Nguyên nhân gây loét dạ dày và cách phòng bệnh hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Phạm Thái Sơn

Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Tìm hiểu về nguyên nhân gây loét dạ dày giúp chúng ta chủ động hơn trong việc phòng bệnh đúng cách và hiệu quả. Viêm loét dạ dày tuy không phải bệnh lý quá nguy hiểm nhưng tuyệt đối không thể coi nhẹ mà chủ quan.

1. Bệnh loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là loại bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến hàng đầu, có thể gặp ở nhiều đối tượng không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Bệnh xảy ra khi thành dạ dày xuất hiện các tổn thương dạ viêm loét và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.

Viêm loét dạ dày sẽ phát triển theo 2 giai đoạn:

– Viêm loét thể cấp tính: Đây là giai đoạn khởi phát của bệnh khi các tổn thương còn nông, mức độ viêm loét nhẹ và chưa gây ra triệu chứng nặng hay biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Viêm loét cấp tính có thể tự lành nếu bệnh được phát hiện sớm và kịp thời được xử lý đúng cách.

– Viêm loét thể mạn tính: Đây là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm loét kéo dài lâu năm. Các tổn thương có xu hướng dần lan tỏa hoặc chỉ khu trú tại một vùng nhất định tại niêm mạc dạ dày. Viêm loét dạ dày mãn tính không thể tự khỏi, việc điều trị cũng tốn nhiều thời gian hơn. Trường hợp viêm loét nặng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viêm loét dạ dày

Loét dạ dày gây ra những triệu chứng khó chịu cho người bệnh như đau bụng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn hoặc nôn.

2. Nguyên nhân gây loét dạ dày

2.1. Vi khuẩn HP – nguyên nhân gây loét dạ dày hàng đầu

Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là loại vi khuẩn đặc biệt có thể xâm nhập, khu trú và phát triển trong lớp nhầy của thành dạ dày. Tại đây, trong quá trình sinh sống vi khuẩn HP có thể tiết ra loại độc tố có khả năng bào mòn lớp bảo vệ và lâu ngày khiến dạ dày bị tổn thương gây ra viêm loét.

Có tới khoảng 90% trong tổng số ca bệnh viêm loét dạ dày đến từ nguyên nhân vi khuẩn HP. Chính vì vậy, kiểm tra làm xét nghiệm HP dương tính là rất cần thiết để sớm phát hiện các bệnh lý liên quan.

2.2. Do sử dụng quá nhiều các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm

Các loại thuốc giảm đau, kháng viêm điển hình như ibuprofen, naproxen, diclofenac… có thể gây ức chế quá trình tổng nên prostaglandin – một loại chất có chức năng bảo vệ thành niêm mạc dạ dày. Điều này lý giải vì sao khi lạm dụng thuốc giảm đau kháng viêm trong thời gian dài thường gây ra các vấn đề về dạ dày và trong đó có viêm loét dạ dày.

Trường hợp loét dạ dày do sử dụng thuốc giảm đau thường gặp ở những đối tượng như người cao tuổi, người bệnh xương khớp,…

2.3. Loét dạ dày do ăn uống, sinh hoạt không được khoa học

Chế độ ăn thiếu chất xơ, quá nhiều chất béo hay ăn đồ ăn khó tiêu hóa khiến dạ dày thường xuyên phải làm việc quá tải. Bên cạnh đó những thói quen không lành mạnh như bỏ bữa, ăn uống không điều độ, hay ăn quá no hoặc quá đói,.. khiến hoạt động co bóp của dạ dày bị rối loạn dẫn tới tăng tiết dịch vị dạ dày. Lâu dần, dạ dày sẽ bị tổn thương và gây ra viêm loét từ đó.

2.4. Stress kéo dài cũng là nguyên nhân gây loét dạ dày

Những trạng thái như căng thẳng, mệt mỏi, buồn phiền, lo lắng, sợ hãi, tức giận,… xảy ra thường xuyên sẽ làm mất cân bằng chức năng cho dạ dày, làm tăng tiết dịch vị dạ dày. Từ đó, lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày sẽ bị tổn thương và lâu dần gây bệnh viêm loét

2.5. Hút thuốc lá và thói quen uống rượu bia nhiều

Trong thuốc lá có chứa nhiều nhóm chất độc hại khiến cơ chế bảo vệ dạ dày dần suy yếu và dễ bị tổn thương. Còn việc uống nhiều rượu bia sẽ làm các ổ loét có sẵn nặng thêm, lâu lành, đồng thời cũng kích thích tăng tiết axit và tạo thêm nhiều các vết loét mới.

Nguyên nhân gây loét dạ dày

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày.

3. Phòng viêm loét dạ dày đúng cách

Xuất phát từ chính những nguyên nhân gây bệnh để tìm cách phòng bệnh hiệu quả. Cụ thể như sau:

3.1. Phòng vi khuẩn HP

Phòng tránh nhiễm vi khuẩn HP cần chú ý từ chính môi trường sống và thói quen sinh hoạt hằng ngày của bạn:

– Ăn chín uống sôi.

– Sử dụng những thực phẩm tươi sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh.

– Chọn điểm ăn uống sạch sẽ, tránh hàng quán vỉa hè mất vệ sinh.

– Sử dụng nguồn nước sạch.

– Không sử dụng các thực phẩm quá hạn hay có dấu hiệu ẩm mốc, ôi thiu, lên mùi lạ, nhiễm khuẩn,…

– Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ khu vực sống, môi trường sống.

– Hình thành thói quen rửa tay, sát khuẩn tay thường xuyên.

3.2. Chế độ ăn khoa học

– Ăn đủ chất, tăng cường chất xơ và vitamin các loại từ rau xanh, hoa quả, các loại ngũ cốc,…

– Chọn đồ ăn dễ tiêu hóa, chế biến theo các công thức hạn chế dầu mỡ.

– Nên ăn các thực phẩm tốt tốt cho dạ dày như sữa chua, nha đam, nghệ, mật ong,…

– Tránh đồ ăn cay nóng, đồ ăn chua, đồ ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế bia rượu.

– Tránh nhóm thực phẩm làm tăng acid như hoa quả họ cam chanh, thực phẩm muối chua hoặc lên men (cà muối, dưa muối, mẻ, mắm tôm,…)

– Tránh nhóm thực phẩm dễ sinh hơi hoặc gây cảm giác chướng bụng như giá đỗ, hành hẹ, cần tây, nước ngọt có ga các loại,…

Phòng tránh loét dạ dày

Chế độ ăn giàu chất xơ tốt cho tiêu hóa và phòng tránh bệnh loét dạ dày hiệu quả.

3.3. Thực hiện lối sống nề nếp, điều độ

– Bỏ thuốc lá.

– Không lạm dụng hay phụ thuộc vào thuốc giảm đau.

– Xây dựng thói quen ăn uống nề nếp: Không bỏ bữa, ăn đúng giờ, ăn sáng đầy đủ, không nên ăn quá no hay để bụng bị quá đói trong thời gian dài, nên ăn chậm nhai kỹ,..

– Cân đối thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài.

– Không thức quá khuya.

– Tập thể dục điều độ, nên hình thành thói quen vận động thường xuyên.

3.4. Thăm khám chuyên khoa tiêu hóa

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, mỗi người từ 40 tuổi ngay cả khi không có triệu chứng nào cũng nên thăm khám chuyên khoa tiêu hóa 1-3 năm/1 lần. Trường hợp phát hiện các triệu chứng bệnh cần chủ động thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.

Lưu ý về các nguyên nhân gây loét dạ dày kể trên để có cách phòng tránh bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, người bệnh viêm loét dạ dày cần thực hiện thăm khám sớm bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh và lên phác đồ điều trị phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital