Kinh nguyệt không đều ở tuổi 20: Nguyên nhân, cách phòng ngừa

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Kinh nguyệt là hiện tượng chị em nào cũng sẽ gặp phải khi bước vào tuổi dậy thì. Vì kinh nguyệt được coi là thước đo khả năng sinh sản của chị em phụ nữ, cho thấy cơ quan sinh dục của chị em vẫn hoạt động bình thường. Vậy kinh nguyệt không đều ở tuổi 20 có đáng lo ngại hay không? Nguyên nhân và cách phòng ngừa tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20 là gì?

1. Dấu hiệu của tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi 20

Vòng kinh nguyệt lý tưởng nhất thường dao động trong khoảng từ 28 – 32 ngày. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa của từng chị em phụ nữ mà chu kỳ kinh nguyệt vẫn được coi là bình thường nếu rơi vào khoảng 22 – 35 ngày.

Dù ở bất kỳ độ tuổi nào thì nếu bị rối loạn kinh nguyệt, chị em cũng sẽ thấy những biểu hiện bên dưới đây:

– Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày

– Tổng lượng máu của một chu kỳ kinh nguyệt ít hơn 30ml hoặc nhiều hơn 80ml

– Số ngày hành kinh ít hơn 3 ngày hoặc nhiều hơn 7 ngày

– Máu kinh nguyệt có màu đen lẫn với cục máu đông

– Đau lưng, đau bụng, tụt huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu, buồn nôn

Nếu xuất hiện những dấu hiệu này, chứng tỏ các bạn đang gặp vấn đề rối loạn kinh nguyệt. Trong độ tuổi 20, những triệu chứng cho thấy một chu kỳ kinh nguyệt không đều cũng diễn ra như vậy. Do đó, các bạn nên đi khám phụ khoa để tìm ra nguyên nhân và được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Kinh nguyệt không đều ở tuổi 20 là tình trạng nhiều bạn gái gặp phải

Kinh nguyệt không đều ở tuổi 20 là tình trạng nhiều bạn gái gặp phải

2. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20

Về cơ bản, những nguyên nhân dẫn tới tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20 không giống với trong giai đoạn đầu dậy thì. Lúc này, sự ảnh hưởng của những yếu tố khách quan và chủ quan có thể dẫn tới biến động của chu kỳ kinh nguyệt.

2.1. Do nguyên nhân chủ quan

Nguyên nhân chủ quan là do chính chúng ta gây ra cho sức khỏe của mình. Tự bản thân chúng ta có thể nhìn nhận và thay đổi những yếu tố chủ quan theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Những yếu tố chủ quan gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi 20 bao gồm:

– Thói quen sinh hoạt không khoa học như thiếu ngủ, thức khuya, lười vận động sẽ khiến quá trình trao đổi chất cũng như hệ thống sản sinh nội tiết tố nữ trong cơ thể của chị em bị mất cân bằng, gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20.

– Cơ thể của chị em cần những dưỡng chất như khoáng tố vi lượng, vitamin, axit béo omega 3 để kích thích buồng trứng sản xuất ra hormone nội tiết tố nữ estrogen. Khi chế độ ăn uống bị mất cân bằng, nội tiết tố nữ của chị em không được sản xuất đủ sẽ gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều.

– Áp lực từ thi cử, học hành và công việc hàng ngày gây căng thẳng kéo dài gây tâm lý mệt mỏi, lo âu, ảnh hưởng tới nội tiết tố nữ ở bên trong cơ thể, gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20.

– Thói quen dùng các chất kích thích như uống rượu bia, nước ngọt có ga, đồ uống chứa caffein, hút thuốc lá,… sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sản xuất hormone nội tiết tố nữ và làm rối loạn tới nội tiết tố nữ trong cơ thể.

– Tác dụng phụ của các loại thuốc trị hen suyễn, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc đông máu,… cũng có thể ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt của các bạn gái trong độ tuổi 20.

2.2. Do nguyên nhân khách quan

Khác với những nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan là những vấn đề xảy ra ngoài mong muốn của các bạn gái. Tự chúng ta không thể thay đổi được tình trạng này mà cần phải nhờ tới sự can thiệp của y khoa. Chẳng hạn như việc bỗng nhiên mắc phải một số bệnh lý nào đó gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20, bao gồm:

– Hội chứng buồng trứng đa nang: Có 10 – 20% bạn gái ở độ tuổi sinh sản mắc phải hội chứng này. Đây cũng là căn bệnh gây nguy cơ vô sinh hiếm muộn cao trong số những căn bệnh phụ khoa. Triệu chứng điển hình của hội chứng buồng trứng đa nang là mọc nhiều lông, vô kinh, béo phì, mụn trứng cá,…

– U xơ tử cung: Là sự xuất hiện của những khối u lành tính do sự tăng trưởng của các sợi cơ và mô tại tử cung. U xơ dưới niêm mạc tử cung có thể gây ra tình trạng rong kinh và chảy máu âm đạo nhiều.

– Bệnh viêm vùng chậu: Là bệnh phụ khoa do nhiễm trùng ở ống dẫn trứng, cổ tử cung hoặc buồng trứng. Dấu hiệu điển hình của căn bệnh viêm vùng chậu là rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, khung chậu bị tụ máu khiến lượng máu kinh nguyệt lúc ra ít, lúc ra nhiều.

– Suy tuyến giáp, cường giáp: Hormone tuyến giáp có khả năng chi phối hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Khi hệ thống tuyến giáp bị trục trặc thì buồng trứng không tiết ra đủ lượng hormone estrogen và progesterone gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt hoặc vô kinh.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20

3. Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20 ảnh hưởng tới các bạn gái như thế nào?

Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20 không chỉ gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các bạn gái mà còn là biểu hiện cảnh báo chị em đang mắc phải một số căn bệnh phụ khoa. Do đó, các bạn gái ở độ tuổi 20 cần phải đặc biệt lưu ý tới tình trạng sức khỏe của mình khi kinh nguyệt không đều.

3.1. Ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của các bạn gái

Máu kinh nguyệt chảy ra quá nhiều sẽ khiến vùng kín của các bạn gái thường xuyên ở trong trạng thái ẩm ướt. Điều này khiến chị em cảm thấy vô cùng khó chịu và bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí điều này còn khiến các bạn gái cảm thấy không thoải mái ngay cả trong việc đi đứng. Đây chính là một trong những thủ phạm khiến các bạn gái bị giảm chất lượng công việc.

3.2. Gây mất máu hoặc thiếu máu

Kinh nguyệt là tình trạng chảy máu do sự rụng trứng gây ra. Trong các chu kỳ kinh nguyệt này, cơ thể của các bạn gái sẽ bị mất đi một lượng máu. Khi máu kinh nguyệt chảy ra nhiều, các bạn gái sẽ bị mất nhiều máu, dẫn tới tình trạng thiếu sắt và thiếu máu. Với những trường hợp này, các bạn gái thường bị suy nhược, mệt mỏi kèm theo các dấu hiệu khác như chóng mặt, hoa mắt, dễ bị ngất xỉu, lả,… Trong một vài trường hợp hiếm, bị mất máu nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

3.3. Gây ra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa

Vùng kín dính máu và ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm men sinh sôi, phát triển. Đặc biệt là khi máu kinh nguyệt chảy nhiều hoặc kéo dài thì sự thuận lợi này được nhân lên. Trong thời gian có kinh, nếu các bạn gái không vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách thì đây sẽ là cơ hội để các dạng viêm nhiễm phát triển, bắt đầu ở những bộ phận bên ngoài như âm đạo, âm hộ rồi sau đó lây nhiễm lên buồng trứng, tử cung, đe dọa sức khỏe sinh sản của các bạn gái.

Để phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa, các bạn gái trong độ tuổi 20 nên thay băng vệ sinh khoảng 3-4 tiếng/ lần, nếu máu kinh nguyệt chảy ra nhiều thì thời gian thay băng vệ sinh cần được rút ngắn hơn.

3.4. Tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý khác

Kinh nguyệt chảy nhiều đôi khi chỉ là do nội tiết tố hoặc tâm trạng của các bạn gái quá căng thẳng. Tuy nhiên đôi khi lại là biểu hiện của các bệnh lý khác. Những căn bệnh là thủ phạm gây ra hiện tượng này là u xơ tử cung, đa nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, polyp tử cung, ung thư cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung,… Trong những trường hợp này, kinh nguyệt chảy ra nhiều thực sự là nỗi lo ngại lớn, ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe sinh sản của các bạn gái.

Khi bị rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20 các bạn gái nên tới bệnh viện để thăm khám

Khi bị rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20 các bạn gái nên tới bệnh viện để thăm khám

4. Cách điều trị tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20

4.1. Tập thể dục thể thao và chế độ ăn uống

Chế độ tập thể dục và ăn uống khoa học sẽ giúp các bạn gái ở độ tuổi 20 có một cơ thể khỏe mạnh và cân nặng ở trong tầm kiểm soát. Vì vậy, các bạn nên:

– Tập thể dục thể thao thường xuyên với những bộ môn nhẹ nhàng như chạy bộ, đi bộ, khiêu vũ, yoga, đạp xe,…

– Hạn chế ăn đồ ăn vặt, nhiều gia vị và dầu mỡ

– Ăn đủ 3 bữa/ ngày và không bao giờ được bỏ bữa hay ăn uống quá kiêng khem.

– Uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh, trái cây

4.2. Duy trì một lối sống lành mạnh và khoa học

– Đi ngủ sớm và dậy sớm để luôn trong trạng thái tinh thần và thể chất tốt nhất

– Nếu căng thẳng kéo dài, các bạn gái nên học cách ngồi thiền để xoa dịu tâm trí của mình

– Đừng một mình gánh vác quá nhiều việc vì nó sẽ khiến các bạn cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Do đó, các bạn nên học cách san sẻ và từ chối khi cần thiết

– Không uống bia rượu hay sử dụng chất kích thích

Khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ có thể kịp thời phát hiện ra những bất thường nếu có.

Hy vọng bài viết của chúng tôi trên đây đã giúp các bạn hiểu rõ thêm về tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi 20. Để đảm bảo sức khỏe và khả năng sinh sản, các bạn nên đi khám phụ khoa ngay khi có dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 20 nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital