Ho do trào ngược dạ dày: Cần làm gì để khắc phục?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Ho do trào ngược dạ dày không phải dấu hiệu điển hình của GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản), nhưng lại có đến 25% trường hợp bị ho mãn tính có nguyên nhân do bệnh lý này. Trên thực tế, những cơn ho kéo dài không chỉ xuất phát từ chứng trào ngược mà còn cảnh báo tình trạng bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn.

1. Vì sao trào ngược dạ dày gây ho ở người bệnh?

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch vị dạ dày, bao gồm: axit dạ dày, thức ăn, men tiêu hoá,… trào ngược lên thực quản. Ho gây ra do trào ngược dạ dày hầu hết đến từ nguyên nhân axit dạ dày bị đẩy vào thực quản, khiến cơ thể sinh ra phản ứng ho để bảo vệ các cơ quan khác tránh bị tổn thương. 

Trào ngược dạ dày chiếm vai trò trong ít nhất 25% các nguồn gốc của các trường hợp ho mạn tính

Trào ngược dạ dày chiếm vai trò trong ít nhất 25% các nguồn gốc của các trường hợp ho mạn tính

Để giải thích cho vấn đề này, có hai cơ chế được đưa ra bao gồm: thần kinh cơ và loại bỏ chất kích thích trong đường hô hấp. Cụ thể:

Cơ chế thần kinh cơ: Diễn ra khi dịch vị axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản có nguy cơ tràn sang phổi. Lúc này cơ chế phản xạ nằm ở đường hô hấp dưới được kích hoạt khiến cơ thể ho để axit không đi vào phổi. 

Cơ chế loại bỏ chất kích thích trong đường hô hấp: Một phần axit bị trào ngược từ dạ dày lên thực quản có thể đọng lại và nhỏ vào mạng lưới đường thở bên trong phổi. Để loại bỏ chất kích thích, đồng thời đẩy dị vật ra ngoài, phản ứng ho được cơ thể kích hoạt.

2. Biểu hiện ho do trào ngược dạ dày 

Trào ngược dạ dày gây ho có nhiều điểm khác với các cơn ho do các vấn đề liên quan đến đường hô hấp nên người bệnh cần lưu ý để tránh nhầm lẫn và có sự chủ động trong phát hiện bệnh. Cụ thể:

– Ho do trào ngược dạ dày thường có đờm. Tuy nhiên, không kèm theo hen suyễn hoặc chảy dịch mũi.

– Ho dễ xảy ra ở tư thế nằm vào ban đêm hoặc sau ăn. Một đợt ho do trào ngược có thể kéo dài 8 tuần/ đợt.

– Khi người bệnh chụp X-Quang phổi không cho thấy tổn thương thực thể. 

– Ho thường đi kèm ợ nóng, ợ chua, khản tiếng, đau vùng thượng vị,… (dấu hiệu đặc trưng của GERD)

Trong tư thế nằm, lượng acid chảy từ dạ dày sang thực quản đủ nhiều có thể gây ho vào ban đêm

Trong tư thế nằm, lượng acid chảy từ dạ dày sang thực quản đủ nhiều có thể gây ho vào ban đêm

3. Ho do trào ngược dạ dày có gây nguy hiểm?

Ho do trào ngược dạ dày dễ bị nhầm lẫn thành các cơn ho thông thường nên thường được phát hiện muộn. Trên thực tế, nếu không điều trị kịp thời, bệnh hoàn toàn có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng khó lường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Trường hợp không được điều trị, trào ngược dạ dày gây ho nhiều có thể dẫn đến một số bệnh nguy hiểm sau đây:

– Ho mãn tính: Ho do trào ngược trong thời gian dài không được chẩn đoán và điều trị chính xác có thể tiến triển thành ho mãn tính rất khó trị dứt điểm.

– Gây viêm họng: Mỗi lần người bệnh bị trào ngược, dây thanh quản sẽ bị tác động bởi một lượng axit nhất định khiến cho cơ quan này bị phù nề, viêm sưng gây tình trạng viêm họng. Viêm lâu ngày thậm chí có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng hơn là viêm họng hạt.

– Viêm thực quản: Axit bị đẩy lên thực quản và ho đờm nếu không được kiểm soát có thể gây tổn thương nghiêm trọng niêm mạc thực quản, thậm chí hình thành sẹo làm thu hẹp thực quản.  

– Khó thở do ho kéo dài: Trào ngược dạ dày gây ho trong thời gian dài có thể gây ra viêm phổi suyễn, viêm phế quản, giãn phế quản,… Người bệnh lúc này rơi vào tình trạng khó thở, thở rít, nhịp tim giảm, nghiêm trọng nhất có thể ngừng thở.

– Ho ra máu (thường là máu lẫn trong đờm): Hiện tượng cảnh báo biến chứng loét thực quản. Một số trường hợp khác có biểu hiện phân dính máu.

4. Người bệnh bị trào ngược dạ dày gây ho cần phải làm gì?

4.1 Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt giúp giảm ho do trào ngược dạ dày 

Hạn chế ăn các đồ chế biến sẵn, đồ ăn cay, chua, nóng, nhiều dầu mỡ…. Đồng thời ngừng việc sử dụng các loại đồ uống như rượu bia, trà đặc, nước có gas có thể kích thích tiết nhiều axit tại dạ dày…

Bổ sung các thực phẩm tốt cho tiêu hoá như rau củ, trái cây, ngũ cốc, đồ ăn luộc, hấp… Đặc biệt có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày, nên ăn chậm, nhai kỹ để tránh áp lực lên dạ dày cũng như giảm áp lực lên thực quản.

Người bệnh cũng nên có biện pháp sắp xếp thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng quá độ trong thời gian dài. 

Bên cạnh đó nên duy trì tập thể dục vừa sức ít nhất 30 phút mỗi ngày và không nên vận động quá mạnh hay nằm ngay sau khi ăn.

4.2 Chữa ho do trào ngược dạ dày bằng các bài thuốc dân gian 

Bài thuốc dân gian với gừng

Các nghiên cứu cho thấy trong gừng có các hoạt chất chống viêm, kháng khuẩn có thể giúp kiểm soát hoặc giảm nguy cơ gây ho. Người bệnh dùng gừng để chữa ho do trào ngược dạ dày bằng cách rửa sạch gừng tươi, nướng trên lửa cho đến khi cháy xém vỏ ngoài. Tiếp đó giã nát và đun sôi với nước và uống khi còn ấm. Cách này sẽ khiến các cơn ho dịu lại. Bạn cũng có thể chế biến nước gừng kết hợp với các nguyên liệu như mật ong, sả, chanh…để dễ uống mà vẫn cho hiệu quả tốt.

Xử lý ho do trào ngược dạ dày nhờ trà gừng

Xử lý ho do trào ngược dạ dày nhờ trà gừng

Bài thuốc dân gian với lá hẹ

Lá hẹ có tác dụng tốt trong làm thuyên giảm các triệu chứng đường hô hấp như ho, viêm họng nhờ tính ấm và có các thành phần chứa các loại kháng sinh như Allicin, Sulfit, Odorin…giúp ngăn chặn các vi khuẩn gây bệnh. 

Người bệnh dùng lá hẹ rửa sạch, cắt khúc 2-3cm và hấp cùng với mật ong trong khoảng 15 phút. Có thể thay thế mật ong bằng đường phèn và kết hợp với gừng cũng mang lại hiệu quả tương tự. Phương pháp cần sử dụng từ 1-2 lần/ ngày để thấy được hiệu quả. 

Các phương pháp dân gian được coi là an toàn với hầu hết mọi người, nhưng có những trường hợp có thể bị dị ứng. Người bệnh trước khi áp dụng nên có sự tham khảo và tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.

4.3 Điều trị bằng thuốc tây

Trường hợp trào ngược dạ dày gây ho đờm xảy ra với tần suất thường xuyên và kéo dài hơn, đặc biệt sau khi sử dụng các biện pháp dân gian mà không thuyên giảm, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị bằng phác đồ phù hợp. Một số loại thuốc có thể được sử dụng cho người bệnh bị ho do trào ngược có thể bao gồm: thuốc kháng axit, thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc kháng thụ thể H2, thuốc long đờm, tiêu đờm, giảm ho.

Ho do trào ngược dạ dày có thể là một triệu chứng thầm lặng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, người bệnh ngay khi nghi ngờ bất kỳ triệu chứng bệnh nào, cần thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị hiệu quả. Tại Thu Cúc TCI, Chuyên khoa Tiêu hóa là chuyên khoa mũi nhọn đã điều trị thành công cho hàng ngàn bệnh nhân gặp các vấn đề, trong đó có trào ngược dạ dày thực quản gây ho. Liên hệ ngay với chúng tôi qua số 1900 5588 92 hoặc 0936 388 288 để được hỗ trợ và đặt lịch khám sớm nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital