Chào bạn,
Phần bụng dưới của phụ nữ chứa nhiều cơ quan có vai trò quan trọng đối với cơ thể như: ruột già, một phần ruột non, cơ quan sinh sản, hệ tiết niệu. Cơn đau phần bụng dưới có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
1. Viêm ruột thừa: Đau nhói bụng dưới bên phải, đau âm ỉ liên tục, kèm với triệu chứng buồn nôn, sốt, đôi khi có tiêu chảy. Người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
2. Do rụng trứng (thường xảy ra vào ngày giữa của chu kì kinh nguyệt): Quá trình rụng trứng thường sẽ kèm theo máu lẫn các chất dịch khiến niêm mạc thành bụng chịu kích thích và gây ra những cơn đau. Những cơn đau này sẽ nhanh chóng biến mất khi thời kỳ rụng trứng qua đi.
3. Hội chứng tiền kinh nguyệt: Sự thay đổi hormone ở nữ giới có thể gây ra các cơn đau vùng bụng dưới, đồng thời gây mụn trứng cá, nhức đầu, tính tình thất thường.
4. Mang thai ngoài tử cung: Gây đau vung chậu, chậm kinh hoặc thấy ra máu âm đạo bất thường (không trùng chu kỳ kinh như bình thường, số lượng ít, màu nâu đen…), buồn nôn, chóng mặt. Người bệnh cần gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.
5. U nang buồng trứng: Do sự phát triển bất thường của hormone hoặc các tế bào trong buồng trứng. U nang buồng trứng gây đau vùng bụng dưới bên trái hoặc bên phải kéo dài, giảm cân,…
6. U xơ tử cung: Các u xơ phát triển ở thành tử cung gây chèn ép dẫn đến các cơn đau vùng bụng dưới rốn, đau lưng, rối loạn kinh nguyệt,…
7. Lạc nội mạc tử cung: Mô nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung, có thể xuất hiện ở buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, ruột và các bộ phận khác. Bệnh gây đau vùng chậu, đặc biệt là ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt.
8. Nhiễm trùng đường tiết niệu: So sự tấn công của vi sinh vật, gây đau vùng bụng dưới, đi tiểu đau buốt và hay tiểu mót. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm thận, nhiễm khuẩn huyết,…
9. Các nguyên nhân khác như: các bệnh lây qua đường tình dục, đau do sa tạng, đau do sẹo sau khi phẫu thuật ở vùng bụng,…
Để xác định chính xác nguyên nhân gây đau bụng dưới, bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh mà bạn đang gặp phải.