Nằm lòng kiến thức về khám sức khỏe nghề nghiệp

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Theo quy định của Nhà nước, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm tổ chức thăm khám sức khỏe nghề nghiệp định kỳ cho nhân viên. Việc này không những đem đến nhiều lợi ích cho người lao động mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, giữ chân “hiền tài”. Cùng tìm hiểu đầy đủ về khám sức khỏe công ty thông qua bài viết này!

1.Khám sức khỏe nghề nghiệp liệu có bắt buộc?

Trên thực tế, mỗi một công việc đều có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Vì vậy, Nhà nước từ lâu đã quy định về việc thăm khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên.

Cụ thể, tại điều 152 của Bộ luật lao động năm 2012 đã chỉ rõ:

  • Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tổ chức thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho nhân viên của mình, bao gồm cả nhân viên thực tập, học nghề. Riêng với đối tượng làm công việc năng nhọc, độc hại, người cao tuổi, khuyết tật,… phải được thăm khám ít nhất là 6 tháng 1 lần. Ngoài ra, lao động nữ phải được thăm khám thêm chuyên khoa phụ sản.
  • Nếu như môi trường làm việc có nguy cơ mắc các căn bệnh nghề nghiệp thì người lao động phải được khám bệnh nghề nghiệp. Trong trường hợp các cán bộ công nhân viên bị mắc bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn đủ khả năng làm việc thì cần bố trí công việc hợp lý.

Tại thông tư 19/2016/TT-BYT cũng quy định về các nội dung quản lý vệ sinh lao động tại các công ty, doanh nghiệp bao gồm: Khám sức khỏe định kỳ, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp định kỳ.

Như vậy, theo quy định mỗi năm người sử dụng lao động phải tiến hành tổ chức thăm khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ công nhân viên. Đây là quy định bắt buộc được Nhà nước ban hành để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Khám sức khỏe nghề nghiệp cho nhân viên

Theo quy định của Nhà nước, doanh nghiệp cần thăm khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên ít nhất 1 lần/năm

2. Lợi ích của việc thăm khám sức khỏe cho người lao động

Khám sức khỏe công ty là hoạt động thăm khám và đánh giá đầy đủ về tình trạng sức khỏe của người lao động được thực hiện bởi các bác sĩ và cơ sở y tế có uy tín. Hoạt động này mang lại nhiều lợi ích cho người lao động cũng như các tổ chức sử dụng lao động:

Lợi ích của khám sức khỏe nghề nghiệp

Khám sức khỏe định kỳ bảo vệ quyền lợi người lao động, đảm bảo lợi ích cho công ty

2.1 An toàn sức khỏe cho người lao động

  • Đối với người lao động, việc thăm khám sức khỏe định kỳ tại công ty giúp họ phát hiện toàn bộ các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là những vấn đề ít hoặc không có biểu hiện ra bên ngoài.
  • Có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp nếu vô tình phát hiện bệnh
  • Tạo niềm tin của người lao động đối với doanh nghiệp
  • Cải thiện chất lượng sống và hiệu quả công việc cho người lao động

2.2 Bảo vệ nguồn lực nhân sự cho công ty

Bên cạnh việc mang lại lợi ích cho người lao động thì hoạt động thăm khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên cũng mang lại không ít lợi ích cho doanh nghiệp:

  • Thể hiện trách nhiệm của tổ chức với người lao động
  • Thông qua kết quả khám sức khỏe ban lãnh đẹp sẽ biết được người lao động có đủ sức khỏe để thực hiện công việc hay không. Từ đó bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động nhằm nâng cao công suất việc làm.
  • Thu hút được nguồn nhân sự chất lượng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
  • Giảm chi phí y tế và các loại chi phí bồi thường cho người lao động

3. Khám sức khỏe cho doanh nghiệp là khám những gì?

Tùy thuộc vào từng đặc thù công việc của mỗi ngành nghề mà các doanh nghiệp sẽ lựa chọn các danh mục khám sức khỏe phù hợp. Thông thường các doanh nghiệp sẽ liên kết trực tiếp với đơn vị khám chữa để xây dựng danh mục khám dành riêng cho cán bộ công nhân viên của mình. Bên cạnh danh mục khám tổng quát, các công ty có thể lựa chọn những danh mục khám chuyên sâu để phát hiện các bệnh lý nghề nghiệp cho người lao động.

Danh mục khám sức khỏe nghề nghiệp

Danh mục khám sức khỏe cho nhân viên sẽ được xây dựng dựa trên đặc thù của doanh nghiệp

Dưới đây là danh mục khám dành cho người lao động bạn thường gặp:

3.1 Danh mục khám sức khỏe nghề nghiệp dành cho nam giới

  • Siêu âm ổ bụng tổng quát
  • Siêu âm tuyến giáp
  • Chụp X-Quang một số bộ phận: cột sống thắt lưng, cột sống cổ,…
  • Xét nghiệm mỡ máu
  • Xét nghiệm men gan và cấu trúc gan
  • Xét nghiệm chức năng thận
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm phát hiện viêm gan siêu vi B (HbsAg)
  • Điện tim

3.2 Danh mục khám sức khỏe nghề nghiệp đối với nữ giới

  • Siêu âm bụng tổng quát
  • Khám chuyên khoa phụ sản dành cho nữ giới đã lập gia đình
  • Siêu âm vú
  • Siêu âm tuyến giáp
  • Chụp X-Quang thắt lưng, cột sống cổ,…
  • Xét nghiệm chức năng thạn
  • Xét nghiệm mỡ máu
  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Xét nghiệm nhóm máu
  • Xét nghiệm Thinprep test
  • Xét nghiệm viêm gan siêu vi B
  • Xét nghiệm viêm gan C,…
  • Điện tim

Ngoài ra còn các doanh mục khám bắt buộc theo thông tư 14 dành cho người lao động bao gồm: Khám tổng quát, X-Quang phổi, Xét nghiệm công thức máu, đường máu, hoặc nước tiểu,…

4. Khám sức khỏe doanh nghiệp, người lao động cần chú ý gì?

Trước khi tham gia khám sức khỏe danh nghiệp người lao động cần lưu ý những điều sau:

  • Chuẩn bị và cung cấp đầy đủ những thông tin về tiền sử bệnh lý và các loại thuốc đang sử dụng cho bác sĩ
  • Nhịn đói ít nhất 8 tiếng trước khi tham gia xét nghiệm đường huyết, mỡ máu
  • Tuyệt đối không sử dụng trà, cà phê, bia rượu và các chất kích thích khi đi khám
  • 1h trước khi siêu âm ổ bụng, bạn cần uống nhiều nước và nhịn tiểu. Trong trường hợp bạn không thể nhịn được tiểu vui lòng liên hệ với đội ngũ nhân viên y tế để được hỗ trợ.
  • Nên sử dụng các trang phục thoải mái để thuận tiện nhất cho quá trình thăm khám
  • Không ngại trao đổi với bác sĩ trong quá trình thăm khám. Người lao động có thể hỏi bất kỳ thông tin gì về bệnh lý của mình để được đội ngũ bác sĩ giải đáp.
  • Riêng đối với nữ giới khi tham gia khám sức khỏe định kỳ tại công ty cần lưu ý: Xét nghiệm nước tiểu, Liqui-Prep hoặc PAP-s mear sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt từ 5 – 7 ngày. Việc này giúp đảm bảo kết quả được chính xác nhất.
  • Phụ nữ đang mang thai vui lòng không tham gia chụp X-Quang, tia X có thể gây hại cho sức khỏe thai nhi.

Khám sức khỏe nghề nghiệp không chỉ là quyền lợi của người lao động mà còn là trách nhiệm của công ty và mang lại vô vàn lợi ích cho cả 2 bên. Bởi lẽ lao động có khỏe thì doanh nghiệp mới mạnh, hãy chăm sóc sức khỏe định kỳ hàng năm cho cán bộ công nhân viên của mình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital