Chào chị Dung, tôi xin phép được trả lời câu hỏi của chị như sau:
Hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ đường trong máu giảm đột ngột xuống mức thấp (dưới 3,9mmol/l hay <70mg/dl).
Bình thường não của bạn cần khoảng 25% lượng glucose (đường) để duy trì các hoạt động. Khi lượng đường trong máu giảm, não bộ bắt đầu có những rối loạn.
Các biểu hiện của hạ đường huyết gồm:
– Cảm giác bị đói, run rẩy, đổ mồ hôi
– Chóng mặt
– Tim đập nhanh, mạnh
– Lờ đờ, buồn ngủ
– Mất ý thức, hôn mê trong trường hợp người bệnh bị hạ đường huyết nặng.
Hạ đường huyết ít gặp ở những người bình thường, nhưng phổ biến ở người có tiền sử đái tháo đường. Theo thống kê, khoảng 50% người bị đái tháo đường có khả năng hạ đường huyết trong quá trình điều trị.
Như vậy các biểu hiện mệt mỏi, vã mồ hôi, chân tay bủn rủn, hoa mắt,…của chị Dung, có thể do tụt huyết áp hoặc hạ đường huyết. Chị nên đi thăm khám với bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác.
Khi bị hạ đường huyết, chị tuyệt đối không được chủ quan vì hạ đường huyết mà không được xử trí kịp thời, hiệu quả có thể dẫn tới nguy cơ tổn thương não không hồi phục.
Trong trường hợp bị hạ đường huyết thì nên xử trí như sau:
– (Đặt người bệnh) ngồi xuống, nghỉ ngơi tại chỗ và kiểm tra ngay chỉ số đường huyết.
– Bổ sung tối thiểu 15g đường bằng các cách như hòa tan với nước ấm hoặc 1 ly sữa ấm có đường, sau đó có thể ăn thêm 4 – 5 miếng bánh quy; 1 vài viên kẹo ngọt…..
– Sau 15 phút đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn thấp, cần tiếp tục bổ sung từ 15g – 20g đường nữa và gọi sự trợ giúp từ cơ sở y tế hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay.
– Gọi cấp cứu trong trường hợp: người bệnh mê man, lú lẫn, mất ý thức. Lúc này nên để người bệnh nằm nghiêng, không cho ăn uống bất cứ thứ gì để tránh gây nghẽn đường thở.
Hi vọng những tư vấn trên đã phần nào giúp chị Dung hiểu về hạ đường huyết, các dấu hiệu của hạ đường huyết và cách xử trí. Nếu có thắc mắc xin vui lòng liên hệ với Hệ thống Y tế Thu Cúc theo số 1900558892 hoặc đến trực tiếp chuyên khoa Nội tiết của Thu Cúc TCI được thăm khám.