Nguyên nhân và cách điều trị bệnh đau đầu mờ mắt

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ CKI

Trịnh Thị Khanh

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh đau đầu mờ mắt là bệnh lý mà nhiều người mắc phải. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này. Nhận thức đúng về bệnh giúp bạn có phương án điều trị kịp thời, ngăn chặn hậu quả khó lường. 

1. Hiểu đúng về bệnh đau đầu mờ mắt

Đau đầu mờ mắt là tình trạng đau đầu đi kèm giảm thị lực, cơ thể choáng váng, khó quan sát và hoạt động. Người bệnh có thể bị mờ mắt trước khi xuất hiện những cơn đau đầu. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bệnh giảm thị lực cả trước và sau khi đau đầu. 

Đau đầu mờ mắt xảy ra rất phổ biến ở cả nam và nữ. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn so với nam giới. Đau đầu ảnh hưởng đến thị lực thường được chia thành hai loại, bao gồm đau tiền triệu và đau không tiền triệu. 

Đau đầu tiền triệu là tình trạng người bệnh được cảnh báo thông qua các dấu hiệu như choáng váng, nặng đầu, chóng mặt,… trước khi cơn đau ập đến khoảng vài phút hoặc vài tiếng. Đau đầu không tiền triệu là tình trạng các cơn đau xuất hiện bất ngờ. Người bệnh bị đau đầu ở bất kỳ thời điểm nào mà không hề có dấu hiệu cảnh báo. 

đối tượng mắc bệnh đau đầu mờ mắt

Tình trạng đau đầu mờ mắt có thể xảy ra ở cả nam và nữ

2. Đau đầu mờ mắt hình thành do đâu?

Đau đầu mờ mắt có thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong di chuyển, làm việc. Vậy nguyên nhân hình thành bệnh là gì?

2.1. Hạ đường huyết gây bệnh đau đầu mờ mắt

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu bị giảm một cách đột ngột. Não thiếu nguồn năng lượng cần thiết để hoạt động, dẫn đến chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, thị lực giảm. Ngoài ra, người bị hạ đường huyết còn có các triệu chứng như: mặt tái xanh, run tay chân, nhịp tim nhanh. 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết, bao gồm sử dụng thuốc tùy tiện, uống rượu bia, nhịn ăn, thiếu ngủ,… Người bị đau đầu mờ mắt do hạ đường huyết nếu không được điều trị kịp thời có thể bị mất ý thức, co giật hoặc ngất xỉu.

2.2. Đau nửa đầu 

Đau nửa đầu migraine là tình trạng đau một bên đầu. Người bệnh có các dấu hiệu như hoa mắt, mắt nhìn mờ, tê một bên mặt trước khi cơn đau xuất hiện. Bên cạnh đó, rất nhiều bệnh nhân đau nửa đầu mà không có bất kỳ dấu hiệu nào báo trước đó. Cơn đau tăng lên khi bạn hoạt động, làm việc hoặc xoay đầu. Người bệnh cần lưu ý nếu tình trạng này xuất hiện với tần suất liên tục. Đau nửa đầu đi kèm mờ mắt có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu không được khám và điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ bị các biến chứng nguy hiểm. 

đau nửa đầu gây ra đau đầu giảm thị lực

Đau nửa đầu là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng đau đầu giảm thị lực

2.3. Chấn thương sọ não gây nên bệnh đau đầu mờ mắt

Chấn thương sọ não là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đau đầu mờ mắt. Não bị tổn thương gây ra các triệu chứng mệt mỏi, ù tai, chóng mặt, mờ mắt, mất nhận thức tạm thời. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể bị co giật, không có ý thức trong thời gian dài. Sau khi bị tai nạn giao thông hoặc va chạm mạnh tại vùng đầu, bạn cần gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời. 

2.4. Ngộ độc Carbon monoxide

Carbon monoxide là khí thải sinh ra khi đốt cháy nhiên liệu như gỗ, khí propan,… Tích tụ quá nhiều Carbon monoxide khiến quá trình cung cấp oxy đến não và các mô bị gián đoạn, dẫn đến đau đầu và giảm thị lực. Ngoài ra người bị ngộ độc khí này còn xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa, thậm chí mất nhận thức. Đến ngay bệnh viện để điều trị nếu phát hiện bị ngộ độc Carbon monoxide. 

2.5. Đột quỵ

Đột quỵ là biến cố về sức khỏe vô cùng nguy hiểm. Ở người bị đột quỵ, tình trạng thiếu máu lên não có thể dẫn đến đau đầu đột ngột, gây mờ mắt.  Người bị đột quỵ cần được khám để tìm ra nguyên nhân và có phương án điều trị chính xác, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như liệt mặt, thậm chí là tử vong. 

3. Điều trị đau đầu mờ mắt đúng cách 

Người bị đau đầu mờ mắt cần được điều trị đúng cách để đem lại hiệu quả. Tùy vào nguyên nhân và mức nghiêm trọng của bệnh mà biện pháp điều trị sẽ khác nhau. Vậy làm thế nào để biết chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng đau đầu giảm thị lực? Lời khuyên là bạn nên đến cơ sở y tế uy tín thực hiện các xét nghiệm sau đây:

Xét nghiệm máu để xác định ngộ độc khí Carbon monoxide.

Chụp cộng hưởng từ MRI não hoặc chụp X-quang sau chấn thương, va chạm.

Siêu âm tim.

– Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định điện não đồ, chụp mạch máu não,… tùy theo tình trạng bệnh.

Đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám khi khi có biểu hiện mờ mắt đau đầu

Nên đến các bệnh viện để được các chuyên gia khám và tìm nguyên nhân gây bệnh

Sau khi tìm ra nguyên nhân và xác định được chính xác mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp. Cụ thể:

– Bệnh nhân đau đầu mờ mắt do hạ đường huyết: Bổ sung carbohydrate vào cơ thể để tăng đường trong máu. 

– Đau đầu do ngộ độc khí Carbon monoxide: Bổ sung oxy cho bệnh nhân lập tức bằng cách đặt trong buồng oxy cao áp.

– Điều trị giảm đau đầu mờ mắt bằng thuốc giảm đau, thuốc trị đau nửa đầu, thuốc huyết áp. Lưu ý, bệnh nhân chỉ được sử dụng thuốc theo đơn kê của bác sĩ, không tự ý tăng/giảm liều hoặc sử dụng tùy tiện. 

– Ngoài ra, bệnh nhân có thể phòng tránh và điều trị đau đầu mờ mắt bằng các biện pháp như ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, tập thể dục thường xuyên. 

4. Không chủ quan với tình trạng đau đầu mờ mắt

Đau đầu đi kèm giảm thị lực là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm đang tiềm ẩn trong cơ thể bạn. Bệnh đau đầu mờ mắt kéo dài khiến bạn mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống và năng suất làm việc. Nghiêm trọng hơn, đau đầu mờ mắt có thể là nguyên nhân khởi phát tình trạng mất nhận thức, tê liệt mặt, tay chân, thậm chí là tử vong. Người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời nếu nhận thấy các dấu hiệu đau đầu giảm thị lực xuất hiện thường xuyên và đột ngột. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital