Phác đồ điều trị viêm phế quản ở trẻ nhỏ thế nào?

Tham vấn bác sĩ

Bệnh lý viêm phế quản cấp thường xuất hiện ở những trẻ em dưới 3 tuổi là phổ biến. Bệnh có nhiều tình trạng khác nhau, có trường hợp bị nhẹ chỉ cần chăm sóc, thuốc thang tại nhà là trẻ có thể nhanh chóng hồi phục. Cũng có trường hợp chuyển nặng, gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, ảnh hưởng đến mạng sống của trẻ. Vậy, phác đồ điều trị viêm phế quản như thế nào khi trẻ bị nặng và cả khi mới chớm bị? Cùng theo dõi những thông tin về căn bệnh này trong bài viết.

1. Đại cương về bệnh viêm phế quản ở trẻ em

Viêm phế quản là tình tình trạng viêm nhiễm cấp tính tại đường thở của trẻ. Bệnh rất thường xảy ra ở độ tuổi dưới 3 tuổi do thời điểm này trẻ còn chưa hoàn thiện hết những chức năng cơ bản của hệ miễn dịch. Các biểu hiện đặc trưng của bệnh là ho, khò khè, thở nhanh, thở rít.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ cũng như người lớn là do các loại virus, chiếm tỉ lệ nhiều nhất là virus hợp bào hô hấp, kế đến là các loại virus cúm và á cúm, sau đó là adenovirus chiếm khoảng 10% các trường hợp gây ra viêm phế quản. Những loại virus này sau khi xâm nhập vào thông qua đường hô hấp sẽ tấn công vào các biểu mô niêm mạc phế quản, khiến cho các bộ phận này bị viêm và phù nề. Dịch tiết cũng tăng lên với số lượng lớn và cấu trúc ngày một đặc hơn. Nếu để lâu, dịch nhầy là môi trường lý tưởng để vi khuẩn tấn công, tạo nên những ổ nhiễm trùng trong phế quản. Phế quản nếu bị tổn thương nặng sẽ có thể co thắt, gây tắc nghẽn ở đường thở, khiến cho phổi bị xẹp và các phế nang bị ứ khí.

phác đồ điều trị viêm phế quản

Trẻ nhỏ có tần suất viêm phế quản khá nhiều

Bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ thường xuất hiện nhiều nhất vào mùa đông xuân, khi thời tiết lạnh và độ ẩm cao. Bệnh có thể nhẹ, nhanh khỏi nhưng cũng có trường hợp chuyển nặng, gây ra suy hô hấp và có nguy cơ bị tử vong. Bệnh viêm phế quản dạng nặng thường xảy ra ở những đối tượng nhiều nguy cơ như sau:

– Trẻ sinh non dưới 36 tuần tuổi với cân nặng sau sinh dưới 2.5 kg, có tiền sử suy hô hấp sơ sinh
– Trẻ dưới 3 tháng
– Trẻ có những bệnh lý sẵn có như bệnh tim, phổi bẩm sinh (loạn sản phế quản phổi, xơ nang phổi,…)
– Trẻ mắc những bệnh lý về thần kinh, thần kinh cơ
– Trẻ suy giảm miễn dịch

2. Cách thức chẩn đoán bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ

Bác sĩ sẽ chẩn đoán và kết luận bệnh viêm phế quản cấp tính trên trẻ nhỏ dựa vào những cách thức:

– Điều tra bệnh sử của trẻ
Những vấn đề trẻ có thể gặp trước đó như: sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho, khò khè, bỏ bú hoặc bú ít. Tiếp theo trẻ có thể tăng thở khò khè, hay bị kích thích, quấy khóc nhiều, bú kém ở những ngày sau đó.

Bác sĩ cũng có thể điều tra về những yếu tố liên quan bên ngoài như: Nhà có người hút thuốc không, trong nhà có trẻ nào đang mắc bệnh trước đó không, trẻ từng bị nhiều lần không, v…v…

– Khám lâm sàng cho trẻ sẽ nhận thấy những dấu hiệu như:

+ Trẻ thở khò khè
+ Thở phập phồng cánh mũi
+ Thở rên rít
+ Có thể có co rút lồng ngực nhẹ
+ Có thể da bị tím tái
+ Nghe tim phổi thấy tiếng ran, nhưng cũng có trường hợp không nghe tiếng ran do đã bị tắc nghẽn hoàn toàn
+ Có dấu hiệu trẻ bị ngưng thở từ 15 đến 20 giây, trường hợp này hay gặp ở trẻ sinh non hoặc dưới 2 tháng

Cần phân biệt bệnh viêm phế quản với những bệnh lý khác như viêm phổi, hen suyễn, hít phải dị vật đường thở, ho gà, trào ngược dạ dày thực quản hoặc suy tim,…

phác đồ điều trị viêm phế quản

Cho trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác bệnh viêm phế quản và tình trạng

– Chẩn đoán bằng kỹ thuật cận lâm sàng để xác định bệnh và mức độ bệnh cho trẻ, đó là những loại xét nghiệm như:
– Xét nghiệm máu để tổng phân tích tế bào, CRP
– Chụp XQuang tim phổi
– Khí máu động mạch
– Dùng dịch mũi, hầu họng để tìm ra các tác nhân gây bệnh như: test nhanh tìm virus hợp bào hô hấp, virus adeno, Cúm A, B,…

Trẻ nếu bị viêm phế quản ở mức độ nặng sẽ có những biểu hiện như:

-Tím tái
– Rên rỉ
– Bỏ bú
– Kích thích, bứt rứt
– Li bì, rối loạn tri giác
– Thở nhanh
– SpO2 <95% với khí thường
– Có cơn ngừng thở
– Thở không đều
– Dấu hiệu kéo cơ liên sườn, rút lõm ngực, phập phồng mũi

3. Những cách điều trị viêm phế quản ở trẻ nhỏ

Nguyên tắc điều trị bệnh lý viêm phế quản ở trẻ nhỏ đó là tập trung vào điều trị các triệu chứng bệnh, cung cấp đủ nước, oxy, chất điện giải. Nếu trẻ bị bội nhiễm cần cho trẻ dùng kháng sinh đường uống hoặc tiêm tùy tình trạng bệnh, điều trị các bệnh lý kết hợp với nhau.

3.1. Phác đồ điều trị viêm phế quản ngoại trú

Nếu bệnh tình của trẻ chỉ ở mức độ nhẹ thì sau khi thăm khám trẻ sẽ được kê đơn thuốc, cha mẹ cũng được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc cho trẻ tại nhà như:

– Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol liều dùng 10-15mg/kg, cách 4 tiếng. Nếu trẻ không sốt trên 38,5 độ thì không cần uống.
– Có thể dùng một số loại thuốc ho nhẹ dạng thảo dược, siro dễ uống, phù hợp với trẻ. Hạn chế dùng các loại thuốc giảm ho có thành phần là dextromethorphan, thuốc kháng histamin, co mạch,… Nếu không có các biểu hiện khó thở, thở rít thì cũng không cần dùng đến thuốc giãn phế quản, thuốc có thành phần corticoid. Không bị bội nhiễm, nhiễm khuẩn cũng không cần chỉ định thuốc kháng sinh.
– Dùng nước muối sinh lý dạng xịt hoặc nhỏ để vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày, giúp hỗ trợ đường thở của trẻ được thông thoáng hơn.
– Chia nhỏ bữa ăn để trẻ dễ ăn hơn, không bị nôn trớ nhưng vẫn cần đảm bảo đủ lượng ăn và chất dưỡng đa dạng. Không được kiêng khem cho trẻ, tăng cường ăn nhiều rau, hoa quả, uống nhiều nước và những thực phẩm hỗ trợ nâng cao sức đề kháng.
– Tái khám đúng thời gian bác sĩ hẹn nhưng nếu trong quá trình chăm sóc nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở trẻ thì cần đưa trẻ đi khám luôn.

3.2. Phác đồ điều trị viêm phế quản nội trú cho trẻ

Nếu trẻ bị viêm phế quản nặng, bác sĩ nhận thấy không thể điều trị tại nhà được thì trẻ sẽ cần phải nhập viện để điều trị. Phác đồ điều trị cho trẻ sẽ gồm có:

– Điều trị hỗ trợ

Hỗ trợ về mặt hô hấp gồm có:

+ Để trẻ nằm dốc cao, hút đờm để đường thở của trẻ được thông thoáng hơn.
+ Trong một số trường hợp nặng có thể được chỉ định thở oxy, thở máy (không xâm lấn), CPAP,…
+ Dùng giãn phế quản cho trẻ qua hình thức khí dung bằng thuốc Salbutamol liều lượng 0.15mg/kg mỗi lần, liều dùng tối thiểu là 2.5mg/lần và tối đa là 5mg/lần. Sau 2 lần dùng đầu tiên cách nhau 20 phút, cần đánh giá mức độ đáp ứng thuốc của trẻ. Nếu trẻ đáp ứng thuốc tốt thì sau từ 4-6 tiếng có thể cho trẻ dùng tiếp. Nếu không đáp ứng cần dừng thuốc và đổi thuốc khác.

phác đồ điều trị viêm phế quản

Theo dõi trẻ sát sao để ngăn chặn những biến chứng

Cung cấp đủ nước, chất dinh dưỡng và điện giải cho trẻ:

+ Cần chia nhỏ lượng ăn mỗi bữa nhưng tăng số lần ăn trong ngày để đảm bảo lượng ăn trong một ngày. Khi cho trẻ ăn cần chú ý đối với những trẻ thở nhanh vì khả năng sặc là khá cao. Nếu trẻ không ăn được, bú kém có thể được chỉ định đặt ống cho ăn trực tiếp vào dạ dày để đảm bảo lượng dinh dưỡng mà trẻ cần nhận được.
+ Nuôi trẻ ăn qua ống sonde dạ dày có thể được chỉ định nếu: trẻ nôn ói liên tục sau mỗi lần ăn, trẻ thở quá nhanh, mỗi khi trẻ ăn SpO2 giảm xuống dưới 90% mặc dù đã cho trẻ thở oxy, mỗi khi trẻ ăn đều cần gắng sức để hô hấp, những động tác bú, mút, nuốt đề kém phối hợp với nhau.
+ Nuôi trẻ ăn bằng đường tĩnh mạch trong trường hợp trẻ bị mất nước, suy hô hấp rất nặng hoặc khi nuôi ăn bằng đường sonde mà vẫn không đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể (dưới 80ml/kg mỗi ngày).

– Điều trị biến chứng

Nếu trẻ có các dấu hiệu của việc nhiễm trùng như sốt cao đột ngột, bạch cầu trong xét nghiệm công thức máu tăng cao, bạch cầu đa nhân chiếm phần lớn, CRP>20mg/l, hình ảnh phim X Quang cho thấy có sự xâm chiếm sâu làm đông đặc phổi, cấy đờm và máu cho ra kết quả dương tính với vi khuẩn, các triệu chứng lâm sàng của bệnh diễn biến xấu một cách nhanh chóng trong vòng từ 24 đến 48 giờ thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh để điều trị viêm phế quản. Thời gian dùng kháng sinh từ khoảng 7 cho đến 10 ngày.

– Theo dõi

Trẻ cần được theo dõi liên tục và chặt chẽ trong khoảng thời gian nằm viện. Những dấu hiệu sinh niệu cơ bản như: thân nhiệt, mạch, SpO2, nhịp thở cần được theo dõi 1-2 giờ trong 6 tiếng đầu khi nhập viện. Nếu tình trạng trẻ có sự cải thiện thì giãn ra, theo dõi trong khoảng 4 đến 6 giờ mỗi lần. Việc theo dõi tình trạng trẻ chặt chẽ nhằm ngăn chặn sớm những chuyển biến bất thường trong sức khỏe của trẻ.

Trên đây là những thông tin về căn bệnh viêm phế quản và phác đồ điều trị bệnh này. Nếu thấy trẻ có những triệu chứng bệnh, cha mẹ nên đưa con đi khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital