Chào bạn!
Với câu hỏi của bạn tôi xin được giải đáp như sau:
Viêm tai giữa là bệnh thường gặp trong bệnh lý về tai, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em – đứng hạng thứ 2 chỉ sau bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên (Upper respiratory infection – URI).
– Cứ 3 trẻ thì có 2 trẻ mắc ít nhất một đợt viêm tai giữa khi trẻ 1 tuổi
– Khoảng 20 triệu lượt khám bệnh viêm tai giữa hàng năm
– Tỷ lệ lưu hành viêm tai giữa cấp tính là 17-20% trong 2 năm đầu đời
– Một phần ba trẻ em trải qua sáu đợt viêm tai giữa trở lên khi 7 tuổi
– Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở cả 2 giới trong độ tuổi từ 6-18 tháng tuổi
Viêm tai giữa định nghĩa là bất kỳ tình trạng viêm nào của tai giữa với nhiều thể lâm sàng diễn tiến theo thời gian, căn nguyên, triệu chứng và dấu hiện thực thể như : viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa thanh dịch, viêm tai giữa mạn tính.
– Viêm tai giữa cấp tính khởi phát đột ngột, rầm rộ với những biểu hiện cấp tính như đau tai, chảy mủ tai, tiêu chảy, sốt, cáu gắt, khó chịu, chán ăn.
– Viêm tai giữa thanh dịch: thường theo sau những đợt viêm tai giữa cấp. Bệnh diễn tiến âm thầm và không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Khi diễn tiến kéo dài mà không phát hiện, điều trị kịp thời sẽ tiến đến viêm tai giữa mạn tính ít nhất sau 6 tuần với biểu hiện chảy mủ tai dai dẳng, ù tai thường xuyên kèm giảm thính lực,…
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm tai giữa có thể biến chứng nguy hiểm như sau:
– Nghe kém (dẫn truyền hoặc tiếp nhận)
– Thủng màng nhĩ
– Viêm xương chũm cấp và mãn tính
– Cholesteatoma
– Liệt mặt
– Viêm mê đạo
– Xẹp nhĩ, xơ màng nhĩ
– Biến chứng nội sọ: viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên…