Nguyên nhân viêm đại tràng và giải pháp chẩn đoán

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm đại tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, được chia thành viêm đại tràng cấp tính và mạn tính. Bài viết sau sẽ cung cấp đến bạn đọc thông tin về nguyên nhân viêm đại tràng thường gặp, các triệu chứng của bệnh và phương pháp chẩn đoán viêm đại tràng.

1. Các nguyên nhân chính gây bệnh viêm đại tràng

Viêm đại tràng là tình trạng tổn thương viêm xuất hiện trên niêm mạc đại tràng với các mức độ khác nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này, phổ biến nhất là do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Từng giai đoạn cấp tính và mạn tính có những nguyên nhân cụ thể khác nhau cấu thành bệnh.

1.1. Nguyên nhân viêm đại tràng cấp tính

Chế độ sinh hoạt và ăn uống không đảm bảo vệ sinh được đánh giá là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm cấp tính. Điều này xảy ra khi người bệnh sử dụng những thực phẩm nhiễm khuẩn, chưa được nấu chín hoặc nguồn nước ô nhiễm. Các vi sinh vật có hại xâm nhập vào đường tiêu hóa và tấn công niêm mạc dạ dày gây viêm.

Một số loại vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh thường gặp có thể kể đến gồm:

– Các loại ký sinh trùng: Lỵ amip, giun đũa, giun tóc, giun kim,…

– Các loại vi khuẩn: Vi khuẩn E.coli. vi khuẩn tả (Vibrio cholerae), lỵ trực khuẩn (Shigella), vi khuẩn thương hàn (Salmonella),…

– Các loại nấm hoặc siêu vi như Rotavirus.

Ngoài ra, một số nguyên nhân gây bệnh khác là ngộ độc thực phẩm, dị ứng thức ăn, nhiễm độc, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, các bệnh lý đường ruột,…

Các nguyên nhân viêm đại tràng

Viêm đại tràng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm độc,…

1.2. Nguyên nhân viêm đại tràng mạn tính

Viêm đại tràng mạn tính được chia thành 2 nhóm chính gồm: nhóm có nguyên nhân và nhóm không xác định rõ nguyên nhân.

– Nhóm có nguyên nhân: Người bệnh bị nhiễm độc hoặc nhiễm trùng đường ruột gây ra tình trạng viêm đại tràng cấp tính. Tuy nhiên bệnh không được điều trị kịp thời và dứt điểm, từ đó tiến triển nặng và chuyển thành mạn tính.

– Nhóm không rõ nguyên nhân: Một số trường hợp được chẩn đoán viêm đại tràng mạn tính nhưng không tìm được căn nguyên cụ thể gây ra bệnh.

2. Ai có nguy cơ cao mắc viêm đại tràng?

Dưới đây là một số nhóm đối tượng có khả năng cao mắc bệnh viêm đại tràng, cần đặc biệt chú ý phòng ngừa:

– Người cao tuổi: Viêm đại tràng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh phổ biến ở người trưởng thành. Đặc biệt người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn cả.

– Tình trạng táo bón kéo dài: Những người bị táo bón trong thời gian dài có khả năng cao mắc viêm đại tràng. Người bệnh cần thăm khám tiêu hóa càng sớm càng tốt để kịp thời xử lý tình trạng táo bón, ngăn ngừa các biến chứng.

– Thường xuyên căng thẳng, lo âu: Tâm lý căng thẳng kéo dài tác động xấu đến nhu động ruột và hoạt động tiêu hóa, dẫn đến nguy cơ viêm đại tràng.

– Chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh: Nguy cơ viêm đại tràng tăng cao ở những người có thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các sản phẩm nhiều chất bảo quản,… Các sản phẩm này có thể gây tổn thương niêm mạc đại tràng và dẫn đến tính trạng viêm. Ngoài ra, việc ăn uống thất thường cũng làm tăng khả năng mắc bệnh.

– Dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ gây hại cho đại tràng và đường tiêu hóa cũng như nhiều cơ quan khác. Do đó việc dùng thuốc cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ nhằm đảm bảo an toàn.

3. Triệu chứng thường gặp của người bệnh viêm đại tràng

Chúng ta đã cùng tìm hiểu nguyên nhân viêm đại tràng và những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. Hãy tiếp tục theo dõi bài viết để hiểu rõ hơn về các triệu chứng của bệnh. Viêm đại tràng có triệu chứng đa dạng, tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh.

3.1. Viêm đại tràng cấp tính có triệu chứng như thế nào?

Khi đại tràng gặp tổn thương loét cấp tính, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như sau:

– Thường xuyên bị đau bụng, cơn đau có thể âm ỉ hoặc quặn thắt, dữ dội. Người bệnh thường đau phần bụng dưới, dọc theo khung đại tràng.

– Đau bụng có thể kèm đi ngoài phân lỏng, sốt. Tình trạng này kéo dài dễ dần đến nguy cơ mất nước, mất điện giải, thậm chí trụy tim mạch rất nguy hiểm.

– Có trường hợp đi ngoài chỉ ra một ít phân, trong phân có lẫn máu và chất nhầy.

Tìm hiểu nguyên nhân viêm đại tràng

Viêm đại tràng gây nhiều triệu chứng phiền toái như đau bụng, rối loạn phân, mệt mỏi, suy dinh dưỡng,…

3.2. Viêm đại tràng mạn tính có triệu chứng gì?

Với viêm đại tràng mạn tính, các triệu chứng mà người bệnh có thể gặp phải gồm:

– Đau bụng từng cơn, đặc biệt khi mới ngủ dậy và sau bữa ăn. Cảm giác đau thường giảm sau khi đi đại tiện.

– Ăn uống khó tiêu, táo bón, phân cứng, khô và ít.

– Người bệnh cũng có thể gặp triệu chứng tiêu chảy, kéo dài vài ngày đến vài tuần.

– Một số trường hợp có thể bị tiêu chảy và táo bón xen kẽ, diễn ra lần lượt trong thời gian dài.

4. Chẩn đoán bệnh viêm đại tràng

Các triệu chứng viêm đại tràng kể trên là một trong các căn cứ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác và cụ thể về tình trạng bệnh.

Dưới đây là một số xét nghiệm cận lâm sàng được ứng dụng phổ biến trong chẩn đoán viêm đại tràng:

4.1. Nội soi đại tràng

Đây là phương pháp phổ biến hàng đầu trong chẩn đoán viêm đại tràng và các bệnh lý đường tiêu hóa nói chung. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi mềm có gắn camera vào đại tràng qua đường hậu môn. Bác sĩ quan sát trực tiếp các vết viêm trên niêm mạc đại tràng, xác định vị trí và mức độ viêm.

Từ kết quả quan sát, bác sĩ có thể đánh giá chính xác về tình trạng bệnh để đưa ra hướng can thiệp phù hợp. Thêm vào đó, bác sĩ còn có thể lấy mẫu sinh thiết ngay trong quá trình nội soi. Mẫu sinh thiết sẽ được tiến hành hành phân tích để tìm nguyên nhân viêm đại tràng, phát hiện các tế bào lạ hoặc nguy cơ ung thư.

Nguyên nhân viêm đại tràng là gì

Nội soi đại tràng là phương pháp hữu hiệu chẩn đoán viêm đại tràng và các bệnh lý tại đường tiêu hóa

4.2. Chụp X-quang đại tràng

Đây là chẩn đoán hình ảnh truyền thống và thường được chỉ định với người bệnh không thể thực hiện nội soi đại tràng. Hình ảnh X-quang cho phép phát hiện tình trạng viêm mà các bệnh lý đại tràng khác như đại tràng co thắt, phình đại tràng,…Tuy nhiên, phương pháp này không có khả năng tầm soát những tổn thương tiền ung thư như nội soi đại tràng.

4.3. Xét nghiệm phân

Xét nghiệm phân được chỉ định khi nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ các vi sinh vật hay ký sinh trùng. Tình trạng viêm đại tràng sẽ được xác định dựa vào sự có mặt của các tế bào bạch cầu trong phân.

4.4. Xét nghiệm máu

Người bệnh được chỉ định thực hiện xét nghiệm máu khi có triệu chứng đi ngoài nhiều lần, phân lẫn máu, mất nước, mất chất điện giải. Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ xác định được dấu hiệu nhiễm trùng. Đồng thời, xét nghiệm này còn giúp đánh giá các chỉ số hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu của người bệnh.

4.5. Chụp cắt lớp vi tính CT

Phương pháp chụp CT giúp bác sĩ quan sát các mô mềm trong ổ bụng. Từ đó, phạm vi đại tràng bị ảnh hưởng và các biến chứng của bệnh sẽ được phát hiện.

Ngoài các phương pháp chẩn đoán kể trên, bác sĩ có thể tiến hành một số phương pháp khác như: nội soi đại tràng sigma, nội soi trực tràng,…

Trên đây là nguyên nhân viêm đại tràng thường gặp, các dấu hiệu nhận biết và nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và được chẩn đoán – điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital