Đối với trường hợp bỏng nước sôi, bạn cần tiến hành sơ cứu như sau:
– Bước 1: Nhanh chóng dùng nước thường và sạch để giảm nhiệt vùng bỏng. Đặt vùng bỏng dươi vòi nước chảy trong khoảng 15 – 20 phút. Việc này sẽ giúp vết bỏng được dịu bớt đau rát, giảm sưng, giảm độ sâu của vết bỏng và làm sạch vùng bị bỏng, tránh các viêm nhiễm.
– Bước 2: Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giày dép, trang sức, quần áo ở vùng bị bỏng trước khi vết thương sưng nề.
– Bước 3: Dùng gạc vô khuẩn hoặc miếng vải sạch băng vùng bị bỏng lại, tránh để vết bỏng tiếp xúc với bụi bẩn.
– Bước 4: Nết vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, thì sau một thời gian chăm sóc tại nhà, da vùng bỏng có thể tự liền lại. Tuy nhiên nếu vết bỏng ở diện tích rộng, nặng hơn (rộng hơn 6 – 10cm, hoặc vết bỏng trên mặt, ở những vị trí khớp quan trọng như vai, đầu gối, bàn tay, bàn chân, phần kín…) thì sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa người bị bỏng đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Khi xử trí trường hợp bị bỏng nước sôi, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:
– Tuyệt đối không dùng kem đánh răng bởi nó có chứa kiềm. Nếu bôi vào vùng da bị bỏng, kiềm trong kem đánh răng sẽ làm tăng mức độ đau rát, làm vết bỏng ăn sâu vào các tổ chức bên trong gây nhiễm trùng.
– Không đắp các loại mỡ, trứng gà, muối, thuốc lá đông y không rõ nguồn gốc,… vào vết bỏng khi chưa rửa sạch, vì có thể gây nhiễm khuẩn tại vùng da đó, gây khó khăn trong việc điều trị.
– Tuyệt đối không chọc vỡ các bọng nước hay làm trượt loét vết bỏng vì dễ gây nhiễm trùng.
– Không nên cố lấy bỏ các dị vật dính vào vùng bỏng.