Những điều quan trọng mẹ không thể bỏ qua khi trẻ nạo VA

Tham vấn bác sĩ
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ

Dương Văn Tiến

Trưởng phòng khám Tai mũi họng Cơ sở 286 Thụy Khuê

Viêm VA là một bệnh lý tai mũi họng phổ biến thường gặp ở trẻ khoảng 1 – 5 tuổi. Khi bệnh tái phát nhiều lần và có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm, bác sĩ sẽ chỉ định nạo VA. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về bệnh lý này để phụ huynh có thêm những thông tin bổ ích để chăm sóc trẻ nhé.

1. Tổng quan về nạo VA

1.1 Viêm VA là gì?

VA là tổ chức lympo nằm trong vòm họng có chức năng nhận diện vi khuẩn để từ đó có thể tạo ra kháng thể nhằm tiêu diệt những vi khuẩn xâm nhập vào vòm họng. VA phát huy được tác dụng nhiều nhất trong khoảng từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi khi mà những kháng thể tự nhiên được di truyền từ mẹ đã được trẻ sử dụng hết và bé bắt đầu phát triển hệ miễn dịch của bản thân. Khi vi khuẩn có hại xâm nhập ồ ạt vào vòm họng và VA không thể phản ứng kịp, hiện tượng viêm VA sẽ xảy ra.

nạo VA

Khi vi khuẩn có hại xâm nhập ồ ạt vào vòm họng và VA không thể phản ứng kịp, hiện tượng viêm VA sẽ xảy ra.

1.2 Nạo VA là phương pháp gì?

Thực tế viêm VA không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu việc viêm nhiễm VA lặp lại nhiều lần và diễn ra trong khoảng thời gian dài thì sẽ trở thành môi trường sống lý tưởng của rất nhiều vi khuẩn có hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé và gây nên những biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy bác sĩ phải tiến hành nạo VA.

1.3 Nạo VA có nguy hiểm không?

Đây là một phẫu thuật an toàn và phổ biến nên không gây nguy hiểm gì cho trẻ. Bên cạnh đó, nạo VA sẽ không làm giảm hệ miễn dịch của trẻ vì VA chỉ là một trong số rất nhiều tế bào miễn dịch đường hô hấp, ngoài VA ra thì còn có những hệ miễn dịch khác như Amidan khẩu cái, Amidan ở lỗ vòi nhĩ, Amidan đáy lưỡi và những hệ thống miễn dịch tự nhiên khác nằm bên dưới lớp niêm mạc hô hấp.

1.4 Cần thực hiện nạo VA khi nào?

– Viêm VA tái lại nhiều lần (>5 lần/năm)

– Đã điều trị viêm VA bằng phương pháp nội khoa nhưng không hiệu quả và viêm VA có gây ra biến chứng.

– VA quá phát làm cửa sau mũi bị bít tắc, trẻ ngạt mũi kéo dài và ảnh hưởng đến đường thở.

2. Các cấp độ và triệu chứng của viêm VA

2.1 Cấp độ viêm VA

Viêm VA  có 4 cấp độ khác nhau:

– Cấp 1: Phần VA bị viêm chiếm khoảng ít hơn 33% diện tích của cửa mũi sau.

– Cấp 2: Phần VA bị viêm chiếm khoảng 33 – 66% diện tích của cửa mũi sau.

– Cấp 3: Phần VA bị viêm chiếm khoảng 60 – 90% diện tích của cửa mũi sau

– Cấp 4: Phần VA bị viêm chiếm toàn bộ cửa mũi sau đồng thời lan sang cả hố mũi.

2.2 Triệu chứng viêm VA

Trẻ có thể bị ngáy ngủ vì viêm VA, nguy hiểm hơn là gặp hội chứng ngưng thở

Trẻ có thể bị ngáy ngủ vì viêm VA, nguy hiểm hơn là gặp hội chứng ngưng thở

– Trẻ có hiện tượng ngạt mũi, khó thở trong thời gian dài.

– Trẻ thở khò khè, có hiện tượng ngáy khi ngủ, nguy hiểm hơn là gặp hội chứng ngưng thở.

– Khi viêm VA biến chứng thường làm chảy mũi kéo dài, dịch mũi không màu hoặc thường có màu vàng, xanh, những dấu hiệu này được lặp đi lặp lại trong thời gian dài.

– Trẻ ho trong thời gian dài, hoặc tái phát sau khi đã chữa khỏi, gây khàn tiếng vì viêm VA chảy xuống đường hô hấp gây nên viêm thanh quản.

– Trẻ rối loạn tiêu hóa do vi khuẩn từ ổ viêm nhiễm VA đi vào tiêu hóa gây đau bụng, nôn ói và tiêu chảy.

3. Quy trình nạo VA

3.1 Trước phẫu thuật

– Trước phẫu thuật khoảng 7 – 10 ngày, tuyệt đối không để trẻ uống các thuốc chống viêm như: ibuprofen, indomethacin và naproxen.

– Trước phẫu thuật 10 ngày cần thông báo các loại thuốc trẻ đang uống cho bác sĩ.

– Giai đoạn sau phẫu thuật sẽ cần đến nhiệt kế và thuốc hạ sốt, vì thế mẹ hãy chuẩn bị sẵn cho con.

– Với trẻ dưới 12 tháng, có thể dùng sữa công thức trước mổ khoảng 6 tiếng còn với trẻ chưa cai sữa thì có thể bú mẹ trước 4h.

– Với trẻ ở mọi lứa tuổi: Có thể uống nước lọc trước khoảng 2h phẫu thuật.

3.2 Trong phẫu thuật

– Đầu tiên bé sẽ được thực hiện gây mê nội khí quản. Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến với ưu điểm tiến hành nhanh, kiểm soát tốt đường hô hấp, tuần hoàn và giãn cơ.

– Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện nạo VA qua đường miệng của bé bằng cách đưa một dụng cụ nhỏ vào miệng, thực hiện nạo bằng các thao tác cắt, đốt, cầm máu dễ dàng. Hiện nay, tại các bệnh viện lớn uy tín đã áp dụng công nghệ tân tiến Plasma Plus vào việc điều trị viêm VA với những điểm nổi bật như:

+ Chức năng hàn gắn những mạch máu siêu nhỏ dưới 1mm nên ngăn chặn hoàn toàn khả năng chảy máu.

+ Bệnh nhân nhanh hồi phục và trở về cuộc sống bình thường, có thể ra viện trong vòng 1 ngày.

+ Phẫu thuật được thực hiện an toàn, ít xâm lấn, hạn chế được những tổn thương đến các mô lân cận với lượng nhiệt thấp chỉ khoảng 65 – 70 độ C (trong khi các phương pháp khác sử dụng lượng nhiệt khoảng 200 độ C)

– Khi hết thuốc mê, trẻ sẽ có những phản ứng như bối rối, khó chịu ở dạ dày hoặc nôn ra chất dịch có màu nâu. Đây là những phản ứng bình thường và sẽ chấm dứt khi thuốc hết hẳn tác dụng nên mẹ không cần phải lo lắng nhiều nhé.

3.3 Sau phẫu thuật

Cho con uống nhiều nước vì khi đủ nước sẽ giúp con giảm bớt được cơn đau

Cho con uống nhiều nước vì khi đủ nước sẽ giúp con giảm bớt được cơn đau sau khi nạo VA. Mẹ có thể cho con uống đa dạng các loại nước khác nhau như nước ép trái cây, nước canh rau,…

Sau phẫu thuật nạo VA của trẻ, mẹ cần lưu ý một số điều sau:

Việc vệ sinh cho trẻ

– Cho trẻ đánh răng sạch sẽ và đúng cách.

– Dùng nước muối sinh lý vệ sinh đường mũi cho trẻ và cho trẻ súc miệng (lưu ý không sục họng gây ảnh hưởng đến vết thương).

– Không để trẻ xì mũi hay dùng tay che miệng khi hắt hơi sau nạo VA 1 tuần, nếu có nước mũi chảy ra thì nên dùng khăn chấm nhẹ.

– Sử dụng máy phun sương để làm ẩm không khí trong không gian sinh sống của trẻ, để giúp con dễ hít thở hơn.

Chế độ dinh dưỡng

– Cho con uống nhiều nước vì khi đủ nước sẽ giúp con giảm bớt được cơn đau.

– Trong vòng 2 tuần sau phẫu thuật, không để trẻ ăn đồ cay, nóng.

– Cho trẻ ăn những đồ mềm như súp, cháo, cơm xay…trong những tuần đầu để không gây tổn thương, khu vực phẫu thuật của trẻ có thời gian phục hồi.

– Cho trẻ ăn đa dạng các chất dinh dưỡng để vết thương nhanh lành.

Chế độ vận động

– Không để trẻ hét lên hay gằn giọng nói, gây ảnh hưởng lớn đến vết thương.

– Trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật, tránh để trẻ tham gia các hoạt động chạy nhảy.

– Trong 2 tuần sau phẫu thuật, sức đề kháng của con còn yếu vì vậy nên cách ly trẻ với những người đang bị ốm, tránh những nơi đông người.

Trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật, mẹ tránh để trẻ tham gia các hoạt động chạy nhảy

Trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật nạo VA, mẹ tránh để trẻ tham gia các hoạt động chạy nhảy

Sử dụng thuốc

– Không tự ý mua thuốc cho con sử dụng khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường sau phẫu thuật mà cần đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám.

– Cho trẻ uống thuốc theo đúng liều lượng bác sĩ quy định.

Một số lưu ý khác sau khi nạo VA

– Sau phẫu thuật nạo VA trẻ sẽ bị phù nề vùng mổ, mẹ không cần quá lo lắng vì hiện tượng này sẽ hết sau vài ngày.

– Giọng của trẻ có thể biến đổi, hình dáng và kích thước khoang miệng cũng có chút thay đổi, tình trạng này sẽ diễn ra khoảng vài tuần hoặc vài tháng rồi sẽ trở về bình thường.

– Quá trình lành vết thương diễn ra trong khoảng 10 ngày, hãy cố gắng không để trẻ dễ tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao trong thời gian này như nước bẩn, thức ăn đường phố, nơi không khí ô nhiễm…

Bài viết trên đã cung cấp những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề nạo VA. Nếu sau phẫu thuật, trẻ xuất hiện những hiện tượng bất thường như sốt cao trên 39 độ C không đáp ứng thuốc hạ sốt, buồn nôn hay nôn liên tục không thuyên giảm, bị đau đớn tăng dần, chảy máu trầm trọng không cầm được, mất giọng khoảng 1 ngày thì cần đưa con ngay đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital