Hóc dị vật là tai nạn có thể gặp ở mọi đối tượng, phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ và người già.
1. Hóc dị vật thường được chia thành 2 loại: Hóc dị vật đường thở và hóc dị vật đường tiêu hóa trên. Mỗi tình huống lại có những biểu hiện khác nhau:
– Dị vật đường tiêu hóa trên: Dị vật thường là các xương động vật (xương gà, vịt, cá, chim..), các dị vật trong đời sống sinh hoạt (tăm tre, đinh, đồng xu…) hay các khối thức ăn dạng cơ gân. Dị vật thường ở họng, amidan, hạ họng. Người bị hóc dị vật thường thấy cổ họng đau rát, vướng víu và nuốt khó, có thể nôn, chảy nước dãi nhiều. Ở tình trạng nặng hơn, vùng da đầu, mặt cổ bị đỏ ứng và chuyển dần sang tái nhợt.
– Dị vật đường thở: Khi dị vật đi vào đường thở, các biểu hiện thường gặp là: đột ngột ho sặc sụa, khó thở, mặt mũi tím tái nhanh chóng. Trầm trọng hơn, người hóc dị vật có thể ngừng thở hoặc rơi vào trạng thái hôn mê.
2. Để phòng tránh hóc dị vật, bạn hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây:
– Đối với trẻ nhỏ: Không cho trẻ chơi các đồ vật tròn nhỏ (như bi, các loại hạt lạc, đỗ…), kẹo, xúc xắc… vì trẻ có thể cho bất kỳ thứ gì vào miệng, mũi, tai gây hóc. Không để trẻ vừa ăn vừa chơi hoặc xem tivi.
– Đối với người lớn: Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ. Cẩn trọng việc ăn uống sau khi sử dụng rượu bia. Không vừa ăn vừa nói chuyện hoặc vừa ăn vừa uống, đặc biệt là khi ăn các loại thực phẩm có xương. Không ngậm tăm sau khi ăn.
– Đối với người già: Cần chú ý cẩn thận khi ăn các món khó nhai, nhiều chất xơ, món ăn có nhiều xương nhỏ.
– Chế biến thức ăn phù hợp với lứa tuổi để tránh nguy cơ gây hóc.