Cường giáp là hội chứng tuyến giáp hoạt động quá mạnh. Tình trạng này gây ra bởi nhiều nguyên nhân như: bệnh Basedow, viêm tuyến giáp, bướu nhân độc tuyến giáp, bướu cổ,…
Tuyến giáp tác động đến sự chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng tới nhiều hệ cơ quan như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, não bộ… Do đó hội chứng này có nhiều dấu hiệu toàn thân, điển hình là:
– Nhịp tim nhanh: Thường hơn 100 nhịp một phút, tim loạn nhịp hoặc đánh trống ngực. Người bệnh luôn cảm thấy bồn chồn, lo lắng và thậm chí là khó thở.
– Giảm cân: Người bệnh sút cân ngay cả khi ăn uống ngon miệng, chế độ ăn uống vẫn bình thường hoặc thậm chí tăng khẩu phần.
– Giảm khả năng vận động: Cường giáp tác động xấu lên cơ bắp, gây mệt mỏi, yếu sức, làm giảm sức lao động và vận động.
– Căng thẳng, khó tập trung: Người bệnh có thể gặp phải những cơn khó chịu và kích động mà không có nguyên nhân; dễ bị trầm cảm và lo âu, ngủ không ngon giấc.
– Đau nhức cơ bắp và khớp xương, nhiều người bệnh còn bị run tay và các ngón tay với biên độ run nhỏ nhưng tần số nhanh.
– Đổ mồ hôi nhiều hơn kể cả khi ngủ hoặc khi không vận động.
– Gặp vấn đề về đường ruột: rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
– Phì đại tuyến giáp: cảm giác cổ to ra, có dấu hiệu bị bướu cổ (khác với bướu cổ do thiếu iot). Đôi khi người bệnh nghe thấy tiếng thổi mạnh tại tuyến giáp.
– Nồng độ cholesterol bất thường.
– Có thể gây rối loạn kinh nguyệt đối với phụ nữ.
Nếu không được điều trị kịp thời, cường giáp có thể gây ra các biến chứng gồm: các vấn đề tim mạch (tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim, suy tim…); vấn đề mắt (đỏ, sưng mắt, nhạy cảm với ánh sáng, lồi mắt, giảm thị lực…); loãng xương; cường giáp cấp đe dọa tính mạng…
Nếu gặp phải các triệu chứng liên quan đến cường giáp, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị.