Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Hệ thống Y tế Thu Cúc. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:
Tật khúc xạ là hiện tượng ánh sáng từ vật không truyền đến võng mạc (ở trước hoặc ở sau hoặc nhiều điểm trên võng mạc) dẫn đến hình ảnh của vật sẽ bị mờ, chúng ta sẽ nhìn không rõ được vật.
Tật khúc xạ hiện nay là một trong những bệnh phổ biến ở mắt, có 03 loại: Cận thị, Viễn thị, Loạn thị, trong đó tật cận thị chiếm hơn 70% tật khúc xạ ở trẻ em (Việt Nam).
Đây là tình trạng bất thường khi mắt hội tụ ảnh của vật trên võng mạc. Các tật khúc xạ được phát hiện và đo bằng nhiều phương pháp khác nhau như đo bằng máy đo khúc xạ tự động, soi bóng đồng tử… Mắc tật khúc xạ nặng sẽ làm giảm thị lực hay khả năng nhìn của mắt.
Để giảm thiểu nguy cơ bị tật khúc xạ, cũng như giảm điều tiết mắt dẫn đến việc tăng độ, cần phải:
– Thay đổi thói quen đọc: khoảng cách hợp lý là đặt sách, vở, thiết bị nhìn cách mắt từ 30cm.
– Thời gian nhìn gần không quá dài (cho mắt nghỉ ngơi mỗi 20 – 30 phút).
– Nên sử dụng ánh đèn vàng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên.
– Ăn uống đầy đủ chất (đặc biệt vitamin A).
– Khám và kiểm tra mắt định kỳ mỗi 6 tháng tại các cơ sở chuyên khoa mắt, đặc biệt ở trẻ em, học sinh, sinh viên, nhằm phát hiện sớm tật khúc xạ, cải thiện tầm nhìn, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các biến chứng cho mắt.
Trong trường hợp của con bạn, có thể tật khúc xạ còn nhẹ không ảnh hưởng đến khả năng nhìn xa hay nhìn gần. Như vậy cháu không cần điều trị gì, chỉ cần theo dõi. Bác sỹ sẽ cho kính đeo để điều chỉnh tật khúc xạ trong trường hợp tật khúc xạ có ảnh hưởng đến thị lực của cháu.