Điều trị hiện tượng khò khè ở trẻ em

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ, hiện tượng khò khè đã không còn quá xa lạ. Trẻ có thể bị khò khè khi thay đổi thời tiết hoặc khò khè do bệnh lý mạn tính. Đây là triệu chứng bất thường của đường hô hấp rất thường gặp, có thể gặp ở mọi trẻ. Nhiều phụ huynh cho rằng nó không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng thực tế, hiện tượng khò khè ở trẻ em có thể lại là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm hoặc cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, bố mẹ hãy trang bị đầy đủ kiến thức về hiện tượng này để có cách xử lý kịp thời.

Dấu hiệu hiện tượng khò khè ở trẻ em

Khò khè là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

1. Khò khè là gì?

Theo thống kê, có tới 25 – 30% trẻ sơ sinh sẽ gặp hiện tượng khò khè 1 lần, ở tuổi lên 4 thì tỷ lệ là 40% và gần về mốc 50% khi trẻ ở mốc 6 tuổi. Tiếng khò khè có điểm tương đồng với tiếng ngáy nhưng nhẹ hơn, bố mẹ có thể áp sát tai vào ngực trẻ hoặc lắng nghe ở khoảng cách gần. Khi thăm khám, hiện tượng khò khè ở trẻ em được phát hiện rõ ràng hơn khi sử dụng ống nghe. Trẻ thường phát ra tiếng khò khè khi thở ra, khi hít vào thì tiếng khò khè nhỏ hơn, khó phát hiện hơn. Đây là dấu hiệu của việc trẻ đang hô hấp rất khó khăn, nhiều trẻ có dấu hiệu gắng sức thở. Bố mẹ cần lưu ý phân biệt tiếng khò khè với tiếng nghẹt mũi do cảm cúm. Trẻ bị khò khè thoáng qua khi trời trở lạnh, tiếp xúc với phấn hoa, động vật,… thường rất dễ bị bỏ qua. Chỉ khi cơn khò khè kéo dài, có dấu hiệu ảnh hưởng lớn đến hô hấp mới được điều trị.

2. Nhận biết hiện tượng khò khè

Bố mẹ có thể nhận biết khò khè qua các triệu chứng đặc trưng như dưới đây:
– Trẻ khò khè có thể có kèm theo đờm hoặc không đờm. Vì vậy, bố mẹ đừng chủ quan khi thấy con chỉ khò khè mà không thấy có đờm.
– Nhiều trẻ có dấu hiệu ngạt mũi, sổ mũi
– Trẻ ăn kém, bỏ ăn, hay quấy khóc
– Trẻ thở nhanh hơn
– Nghe thấy tiếng khò khè dễ hơn khi trẻ thở ra. Tiếng khò khè nặng khi hít vào báo động trẻ đã mắc bệnh lý hô hấp nặng hơn.
– Phập phồng cánh mũi, ngực
– Sốt khi trẻ đã bị nhiễm trùng

Mọi dấu hiệu bệnh đều trở nên nặng nề hơn khi trẻ tiếp tục tiếp xúc với tác nhân dị ứng, khói bụi hoặc khói thuốc lá.

Nguyên nhân gây nên hiện tượng khò khè ở trẻ em

Khói thuốc là nguyên nhân và làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh hô hấp.

3. Nguyên nhân gây khò khè ở trẻ

Bệnh hen suyễn, hen phế quản là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng khò khè ở trẻ nhỏ. Trẻ em dưới 18 tháng tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Trẻ bị khò khè khi đường thở bị hẹp hoặc tắc nghẽn vì một nguyên nhân nào đó. Không khí đi qua đường thở chật hẹp này nhanh và gấp gây nên tiếng khò khè đặc trưng. Trẻ em dễ mắc khò khè hơn bởi phế quản của nhóm đối tượng này hẹp hơn người lớn.

Trẻ cũng có thể bị khò khè bởi một số nguyên nhân như:
– Hít phải dị vật, tác nhân gây dị ứng
– Trẻ có dị tật bẩm sinh ở phế quản, thanh quản
– Trào ngược dạ dày thực quản
– Bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi do virus hợp bào hô hấp. Đặc biệt phổ biến với trẻ dưới 6 tháng tuổi.
– Chứng khó nuốt mãn tính khiến trẻ dễ nuốt thức ăn vào phổi
– Suy tim

4. Điều trị chứng khò khè ở trẻ

Tuy là hiện tượng thường gặp nhưng không có nghĩa nó vô hại. Bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi trẻ có các dấu hiệu dưới đây:
– Ngay lập tức gặp bác sĩ khi trẻ dưới 3 tháng tuổi bị khò khè
– Khò khè kèm theo các dấu hiệu tím môi, thay đổi màu da nhợt nhạt hơn, thở nhanh, co rút ngực, khóc không thành tiếng, mệt mỏi li bì
– Khò khè kéo dài trên 4 tuần

Đến bệnh viện, trước tiên, bác sĩ tiến hành chẩn đoán để xác định nguyên nhân khiến trẻ bị khò khè:
– Thăm khám qua các triệu chứng lâm sàng của bệnh
– Chụp X Quang ngực để tìm kiếm dấu hiệu của dị vật trong đường thở hoặc phát hiện viêm phổi, suy tim
– Xét nghiệm khi trẻ không cho kết quả khi điều trị bằng các phương pháp khác và có dấu hiệu tái phát thường xuyên
– Thực hiện các kỹ thuật kiểm tra cần thiết: khả năng nuốt, nội soi phế quản,… khi cần thiết và có chỉ định

Về điều trị, tùy nguyên nhân, tình trạng, mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Nhìn chung, quá trình điều trị của trẻ có thể được tiến hành:
– Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đột nhiên bị khò khè, có thể sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít. Nếu nghiêm trọng hơn có thể cần dùng corticosteroid dưới dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch
– Với đối tượng trẻ không bị dị ứng, không có dấu hiệu hen suyễn và không có yếu tố tiền sử gia đình mắc 2 vấn đề đó, trẻ có thể chỉ cần dùng thuốc giãn phế quản dạng hít với điều kiện cơn khò khè là nhẹ
– Nếu trẻ bị khò khè thường xuyên, nghiêm trọng thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn phế quản nặng hơn kèm theo thuốc chống viêm (với trường hợp có hen suyễn)

Điều trị hiện tượng khò khè ở trẻ em

Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời tránh bệnh tiến triển nặng hơn.

Trong quá trình điều trị, bố mẹ tuyệt đối tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất. Tuyệt đối không chữa bệnh cho trẻ theo mẹo dân gian. Bên cạnh đó, cần chú ý tới chế độ ăn và sinh hoạt hàng ngày tăng cường vitamin, khoáng chất cho trẻ:
Bổ sung thực phẩm chứa lysine, kẽm, crom,… có trong các loại thực phẩm như: thịt đỏ, gà, trứng, cá, đậu lăng, phô mai,…
Bổ sung vào chế độ ăn nhiều chất xơ và hoa quả tươi. Bố mẹ có thể cho trẻ uống nước hoa quả thay thế

Hiện tượng khò khè có thể tái phát theo mùa hoặc khi trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Bố mẹ hãy chú ý các biện pháp phòng ngừa như: dọn dẹp vệ sinh không gian sống sạch sẽ, tránh cho trẻ tiếp xúc với lông động vật, khám sức khỏe định kỳ,… Bên cạnh đó, việc giữ vệ sinh mũi, họng sạch sẽ cũng có ý nghĩa rất lớn trong cả phòng và chữa bệnh. Khoa Nhi Thu Cúc TCI luôn luôn đồng hành, hỗ trợ bố mẹ chăm sóc sức khỏe con yêu toàn diện nhất với phác đồ điều trị hạn chế kháng sinh, trị bệnh triệt để, an toàn. Liên hệ đặt lịch khám trước, không cần chờ đợi.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital