽ được chia thành trĩ nội hay trĩ ngoại, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà phân thành trĩ độ 1, độ 2, độ 3…v..v

Sa trực tràng và trĩ có thể phân biệt dựa trên búi sa và chảy máu

Sa trực tràng và trĩ có thể phân biệt dựa trên búi sa và hiện tượng chảy máu

2. Cách phân biệt sa trực tràng và trĩ

Hai bệnh lý này có thể được phân biệt dựa trên búi sa và hiện tượng chảy máu khi đi vệ sinh.

2.1. Cách phân biệt qua búi sa của hai loại bệnh

Đối với bệnh trĩ, lớp niêm mạc chính là bề mặt của khối sa, cho nên nó thường ngắn, có thể có một hoặc nhiều búi với kích cỡ khác nhau.

Đối với bệnh sa trực tràng thì khối sa chính là trực tràng, có thể một phần hay nhiều phần. Hình dạng khối sa thường là dài, tròn theo hình đồng tâm. Đặc biệt, khối sa này có nhiều dịch nhầy và ẩm ướt.

2.2. Cách phân biệt qua hiện tượng chảy máu khi đi vệ sinh

Đối với bệnh trĩ, hiện tượng đi đại tiện ra máu đã xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu, có thể ít hoặc nhiều tùy vào bệnh. Khi búi trĩ đang nhỏ thì máu chỉ xuất hiện ít và dính trên phân hoặc giấy vệ sinh, thậm chí không được phát hiện sớm do không gây đau đớn. Một thời gian khi bệnh nặng hơn thì máu sẽ chảy nhiều hơn, búi trĩ to lên gây đau đớn, máu có thể nhỏ giọt hoặc biến thành tia.

Đối với bệnh sa trực tràng cũng có hiện tượng chảy máu khi đi vệ sinh. Máu thường ít và lẫn vào phân chứ không xuất hiện nhiều theo thời gian.

Như vậy khi phát hiện các dấu hiệu như ngứa rát, có máu… người bệnh nên dựa vào các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để xác định đúng bệnh và có cách điều trị phù hợp. Ngoài ra, trong cuộc sống thường ngày cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý để phòng ngừa hai bệnh này.

3. Phòng ngừa bệnh sa trực tràng

Để phòng bệnh sa trực tràng, cần thực hiện những chú ý dưới đây:

Về sử dụng thuốc

– Cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc như thuốc trầm cảm, kháng sinh liều cao…đây là những thuốc không có lợi cho tiêu hóa, uống trong thời gian dài dễ gây bệnh trĩ, táo bón, sỏi bàng quang…lâu dần có thể dẫn đến sa trực tràng.

– Không lạm dụng thuốc nhuận tràng, chỉ uống thuốc nhuận tràng khi có chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không được lạm dụng, việc sử dụng loại thuốc này lâu ngày có thể gây yếu các vùng cơ hậu môn, thành hậu môn trở nên mỏng và lỏng lẻo cũng là nguyên nhân gia tăng nguy cơ sa trực tràng.

Về chế độ ăn uống, vận động

– Những người từng mắc bệnh ở khu vực trực tràng như trĩ, rò hậu môn hay từng phải phẫu thuật can thiệp ở khu vực này thì cần chú ý việc ăn uống chuẩn khoa học, ăn các đồ dễ tiêu, không nhịn đại tiện, tập các bài tập tốt cho hậu môn cũng như giữ một lối sống lành mạnh, tốt cho hệ tiêu hóa

– Vận động đúng: để tránh bệnh sa trực tràng có thể xảy ra, cần tập thể dục đều đặn, lưu ý tập những bài vừa sức, tốt nhất là đi bộ hoặc tập dưỡng sinh, không khuyến khích tham gia các bài tập nặng như đẩy tạ, hay bê vác đồ trọng lượng lớn, vì khi thực hiện những động tác này, cơ thể sẽ dồn một lực lớn xuống vùng xương hông, chân để làm trụ, gián tiếp đẩy áp lực đến vùng hậu môn trực tràng, lâu dần có thể gây sa trực tràng.

– Uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp làm mềm phân và bôi trơn ruột, từ đó giảm thiểu nguy cơ bị táo bón dẫn đến sa trực tràng.

– Nhớ ăn nhiều các loại rau xanh và hoa quả, bổ sung đầy đủ chất xơ và khoáng.

Uống nhiều nước phòng ngừa bệnh sa trực tràng và trĩ

Uống nhiều nước là cách đơn giản giúp làm giảm nguy cơ táo bón, phòng tránh các bệnh lý thường gặp ở vùng hậu môn – trực tràng như sa trực tràng và trĩ.

4. Phòng ngừa bệnh trĩ

Sa trực tràng và trĩ nhìn chung có chế độ phòng bệnh tương đối giống nhau vì bệnh lý này đều nằm ở vùng hậu môn và có nguyên nhân phần lớn đến từ hệ tiêu hóa. Tương tự như với phòng tránh bệnh sa trực tràng thì để không mắc phải bệnh trĩ, các bạn cần lưu ý những điều sau:

4.1. Về chế độ ăn uống

– Ăn nhiều chất xơ có trong rau xanh, đặc biệt là những loại rau củ như rau cải xanh, nấm, các loại rau có độ trơn nhớt như rau đay, mồng tơi, rau dớn…  Bên cạnh đó đừng quên ăn các trái cây tốt cho hệ tiêu hóa, có tác dụng trong việc nhuận tràng như chuối, thanh long, nước lựu, đu đủ, dứa…

– Uống đủ 1,5 tới 2 lít nước mỗi ngày để kích thích nhu động ruột hoạt động nhịp nhàng, tránh táo bón.

– Tránh xa các đồ ăn nhiều dầu mỡ, không sử dụng chất kích thích, đồ uống chứa cồn, đồ uống có gas, không ăn quá nhiều những thực phẩm có nguồn gốc từ sữa hoặc uống nhiều sữa.

– Không nên ăn mặn vì muối làm phân mất nước, có thể dẫn đến hiện tượng táo bón khó chịu và gây trĩ.

4.2. Về chế độ vận động và thói quen đại tiện

– Nên đi hoặc chạy bộ nhẹ nhàng mỗi ngày, đối với bệnh trĩ thì thể dục đều đặn rất quan trọng, chúng giúp làm giải tỏa các áp lực dồn lên vùng hậu môn trực tràng cũng như kích thích cơ thể luôn được ở trong trạng thái dẻo dai, linh hoạt

– Không ngồi một chỗ quá lâu, việc này điển hình ở những người làm việc văn phòng, cứ 1 tiếng ngồi thì nên đứng dậy đi lại tầm 5 đến 10 phút,

– Tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày và vào một khung giờ cố định, tuyệt đối không nhịn khi buồn có thể dẫn tới mất phản xạ đại tiện, là nguyên nhân hàng đầu gây trĩ

– Ngoài ra khi cơ thể có những biểu hiện khó đi đại tiện, táo bón trong thời gian dài, thường xuyên táo bón thì nên đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán tình hình.

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến bệnh sa trực tràng và trĩ

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến bệnh sa trực tràng và trĩ

Trên đây là những thông tin cơ bản giúp các bạn có thể phân biệt được giữa sa trực tràng và trĩ. Nếu bạn đang gặp vấn đề ở vùng hậu môn trực tràng và đang băn khoăn không biết mình có mắc một trong hai bệnh lý nói trên hay không thì hãy đến ngay bệnh viện để được xác định chính xác và có phác đồ điều trị thích hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital