Chào bạn,
Theo WHO năm 2018, ung thư dạ dày ở Việt Nam đứng thứ 4 sau ung thư gan và ung thư phổi với hơn 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong lớn là do hơn 90% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy tầm soát sớm ung thư dạ dày là phương pháp giúp phòng ngừa ung thư hiệu quả.
Ung thư dạ dày rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về dạ dày khác, chính vì vậy bạn cần chú ý. Nếu xuất hiện những dấu hiệu sau hãy tham gia tầm soát ung thư sớm nhất để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình:
– Xuất hiện các cơn đau từng đợt ngày càng trở nên trầm trọng và không có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù đã sử dụng thuốc
– Đầy bụng sau khi ăn đi kèm với cảm giác khó chịu, buồn nôn
– Ợ nóng
– Phân có lẫn máu
– Chán ăn, khó nuốt
– Sụt cân thất thường
– Bụng đau trướng, đặc biệt là vùng trên rốn
– Căng thẳng, mệt mỏi
Ngoài ra, ung thư dạ dày không phân biệt độ tuổi, giới tính tuy nhiên nếu nằm trong những đối tượng dưới đây bạn nên tham gia tầm soát định kỳ hàng năm:
– Có người trong gia đình mắc ung thư tiêu hóa hoặc các bệnh ung thư tiêu hóa như: thực quản, đại tràng,…
– Người thường xuyên mắc các vấn đề liên quan đến dạ dày
– Người có thói quen sử dụng nhiều đồ muối, đồ nướng và những thực phẩm bảo quản có chất lượng kém
– Người thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu bia
– Những bệnh nhân mắc viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm chuyển sản ruột,…
– Người có tiền sử gia đình mắc polyp tuyến có tính chất gia đình(FAP); mắc hội chứng Lynch; hội chứng Peutz-Jeghers; hội chứng Juvenile polyposis.
Nếu thuộc những đối tượng này hoặc xuất hiện các dấu hiệu ở trên bạn nên tham gia tầm soát ung thư dạ dày càng sớm càng tốt. Chúc bạn nhiều sức khỏe!