Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị chắp lẹo trẻ em

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Trần Bích Dung

Bác sĩ Chuyên khoa Mắt

Chắp lẹo trẻ em là căn bệnh có thể xảy ra ở mi dưới, mi trên ở 1 hoặc 2 mắt. Dấu hiệu là những ổ sưng đột ngột khu trú ở mi mắt. Sưng có thể lan tỏa gây cộm, ngứa, đau, nhức, vướng hoặc sụp mi nhẹ trong thời kỳ viêm cấp. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ với bố mẹ những kiến thức cơ bản về hai căn bệnh này.

1. Chắp lẹo mắt trẻ em là gì?

Lẹo mắt là một trong những căn bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Đây là bệnh viêm cấp tính thường do vi khuẩn gây ra hoặc một loại tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi. Có trẻ chỉ bị một vài lần rồi khỏi hẳn. Tuy nhiên, cũng có trẻ mọc mụn lẹo liên tiếp, khỏi lần này lại mọc đợt khác.

Với trẻ em, lẹo mắt là căn bệnh thường gặp vì các bé chưa có ý thức vệ sinh sạch sẽ. Tất cả các phản ứng của cơ thể trẻ đều là do phản xạ. Khi ngứa, trẻ em sẽ gãi và day dụi mắt nên dễ mắc các bệnh lý về mắt.

Chắp mắt ở trẻ em xuất hiện do sự tắc nghẽn của ống tuyến nhờn của mi mắt. Nhiều khi từ lẹo mắt có thể chuyển thành chắp. Đặc biệt là khi lẹo trong thoát lưu hoặc không được điều trị khỏi hoàn toàn, làm chèn ép lên các tuyến nhờn của mi mắt.

chắp lẹo trẻ em

Chắp lẹo là căn bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em

2. Dấu hiệu chắp và lẹo mắt ở trẻ em

2.1. Dấu hiệu lẹo mắt ở trẻ em

Khi bị lẹo mắt, ban đầu mi mắt của trẻ bị đỏ, sưng nhẹ, hơi đau và ngứa. Sau vài ngày, chỗ đau sẽ nổi lên 1 khối rắn to như hạt gạo. Lẹo thường mọc ở ngay bờ mi, hay dính chặt vào mi mắt. Sau khoảng 3 – 4 ngày, mụn lẹo sẽ mưng mủ và vỡ ra.

Lẹo mắt hình thành do có sự nhiễm trùng ở chân lông mi nên thường gây ra cảm giác đau và khó chịu. Vì có vị trí xuất hiện đặc trưng nên người ta thường gọi căn bệnh này là lẹo ngoài.

Ngoài ra, lẹo còn có thể xuất hiện ở bên dưới hoặc phía trong mi mắt. Trường hợp này xảy ra nếu một trong những ống tuyến nhờn bị nhiễm trùng. Trường hợp này được gọi là lẹo trong. Hơn nữa, lẹo mắt còn có thể xảy ra do sự viêm nhiễm lan rộng từ hiện tượng viêm bờ mi sẵn có.

2.2. Dấu hiệu chắp mắt ở trẻ em

Chắp mắt xảy ra là do có sự tắc nghẽn tuyến nhầy của mi mắt. Triệu chứng là xuất hiện một khối tròn nhỏ bị sưng đỏ ở mi mắt. Vị trí chắp mắt thường ở xa bờ tự do của mi hơn so với bệnh lẹo.

Chắp thường nằm ở mặt trong của mi mắt và ở trong đĩa sụn. Do đó, chỉ khi lật mi mắt, bác sĩ mới có thể thấy chắp, thậm chí là thấy đầu mủ trắng của chắp. Còn đa chắp là khi có rất nhiều đầu chắp ở trên 1 hoặc 2 mi mắt.

Khi bị chắp mắt, trẻ em thường gặp những triệu chứng như đau, đỏ, sưng mắt, khó chịu ở bề mặt kết mạc của mi mắt. Sau một vài ngày, chắp xẹp xuống chỉ còn lại khối tròn không đau. Khối tròn có thể lớn dần trên mi mắt tạo thành một khối màu đỏ xám bên dưới kết mạc.

chắp lẹo trẻ em

Sưng mi mắt là một trong những biểu hiện của bệnh chắp lẹo trẻ em

3. Cách điều trị chắp lẹo trẻ em an toàn và hiệu quả

Chắp và lẹo trẻ em thường tự biến mất sau một thời gian nếu được vệ sinh, chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu được điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh có thể biến mất nhanh hơn. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị phù hợp.

Nếu chắp và lẹo trẻ em ở giai đoạn sớm, các bác sĩ thường khuyên bố mẹ nên chườm ấm lên khu vực bị bệnh cho con. Sau khi chườm ấm, các bậc phụ huynh hãy xoa nhẹ nhàng khu vực xung quanh mụn lẹo, chắp để giúp thông ống dẫn bị tắc. Tuyệt đối không được cố gắng khơi chắp, mụn lẹo ra. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê cho trẻ các đơn thuốc mỡ kháng sinh, hoặc thuốc nhỏ mắt để bôi lên mép mi mắt trong trường hợp bé bị nhiễm trùng thứ phát.

Trong trường hợp chắp lẹo của trẻ không phản ứng với việc chườm ấm, bác sĩ có thể tiêm thuốc kháng sinh để ngăn chặn tình trạng viêm. Đồng thời, giúp khối u biến mất nhanh hơn (sau khoảng 1 hoặc 2 tuần).

Đôi khi, trẻ có thể sẽ phải tiêm mũi thứ hai. Nếu các mũi tiêm không đạt hiệu quả, mụn lẹo hoặc chắp rất lớn, gây biến dạng và làm ảnh hưởng đến thị lực của trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định cho bé chích chắp, lẹo bằng cách gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân.

chắp lẹo trẻ em

Bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám khi mắt con bị lên mụn lẹo hoặc chắp

4. Cách phòng ngừa bệnh chắp và lẹo cho trẻ em

Chắp, lẹo mắt là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Để phòng ngừa bệnh chắp và lẹo cho trẻ em, bố mẹ nên lưu ý những điều sau:

– Thường xuyên rửa tay sạch sẽ cho trẻ, đặc biệt là sau khi con chơi đồ chơi hay cầm nắm đồ ăn. Hạn chế để trẻ dụi tay bẩn lên trên mắt. Việc dụi tay lên mắt là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị chắp, lẹo hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng khác ở mắt.

– Nếu trẻ đủ lớn và có thể nghe hiểu, bố mẹ nên hướng dẫn và nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho con nghe về việc rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. Từ đó, giúp con hình thành thói quen giữ gìn sạch sẽ đôi bàn tay.

– Luôn đeo kính/trùm khăn kín cho trẻ khi trẻ đi ra ngoài đường. Đặc biệt là khi đi đến nơi có không khí ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, hoặc nơi đông người.

– Nhỏ nước muối sinh lý khi trẻ có dấu hiệu chảy nhiều ghèn, đỏ mắt để làm sạch sẽ. Vì nước muối sinh lý an toàn cho bé nên bố mẹ có thể nhỏ nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, cũng cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh gây ra các tác dụng phụ.

Chắp lẹo trẻ em hầu như không gây ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe của trẻ. Bố mẹ không nên quá lo lắng. Để bảo vệ đôi mắt trẻ tốt nhất, các bậc phụ huynh nên đưa con đến Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI để được bác sĩ Nhãn khoa thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital