Nguyên nhân và cách chăm sóc hiệu quả khi trẻ bị viêm phế quản

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu nên khi thời tiết thay đổi, các bé rất dễ mắc bệnh viêm phế quản với những biểu hiện như sổ mũi, ho, khó thở. Nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời, bệnh viêm phế quản có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Do đó, bố mẹ phải nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu và cách chăm sóc hiệu quả khi trẻ bị viêm phế quản.

1. Một số nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phế quản

Nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em bị viêm phế quản là do sự xâm nhập và tấn công của các loại vi khuẩn, virus gây hại như phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, virus cúm, liên cầu khuẩn,… Những trẻ có sức đề kháng yếu hoặc cơ thể bị nhiễm lạnh rất dễ bị virus, vi khuẩn tấn công và gây bệnh.

Những trẻ có nguy cơ bị viêm phế quản cao hơn so với bình thường là:

– Trẻ thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn, môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá,…

– Trẻ sống trong không gian chật chội, ẩm mốc, có yếu tố độ ẩm cao.

– Người thân trong gia đình hoặc bố mẹ từng có tiền sử bị hen suyễn.

– Bé bị dị ứng đường hô hấp với những tác nhân ngoại lai từ môi trường bên ngoài như lông động vật, phấn hoa,…

– Trẻ bị thừa cân và béo phì.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phế quản

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phế quản

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ em bị viêm viêm phế quản

Một số dấu hiệu cho thấy trẻ em bị viêm phế quản là:

– Bé có cảm giác đau và nóng rát ở cổ họng.

– Trẻ ho nhiều, ho khan, ho có đờm và kéo dài.

– Bé thở nhanh và ngắn hơn so với bình thường.

– Trẻ sốt cao từ 39 – 40 độ C đi kèm với hơi thở khò khè, dịch mũi có màu xanh.

– Bé biếng ăn, đau tức vùng ngực, nôn trớ, mệt mỏi.

Ở giai đoạn tiền phát, triệu chứng của bệnh viêm phế quản gần giống như viêm họng hoặc ho sốt thông thường. Vì vậy, bố mẹ thường nhầm lẫn và rất khó phát hiện bệnh viêm phế quản một cách sớm nhất có thể. Điều này khiến tình trạng bệnh của trẻ kéo dài và dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong.

Bé ho nhiều và kéo dài là dấu hiệu của bệnh viêm phế quản

Bé ho nhiều và kéo dài là dấu hiệu của bệnh viêm phế quản

3. Cách chăm sóc hiệu quả khi trẻ em bị viêm phế quản

Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh viêm phế quản ở trẻ em có thể chữa khỏi hoàn toàn. Khi con bị viêm phế quản, bố mẹ nên chăm sóc trẻ như sau:

– Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, tránh để con bị lạnh khiến bệnh viêm phế quản phát triển nặng hơn.

– Cho bé uống nhiều nước, có thể thay thế bằng nước ép hoa quả với những trẻ trên 1 tuổi. Còn với những bé dưới 1 tuổi, mẹ nên tăng cữ sữa cho con.

– Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên cho con bằng nước muối sinh lý.

– Khi bé sốt dưới 38,5 độ C, bố mẹ nên chườm ấm để con hạ sốt nhanh hơn. Trong trường hợp trẻ sốt trên 38, 5 độ C, bố mẹ nên đưa con đi khám và cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Khi con có dấu hiệu mắc bệnh viêm phế quản, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm

Khi con có dấu hiệu mắc bệnh viêm phế quản, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm

4. Chế độ dinh dưỡng phù hợp với những trẻ em bị viêm phế quản

Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, bố mẹ cũng phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của con. Mục đích là để đảm bảo sức khỏe và nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

4.1. Những loại thức ăn nên bổ sung khi trẻ em bị viêm phế quản

Khi trẻ mắc bệnh viêm phế quản, bố mẹ nên cho con ăn những loại thực phẩm sau:

– Các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như sữa, ngũ cốc, đậu phụ, trứng gà, sữa chua,…

– Hoa quả tươi và rau xanh chứa nhiều khoáng chất, các loại vitamin C, A, E như rau cải xanh, cà rốt, dâu tây, bí ngô,…

– Thức ăn mềm, dạng lỏng và dễ nuốt như cháo, canh, súp,…

– Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để tránh việc trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn trớ.

4.2. Những loại thức ăn không nên bổ sung khi trẻ em bị viêm phế quản

Khi trẻ mắc bệnh viêm phế quản, bố mẹ không nên cho con ăn những loại thực phẩm sau:

– Nước uống có gas và bánh kẹo ngọt.

– Đồ ăn nhanh và những món nhiều dầu mỡ như khoai rán, thịt chiên, gà chiên,…

– Những món ăn chứa hàm lượng muối cao và thực phẩm cay nóng như ớt, gừng, hạt tiêu,…

– Những loại trái cây có vị chua và chát như mận, khế, xoài,…

– Những loại đồ ăn được chế biến sẵn hoặc đóng hộp.

Tóm lại, trẻ bị viêm phế quản có thể khỏi bệnh hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, khi thấy con có những dấu hiệu bất thường của bệnh viêm phế quản, bố mẹ cần phải đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital