Nguyên nhân gây viêm phế quản co thắt ở trẻ em

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Vào mùa đông, trẻ em thường mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản,… Trong đó, bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất thường hay gặp và có những ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đường hô hấp cũng như sức khỏe của trẻ.

Khái niệm bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em

Trẻ bị viêm phế quản co thắt có biểu hiện hắt xì giống cảm lạnh.

1. Viêm phế quản co thắt là gì?

Bệnh viêm phế quản co thắt hay bệnh co thắt phế quản là bệnh xảy ra khi đường hô hấp có tình trạng viêm nhiễm làm co thắt phế quản hay các tiểu phế quản. Từ đó, gây thu hẹp tạm thời lòng tuyến phế quản. Chất nhầy tăng lên, bít tắc đường thở, khiến trẻ khó thở, khò khè. Các chất nhầy được sinh ra nhiều làm cản trở lưu thông khí trong phổi.

2. Dấu hiệu trẻ mắc viêm phế quản co thắt

Bệnh viêm thắt phế quản có các biểu hiện gần tương đồng với bệnh hen phế quản. Bố mẹ có thể sớm phát hiện bất thường ở con bằng cách quan sát thấy con có các biểu hiện như sau:
– Sốt nhẹ, sốt cao dần
– Chảy nước mũi
– Hắt hơi nhiều
– Ho ít và tăng dần theo thời gian, có thể ho có đờm hoặc ho khan
– Thở khò khè, thở rít, có dấu hiệu co thắt lồng ngực khi bệnh nặng hơn
– Có thể nôn trớ sau bú hoặc sau cơn ho
– Trẻ quấy khóc nhiều hơn

Ngoài ra, một số triệu chứng cho thấy bệnh của con đã nghiêm trọng hơn và cần đến gặp bác sĩ ngay mà bố mẹ cần chú ý như:
– Sốt cao
– Ho dai dẳng không dứt
– Trẻ có biểu hiện thở nhanh, nông
– Đau rút ngực
– Chán ăn, bú kém hoặc bỏ bú
– Có dấu hiệu mất nước như khô miệng, tiểu ít hơn

Dấu hiệu bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em

Khi trẻ ho dai dẳng không dứt thì bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.

3. Nguyên nhân gây viêm phế quản

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là virus hợp bào RSV kèm theo tình trạng nhiễm khuẩn: phế cầu, tụ cầu,… Các loại vi khuẩn này sống kí dinh ở vùng mũi họng, chờ điều kiện thuận lợi để phát triển gây nên viêm nhiễm đường hô hấp. Ngoài ra, các loại siêu vi cũng có thể tấn công hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ em. Khi sức khỏe trẻ suy yếu, các loại siêu vi phát triển và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm.

Bên cạnh đó, có một số yếu tố làm gia tăng khả năng mắc viêm phế quản co thắt nói riêng và các bệnh đường hô hấp ở trẻ em nói chung như:
– Trẻ sinh non, cơ thể và hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh có nguy cơ cao mắc bệnh. Đặc biệt là thời điểm giao mùa, mùa lạnh, trẻ rất dễ ốm.
– Trẻ thừa cân có lượng mỡ lớn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và quá trình trao đổi khí
– Trẻ có cơ địa dị ứng khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như: nước hoa, phân hoa,…
– Người trong gia đình hoặc bản thân trẻ có tiền sử bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
– Sử dụng các loại thuốc như thuốc chống viêm, thuốc hạ huyết áp,…
– Lạnh ngực, nhiễm trùng đường hô hấp trên làm tăng nguy cơ mắc bệnh
– Tác nhân khói thuốc, khói bụi

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như đã đề cập, bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xác định nguyên nhân gây bệnh và có phác đồ điều trị chính xác nhất để bảo vệ hệ miễn dịch và đường hô hấp của con. Bệnh có thể tái phát nhiều lần, đặc biệt là vào các thời điểm nhạy cảm như giao mùa, mùa đông. Vì vậy, bố mẹ cần trang bị đủ kiến thức và bình tĩnh xử lý khi con bị bệnh.

4. Làm gì khi con bị viêm phế quản co thắt

Bệnh nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm có thể gây nên biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi, suy hô hấp. Việc điều trị bệnh tùy thuộc vào mức độ mắc bệnh. Nhìn chung, bệnh có thể được điều trị bằng các biện pháp như:
– Điều trị triệu chứng: dùng các loại thuốc hạ sốt, uống cách 4 – 6 giờ kết hợp kiểm tra nhiệt độ cơ thể thường xuyên. Để giảm triệu chứng đờm thì sử dụng các loại thuốc long đờm. Ngoài ra, trẻ cần được bù nước và điện giải để gia tăng đề kháng.
– Điều trị nguyên nhân: nếu trẻ được xác định mắc bệnh do virus thì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là dùng các loại thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng, phòng bệnh chuyển biến xấu. Nếu do vi khuẩn trẻ có thể được kê các loại kháng sinh. Bên cạnh đó, bố mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố gây hại như: lông động vật, môi trường khói bụi, khói thuốc,… và chú ý giữ ấm cho trẻ.
– Điều trị suy hô hấp: khi trẻ đã gặp biến chứng suy hô hấp, trẻ có thể được chỉ định thở oxy hỗ trợ. Bên cạnh đó có thể kết hợp dùng khí dung và các loại thuốc làm giãn phế quản.

Khi con bị viêm phế quản co thắt, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý không cho trẻ dưới 6 tuổi sử dụng bất cứ loại thuốc nào ngoài đơn kê của bác sĩ. Bố mẹ luôn đảm bảo giữ vệ sinh tay khi chăm sóc cho trẻ. Với trẻ từ 1 tuổi trở lên thì cho trẻ nằm ngủ ở tư thế thẳng, tránh nằm sấp gây áp lực cho đường hô hấp. Với trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên dùng gối khi ngủ. Bố mẹ hãy đảm bảo bù nước đầy đủ cho con bằng nhiều cách: uống oresol, uống nước, ăn hoa quả,… và đảm bảo con có đủ dinh dưỡng bằng cách ăn lỏng, chia nhiều bữa trong ngày.

Điều trị bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em như thế nào?

Bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời để có phương pháp điều trị bệnh dứt điểm.

5. Biện pháp phòng ngừa bệnh

Để phòng tránh bệnh, bố mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau:
– Vệ sinh mũi họng hàng ngày. Với trẻ đã lớn hơn, bố mẹ có thể chia sẻ và trò chuyện để con nhận thức được tầm quan trọng của việc này.
– Với trẻ chưa cai sữa, cần đảm bảo trẻ bú đủ và đảm bảo mẹ có đủ sữa cho con bú. Có thể xin ý kiến về loại sữa công thức phù hợp
– Với trẻ đã ăn dặm thì cần chú ý cung cấp đủ chất dinh dưỡng và phù hợp trong khẩu phần ăn
– Hạn chế cho trẻ đến những nơi khói bụi, nhiều khói thuốc
– Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà
– Sử dụng các loại máy lọc không khí hỗ trợ giữ môi trường sống sạch sẽ

Bố mẹ hãy chú ý đến con hơn trong những năm tháng đầu đời để đặt nền móng cho hệ miễn dịch tốt, sức khỏe vàng trong tương lai. Trên đây là những thông tin cơ bản nhất giúp bố mẹ có thể nâng cao nhận thức về căn bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em. Tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe của con được tốt nhất thì bố mẹ hãy cho con đi khám định kỳ, xin ý kiến bác sĩ về việc bổ sung các thực phẩm cũng như vitamin cho trẻ. bác sĩ Nhi TCI luôn sẵn sàng, có mặt hỗ trợ bố mẹ 24/24, bảo vệ sức khỏe con yêu vững bước đường tương lai.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital