Hiểu đúng về khái niệm khám tầm soát ung thư

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh ung thư đang ngày càng phổ biến và có dấu hiệu trẻ hoá dần. Tuy nhiên, việc tầm soát ung thư vẫn chưa được nhiều người chú trọng dẫn đến việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và bỏ lỡ “thời gian vàng” trong việc điều trị. Cùng tìm hiểu rõ hơn về khái niệm tầm soát ung thư để thấy được tầm quan trọng của nó nhé.

1. Tổng quát chung về khám tầm soát ung thư

1.1. Khái niệm khám tầm soát ung thư

Khám tầm soát ung thư là áp dụng các thủ thuật, phương pháp y tế vào việc hỗ trợ phát hiện sớm các tế bào trong cơ thể bị tổn thương, các bệnh lý ác tính dựa trên biểu hiện bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm kéo dài cuộc sống và giảm tỷ lệ tử vong do phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Tế bào ung thư trong cơ thể

Tế bào ung thư trong cơ thể

Tầm soát ung thư là biện pháp giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ung thư, tiêu diệt mầm mống tổ chức ung thư khi chưa kịp di căn và xâm lấn ra xung quanh các cơ quan khác hoặc chưa có biểu hiện ra bên ngoài. Việc phát hiện sớm và kịp thời loại bỏ các tế bào gây ung thư gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh thành công lên đến 90%, kéo dài tuổi thọ của người mắc bệnh, giảm chi phí điều trị và không ảnh hưởng đến các chức năng khác.

Vì vậy, bước khám tầm soát này là việc làm cần thiết và thiết yếu đối với mỗi người dù đang trong trạng thái khỏe mạnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao. Theo các chuyên gia y tế và các bác sĩ khuyến cáo, việc kiểm tra và sàng lọc ung thư cần được thực hiện ít nhất 2 năm/lần, theo định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ đang đọc kết quả và tư vấn cho khách hàng

Bác sĩ đang đọc kết quả và tư vấn cho khách hàng

Đối tượng cần tầm soát ung thư: Theo Bộ Y tế, mỗi người dân đều nên có ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân. Thông thường, khám sàng lọc và tầm soát ung thư nhắm vào đối tượng có triệu chứng của bệnh hoặc dễ mắc ung thư.
  • Đối tượng càng lớn tuổi nguy cơ mắc ung thư càng cao, tầm từ 40 – 50 tuổi nên đi khám kiểm soát ung thư.
  • Những đối tượng có người thân trong gia đình từng mắc bệnh ung thư do yếu tố di truyền thường có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
  • Đối với phụ nữ trung niên (30 – 40 tuổi) tỷ lệ mắc ung thư vú rất cao, đặc biệt là phụ nữ thừa cân, thời kỳ mãn kinh.
  • Người trẻ tuổi hiện nay cũng rất dễ mắc ung thư đại tràng, dạ dày do chế độ ăn uống không điều độ, thất thường.

1.2. Phân biệt khám tầm soát ung thư và khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khoẻ định kỳ: là khám tổng thể, khái quát về tình trạng sức khỏe của bản thân, được các bác sĩ tư vấn và sàng lọc kết quả thông qua quá trình thăm khám bệnh, nhằm tìm ra những thương tổn bên trong cơ thể hoặc các bệnh lý, để từ đó đưa ra phương thức điều trị hợp lý, chuẩn xác. Khám sức khỏe định kỳ là bước vô cùng quan trọng nếu muốn bảo vệ sức khỏe và phòng chống các bệnh tật có thể gây biến chứng lâu dài, có nguy cơ trở thành bệnh mãn tính.

Sàng lọc phát hiện, tầm soát ung thư sớm:thực hiện các xét nghiệm đặc biệt nhằm phát hiện ra mầm mống ung thư, hoặc khi khối u còn rất nhỏ, khuyến khích thực hiện ở những người chưa có dấu hiệu, vì khi người bệnh có dấu hiệu, thường là khi ung thư đã lây lan sang các mô lân cận, và cơ hội điều trị không còn tốt như giai đoạn đầu.

2. Gói khám tầm soát ung thư bao gồm những gì?

Danh mục khám của tầm soát ung thư:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: để cho ra các chỉ số tìm chất chỉ điểm ung thư
  • Chẩn đoán hình ảnh: bằng phương pháp chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính CT, chụp MRI, siêu âm
  • Thăm dò chức năng: Nội soi đường tiêu hóa (gồm thực quản, dạ dày, trực tràng, đại tràng)…

Bác sĩ tiến hành siêu âm ổ bụng

Bác sĩ tiến hành siêu âm ổ bụng

Dưới đây là một số ung thư phổ biến thường gặp ở Việt Nam thường được nhiều người lựa chọn sàng lọc và tầm soát.

  • Ung thư vú: Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao, nên đi chụp X-quang tuyến vú định kỳ để kiểm soát và phòng ngừa các tế bào ung thư vú có cơ hội phát triển.
  • Ung thư cổ tử cung: loại ung thư thường xảy ra với phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào, nên đi tầm soát ung thư 1 năm/lần.
  • Ung thư đại trực tràng: sử dụng phương pháp nội soi để tìm ra các tế bào gây ung thư
  • Ung thư phổi: thường xảy ra đối với những đối tượng hay hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm, đa phần là ở nam giới.
  • Ung thư tuyến tiền liệt: nam giới từ 40 tuổi trở lên nên đi tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.

3. Vai trò của khám tầm soát ung thư

3.1. Tầm quan trọng của khám tầm soát ung thư

Theo thống kê từ Viện nghiên cứu phòng chống ung thư tại Việt Nam, có hơn 68.000 ca mắc ung thư mới vào năm 2000, năm 2010 con số lên đến 126.000 ca và dự kiến 190.000 vào năm 2020. Số người chết vì ung thư tăng lên chóng mặt và nguyên nhân chủ yếu do người bệnh quá chủ quan sức khỏe, phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, dẫn đến việc điều trị trở nên khó khăn. Do đó, tầm soát ung thư là việc làm thiết yếu và cần được khuyến khích đẩy mạnh.

Khám sàng lọc ung thư giúp phát hiện chất chỉ điểm gây ung thư sớm, từ đó người bệnh sẽ chủ động trong việc điều trị, diệt tận gốc bệnh, tránh nguy cơ di căn nặng và giúp tiết kiệm chi phí chữa trị. Đồng thời, người bệnh cũng có tâm lý thoải mái hơn khi khám chữa bệnh.

khám tầm soát ung thư

Khách hàng đang chụp X-quang vùng ngực

3.2. Một số thông tin lưu ý khi khám tầm soát ung thư tại bệnh viện

Để có 1 buổi thăm khám nhanh chóng và hiệu quả nhất, chúng ta cần lưu ý 1 số vấn đề dưới đây:

  • Nên nhịn ăn và không uống nước ngọt, cà phê, rượu bia, các chất có gas, chất kích thích…trong vòng 12 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm máu và siêu âm.
  • Không nội soi khi đang trong thời kỳ kinh nguyệt (đối với nữ)
  • Không quan hệ tình dục trước khi thăm khám được diễn ra (đối với nữ)
  • Trước khi tiến hành siêu âm, nên uống nhiều nước và nhịn tiểu

Với những thông tin mà chúng tôi cung cấp, hy vọng các bạn đã nắm rõ toàn bộ thông tin về bước khám tầm soát ung thư và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital