Khi bị viêm bờ mi kiêng gì cho nhanh khỏi?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Viêm bờ mi là bệnh lý ở phần mi mắt không quá nguy hiểm. Bên cạnh việc đi khám để được chẩn đoán, phát hiện bệnh và có chỉ định điều trị cụ thể từ bác sĩ, người bệnh cũng nên tự chăm sóc mắt đúng cách tại nhà. Việc chăm sóc mắt, thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống không tốt khi đang mắc bệnh sẽ hạn chế kích ứng tại mắt cũng như giúp mắt nhanh hồi phục và khỏi bệnh. Vậy khi bị viêm bờ mi kiêng gì cho nhanh khỏi bệnh?

1. Viêm bờ mi mắt và nguyên nhân gây bệnh

Viêm bờ mi mắt là tình trạng viêm biểu bì tại mi mắt, gây ảnh hưởng lớn đến mi mắt với các biểu hiện cụ thể như chảy nước mắt, đỏ mắt, cảm giác cộm như có sạn ở bên trong mắt, mi mắt sưng đỏ và rất ngứa.

viêm bờ mi kiêng gì

Mắt bị viêm bờ mi điển hình

Bệnh này có thể xảy ra ở mọi đối tượng ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên theo thống kê, người trẻ thường mắc bệnh này nhiều hơn so với người cao tuổi và có những yếu tố cũng làm tăng nguy cơ viêm bờ mi mắt như:

– Nhiều gàu và bong da do viêm da tiết bã

– Có vấn đề ở tuyến bã nhờn của mi mắt

– Sử dụng thuốc có tác dụng phụ gây rối loạn tuyến bã tại mi mắt

Viêm bờ mi mắt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân ví dụ như: cơ địa, nhiễm khuẩn, dị ứng… Trong đó thường gặp nhất là viêm bờ mi mắt do khuẩn tụ cầu, nấm…

Về lâm sàng, bệnh viêm bờ mi có nhiều hình thái khác nhau:

– Viêm đỏ bờ mi: đây là hình thái nhẹ của viêm bờ mi với biểu hiện mi đỏ lên, có ít tiết tố, có vảy khô, bệnh nhân chỉ cảm thấy vướng nhẹ, chưa quá khó chịu.

– Viêm bờ mi rụng vảy: biểu hiện là bờ mi đỏ hơn, đóng nhiều vảy, tiết tố bám dính tại bờ mi, bờ mi không có dấu hiệu loét.

– Viêm loét bờ mi: là hình thái viêm bờ mi nặng, bệnh rất dai dẳng, ở tình trạng này, bờ tự do của mi bị sưng đỏ rõ, hiện tượng phù sau đó dẫn đến vết loét, có nhiều tiết tố bám dính và rụng lông mi.

2. Phương pháp thăm khám và chẩn đoán viêm bờ mi

– Kiểm tra triệu chứng, bệnh sử của bệnh nhân và tình trạng sức khỏe hiện tại của mắt cũng như mí mắt đang bị bệnh là bước đầu tiên khi được thăm khám. Dựa vào các kết quả có được sau khi đánh giá trực quan, các bác sĩ nhãn khoa có thể chỉ định người bệnh thực hiện thêm một số thủ thuật xét nghiệm viêm mí mắt như:

– Khám mắt với đèn khe slit-lamp với mục đích tìm kiếm các dấu hiệu giúp bác sĩ xác định chính xác loại viêm bờ mi bệnh nhân đang mắc phải.

– Lấy mẫu bệnh phẩm (là chất nhờn hoặc ghèn tích tụ trên lông mi người bệnh) để xét nghiệm chuyên sâu. Kết quả phân tích có thể cho thấy có hay không sự hiện diện của vi khuẩn, nấm mi mắt hoặc các chất gây dị ứng khiến tình trạng viêm xảy ra tại đây.

Bác sĩ sẽ dựa trên các kết quả chẩn đoán trên để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng và mức độ bệnh của từng trường hợp.

3. Chăm sóc khi bị viêm bờ mi tại nhà

3.1 Viêm bờ mi kiêng gì khi chăm sóc để không gây kích ứng?

Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị viêm bờ mi như bác sĩ đã kê, người bệnh điều trị viêm bờ mi mắt cần hạn chế một số thói quen không tốt trong sinh hoạt để tránh khiến vùng mi mắt bị bệnh kích ứng hơn:

– Tránh thức khuya, ngủ ít

– Hạn chế nhìn quá lâu vào màn hình máy tính hoặc thiết bị điện tử khác

viêm bờ mi kiêng gì

Hạn chế nhìn quá lâu vào màn hình máy tính hoặc thiết bị điện tử khác

– Tránh nhìn thẳng vào các nguồn sáng hoặc những nơi có ánh sáng mạnh

– Hạn chế đưa tay lên mắt, nhất là khi tay không được vệ sinh sạch

– Không dụi mắt hoặc lau mắt quá mạnh

– Đeo kính khi di chuyển bên ngoài để tránh khói, bụi làm ảnh hưởng đến đôi mắt

3.2 Những việc nên làm khi chăm sóc mắt viêm bờ mi

– Làm sạch bờ mi mắt đều đặn nhiều lần trong ngày

Người bệnh nên dùng gạc sạch hay tăm bông sạch để thấm nước muối sinh lý và nhẹ nhàng chà sạch bờ mi sau đó có thể lau lại bằng gạc thấm nước sạch để làm sạch tiết tố và bụi bẩn đọng tại mắt.

– Đắp gạc ấm lên mắt để làm sạch da chết

Sử dụng miếng gạc sạch nhúng vào nước ấm nóng rồi đắp lên mắt ít nhất 1 phút. Thực hiện khoảng 2 – 3 lần/ ngày sẽ giúp dễ dàng làm tróc những bã nhờn và gàu vảy bám quanh lông mi và làm loãng những tiết chất có dầu ở tuyến nhờn. Vì thế tránh được biến chứng lên chắp ở mắt hay viêm tuyến sinh lẹo.

– Massage cho mắt thường xuyên

Massage cho mi mắt nên được thực hiện ngay sau khi đã đắp gạc ấm được khoảng 10 phút, việc này sẽ giúp loại bỏ dịch nhờn từ tuyến bã tiết ra.

– Tăng tần suất chớp mắt

Động tác chớp mắt có khả năng thúc đẩy tuyến nhờn bờ mi hoạt động ổn định. Để hỗ trợ khắc phục và giảm nguy cơ viêm mí mắt nặng hơn, các bác sĩ khuyến khích người bệnh nên dành thời gian để chớp mắt bốn lần mỗi ngày, mỗi lần chớp từ 20 – 30 lần.

4. Viêm bờ mi kiêng gì?

Theo các bác sĩ nhãn khoa, thức ăn và thực phẩm bổ sung hàng ngày cũng có ảnh hưởng lớn đến quá trình hồi phục của bệnh nhân bị viêm bờ mi mắt. Bên cạnh những thực phẩm tốt cho mắt, nhiều dinh dưỡng hỗ trợ thị lực thì cũng có một số loại thực phẩm người bị bệnh cần hạn chế ăn. Vậy bệnh nhân đang điều trị viêm bờ mi kiêng gì khi ăn uống để đạt hiệu quả hồi phục tốt nhất?

4.1 Viêm bờ mi kiêng gì khi ăn uống?

– Các loại thịt đỏ mang tính nóng

Các loại thực phẩm có tính nóng như thịt chó, thịt dê,…rất không tốt cho mắt, dễ khiến mắt bị kích ứng, nhất là khi mắt đang trong giai đoạn nhạy cảm như viêm bờ mi.

– Các loại gia vị cay, nóng

Gia vị cay nóng như tiêu, ớt, hành hẹ, kinh giới… không tốt cho sức khỏe mắt và chúng sẽ gây ra hiện tượng nóng rát, khiến tình trạng viêm, sưng trở nên trầm trọng hơn.

– Các loại hải sản dị ứng

Trả lời cho câu hỏi “viêm bờ mi kiêng gì khi ăn uống?” không thể bỏ qua các loại thuỷ hải sản như cá, tôm, cua,…vì có thể làm tăng tiết chất histamin gây khó chịu, ngứa và khiến mắt bị sưng nhức, đau âm ĩ dai dẳng.

– Gạo nếp và các thực phẩm từ nếp

Những món ăn được nấu từ nếp như chè, xôi,… có thể khiến cho tình trạng sưng và các vết loét tại mi mắt trở nên nghiêm trọng hơn nên cần kiêng rất ĩ khi đang điều trị bệnh.

– Rượu bia và chất kích thích

Việc uống bia, rượu hay đồ uống có nhiều cồn khi đang viêm bờ mi sẽ khiến mắt bị đau nhức dai dẳng, ngoài ra còn gây hiện tượng lắng đọng sorbitol ở thủy dịch vô cùng nguy hiểm. Bên cạnh đó nó còn có thể làm suy giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị đang sử dụng.

– Các thực phẩm nhiều đường

Các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga,… tích trữ lượng đường lớn sẽ khiến cho vết thương tại mi mắt bị nhiễm trùng nặng nề hơn, kéo dài thời gian lành bệnh.

4.2 Những thực phẩm nên bổ sung khi bị viêm bờ mi

– Bổ sung Omega-3

Omega-3 không chỉ có tác dụng kháng viêm mà còn có khả năng làm ổn định chức năng hoạt động của tuyến nhờn nơi bờ mi. Người bệnh có thể bổ sung Omega-3 cho cơ thể qua thực phẩm ăn hàng ngày hoặc thực phẩm bổ sung.

viêm bờ mi kiêng gì

Bổ sung Omega-3 trong quá trình điều trị viêm bờ mi giúp bệnh hồi phục tốt hơn

– Các thực phẩm giàu vitamin và các chất chống oxy hóa

Các loại vitamin A, C, E là những loại được đánh giá là rất tốt cho quá trình phục hồi chức năng mắt. Chúng giúp làm giảm sự sưng tấy, kháng viêm và tăng sức đề kháng chung cho cơ thể một cách hiệu quả.

– Các thực phẩm có tính mát

Những thực phẩm có tính mát như rau củ quả, trái cây, nước ép,… cung cấp nhiều vitamin và chất dinh dưỡng cho cơ thể, đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng viêm sưng diễn ra, từ đó thúc đẩy quá trình chữa bệnh diễn ra nhanh hơn.

– Uống nhiều nước

Người bị viêm bờ mi thường bị khô mắt, việc bổ sung đủ nước cho cơ thể cũng có thể làm giảm tình trạng này, giúp mắt đỡ khó chịu trong quá trình điều trị.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn trả lời được câu hỏi “viêm mi mắt kiêng gì?” để có thể chăm sóc mắt đúng cách cũng như đẩy nhanh tốc độ lành bệnh và hồi phục.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital