Kinh nguyệt rối loạn sau sinh có đáng lo ngại?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Không ít bà mẹ bỉm sữa gặp phải tình trạng kinh nguyệt rối loạn sau sinh do nội tiết tố chưa ổn định. Việc này gây hoang mang lo lắng cho các mẹ và ảnh hưởng không ít đến tâm lý sau sinh. Vậy rối loạn kinh nguyệt thời kỳ hậu sinh đẻ liệu có đáng lo ngại? Làm thế nào để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt sau sinh ở nữ giới?

1. Tình trạng kinh nguyệt không đều sau sinh liệu có phải là mối lo ngại?

Hiện tượng kinh nguyệt không đều sau sinh hay còn gọi là rối loạn kinh nguyệt là tình trạng mẹ không thấy có kinh nguyệt trở lại sau khi đã sinh con, hoặc chu kỳ kinh diễn ra một cách bất thường, tháng có tháng không, lượng máu kinh lúc ra ồ ạt, lúc lại rất ít, máu kinh có sự thay đổi về màu sắc.

Đây là hiện tượng sinh lý phổ biến và không đáng lo ngại. Sau sinh thường mẹ sẽ mất kinh tạm thời trong một thời gian nhất định. Trong vòng 2 – 4 tuần đầu sau sinh, âm đạo của sản phụ sẽ tiết ra dịch tiết hay còn gọi là sản dịch. Một số trường hợp có thể kéo dài thời gian sản dịch tới 45 ngày sau sinh.

Kinh nguyệt rối loạn sau sinh là hiện tượng không hiếm gặp ở các mẹ bỉm sữa

Kinh nguyệt rối loạn sau sinh là hiện tượng không hiếm gặp ở các mẹ bỉm sữa

Đối với những bà mẹ cho con uống sữa công thức, kinh nguyệt có thể quay trở lại trong vòng 2 – 3 tháng sau sinh. Trong khi đó, thời gian kinh nguyệt trở lại đối với những bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ kéo dài lâu hơn, có thể từ 6 – 8 tháng, thậm chí có người mất kinh cho đến tận khi cai sữa. Tuy vậy, ngay cả khi kinh nguyệt trở lại thì chu kỳ kinh vẫn chưa thể ổn định ngay được.

2. Nguyên nhân khiến mẹ sau sinh bị rối loạn kinh nguyệt

Các bà mẹ sau sinh con có thể có kinh trở lại sau 6 tuần vì khi đó cơ thể đã dần trở lại như trước khi mang bầu. Các hormon của cơ thể như progesteron, estrogen cũng bắt đầu hoạt động ở mức bình thường. Tuy nhiên không phải bà mẹ nào cũng sẽ có kinh nguyệt trở lại sau sinh mà còn phụ thuộc vào nhiều nguyên do như lượng hormon, việc cho con bú và thói quen sinh hoạt.

Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ có khả năng ức chế quá trình rụng trứng và làm chậm lại thời gian có kinh. Những phụ nữ cho con bú hoàn toàn có thể có kinh trở lại sau 6 – 8 tháng hoặc có thể muộn hơn.

Nguyên nhân khiến cho kinh nguyệt sau sinh không ổn định là do trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều sự thay đổi để nuôi dưỡng thai nhi và chuẩn bị cho việc sản xuất sữa mẹ sau sinh, tất cả những sự thay đổi này đều do sự xáo trộn hormone trong quá trình mang thai, và sau khi sinh con, cơ thể người mẹ vẫn chưa tự cân bằng lại được.

Bên cạnh đó, những căng thẳng áp lực từ việc chăm sóc con nhỏ, việc mẹ không đảm bảo được giấc ngủ sau sinh cũng gây nên tình trạng rối loạn hormone nội tiết, dẫn đến kinh nguyệt không đều đặn.

Ngoài ra, cũng không loại trừ nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt ở các mẹ xuất phát từ những bệnh lý phụ khoa. Bất kể là phụ nữ sinh thường hay sinh mổ thì sau khi em bé ra đời, cơ thể mẹ đều rất yếu và chưa thể hồi phục lại sức khỏe như ban đầu. Điều này đã tạo điều kiện để cho các vi sinh vật trong môi trường âm đạo phát triển, tấn công và gây viêm nhiễm phụ khoa. Khi vùng kín bị tổn thương thì biểu hiện thường gặp thấy nhất là hiện tượng kinh nguyệt bất thường.

Hiện tượng kinh nguyệt bất thường có thể báo hiệu các vấn đề liên quan đến bệnh lý phụ khoa

Hiện tượng kinh nguyệt bất thường có thể báo hiệu các vấn đề liên quan đến bệnh lý phụ khoa

Khi mắc các bệnh lý phụ khoa, mẹ nên chú ý đến khâu vệ sinh vùng âm đạo, có chể độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh khoa học để nâng cao hệ miễn dịch, đồng thời nên tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để giảm thiểu sự khó chịu và điều trị dứt điểm các bệnh lý.

3. Kinh nguyệt rối loạn sau sinh – Khi nào mẹ nên đến gặp bác sĩ?

3.1 Kinh nguyệt rối loạn sau sinh nên gặp bác sĩ khi nào?

Sau khi sinh con, mẹ cần một khoảng thời gian để cơ thể hồi phục lại như trạng thái bình thường. Tuy nhiên nếu sau từ 1 – 2 năm mà mẹ vẫn chưa thấy “bà dì” ghé thăm hoặc xuất hiện các dấu hiệu sau thì nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và tìm ra nguyên nhân:

– Chu kỳ kinh thất thường không đều đặn, tháng có tháng không

– Thời gian hành kinh quá dài hoặc quá ngắn, máu kinh bị vón cục, màu sắc nâu thẫm, lượng máu kinh ra ồ ạt hoặc ra rất ít.

– Cảm giác đau tức, khó chịu ở núm vú, đau quặn vùng thắt lưng và vùng bụng dưới mỗi khi đến kỳ kinh

– Khu vực âm đạo có hiện tượng ngứa rát, đỏ hoặc sưng tấy, xuất huyết bất thường, nhất là sau khi sinh hoạt tình dục.

3.2 Kinh nguyệt rối loạn sau sinh có ảnh hưởng đến sữa mẹ không?

Trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ, cơ thể mẹ sẽ giải phóng hormone prolactin, hormone này sẽ tạm thời trì hoãn quá trình rụng trứng. Khi mẹ bắt đầu cai sữa cho bé thì khi đó buồng trứng của mẹ sẽ hoạt động bình thường trở lại. Cũng có trường hợp, sự rụng trứng cũng chưa được “kích hoạt” ngay cả khi mẹ đã ngưng cho con bú. Vì vậy việc kinh nguyệt của mẹ không đều ở thời điểm cho con bú là hoàn toàn bình thường và không ảnh hưởng đến chất lượng cũng như số lượng sữa mẹ.

3.3 Làm gì để khắc phục kinh nguyệt rối loạn sau sinh?

Để khắc phục tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ sau sinh, mẹ có thể tham khảo các cách dưới đây:

– Xây dựng chế độ ăn uống và thời gian biểu làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tránh làm việc quá sức sau sinh.

– Mẹ có thể tham khảo một số bộ môn vận động nhẹ nhàng như yoga, vừa giúp tinh thần được thoải mái, vừa có tác dụng giảm cân hiệu quả sau sinh.

– Tránh xa các căng thẳng, stress, luôn giữ cho bản thân một tinh thần lạc quan tích cực. Mẹ có thể nói chuyện cùng chồng để chia sẻ việc nhà, giảm thiểu gánh lo, tránh rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh.

– Hạn chế lạm dụng thuốc tranh thai vì trong thành phần của thuốc tránh thai sẽ có nhiều tác dụng phụ gây rối loạn kinh nguyệt.

Lạm dụng thuốc tránh thai có thể gây rối loạn kinh nguyệt

Lạm dụng thuốc tránh thai có thể gây rối loạn kinh nguyệt

– Tuyệt đối không sử dụng các loại đồ uống có cồn, các chất kích thích, nước uống có gas trong thời gian cho con bú.

– Mẹ có thể tham khảo các thực phẩm chức năng giúp bổ sung nội tiết tố estrogen để điều trị rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên mẹ cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định sử dụng.

Rối loạn kinh nguyệt sau sinh nếu không đi kèm các dấu hiệu bất thường khác như viêm nhiễm âm đạo, ngứa rát vùng kín, đau khi quan hệ tình dục… thì không cần đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì đó có thể báo hiệu các bệnh lý nguy hiểm khác. Để không ảnh hưởng đến quá trình nuôi con cũng như sức khỏe sinh sản của mẹ, mẹ vẫn nên đi kiểm tra để loại trừ một số nguy cơ bệnh lý khác như rối loạn tuyến giáp hoặc ung thư đe dọa đến tính mạng.

Nếu mẹ đang tìm một địa chỉ y tế để khám phụ khoa cũng như kiểm tra những vấn đề liên quan đến chứng rối loạn kinh nguyệt sau sinh, mẹ hãy liên hệ tới hotline của Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI để được tư vấn cụ thể và chi tiết!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital