Điểm mặt các nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Minh Hương

Bác sĩ Ung Bướu

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý vô cùng nguy hiểm có tỷ lệ mắc mới và tử vong vì ung thư cổ tử cung đứng thứ 2 trong số các bệnh lý ung thư riêng biệt ở nữ giới. Vậy đâu là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

1. Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính xảy ra ở cơ quan sinh dục của nữ giới. Khi các tế bào ác tính phát triển bất thường và nhân lên không được kiểm soát tại khu vực tiếp nối âm đạo và thân tử cung được gọi là ung thư cổ tử cung. Tế bào ác tính cổ tử cung có khả năng xâm lấn và phát triển, hình thành khối u mới tại các cơ quan khác trên cơ thể.

Có 2 dạng ung thư cổ tử cung được phân loại theo vị trí hình thành ban đầu của khối u là ung thư biểu mô tế bào vảy (biểu mô gai) ở cổ ngoài, và ung thư biểu mô tuyến ở cổ trong. Và các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung xảy ra chiếm phần lớn bởi tế bào lớp biểu mô vảy.

Đây là bệnh lý thường xảy ra ở nữ giới đang trong độ tuổi sinh hoạt tình dục từ khoảng 30-45 tuổi. Đối với người mắc bệnh sẽ phải trải qua 4 giai đoạn phát triển từ 1 đến 4, tương ứng với mức độ càng cao, ung thư càng xâm lấn rộng.

2. Các nguyên nhân hình thành bệnh ung thư cổ tử cung

2.1 Nguyên nhân top đầu gây ung thư cổ tử cung – HPV virus

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 99,7% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung có sự xuất hiện của virus HPV (Human Papilloma Virus). Do đó, có thể xác định đây nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh lý này ở nữ giới.

HPV virus bao gồm hơn 200 chủng khác nhau, được phân loại thành HPV nguy cơ thấp và nguy cơ cao. Trong đó, có khoảng ít nhất 15 chủng HPV có nguy cơ cao liên quan đến việc hình thành khối u ác tính tại cổ tử cung, chiếm tỷ lệ cao nhất là các chủng HPV16 và HPV18. Hai chủng này được xác định là nguyên nhân của hơn 70% các ca bệnh, tiếp đến là các chủng HPV 31, HPV 45…

Ở trong độ tuổi sinh hoạt tình dục thì hầu hết mọi người đều có thể nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên không phải tất cả mọi trường hợp nhiễm HPV đều sẽ mắc ung thư cổ tử cung. Người bệnh nhiễm HPV có thể tự khỏi sau vài tháng nhờ hệ miễn dịch chủ động kích hoạt chống lại virus. Nhưng đối với những trường hợp nhiễm HPV có nguy cơ cao, virus này sẽ tồn tại lâu trong cơ thể gây các tổn thương tiền ung thư, dần hình thành nên ung thư cổ tử cung.

Điểm mặt các nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Hầu hết các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung đề có sự hiện diện của virus HPV

2.2 Các nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư cổ tử cung

Bên cạnh HPV, một số yếu tố nguy cơ khác làm tăng khả năng mắc bệnh lý ác tính ở nữ giới – ung thư cổ tử cung bao gồm:

– Bắt đầu quan hệ tình dục khi còn trẻ, quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục không an toàn.

– Nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục: nhiễm Herpes virus, lậu, giang mai, chlamydia…

– Có tình trạng viêm cổ tử cung mãn tính.

– Có tình trạng suy giảm hệ miễn dịch, hệ miễn dịch yếu kém.

– Mang thai và sinh con khi còn quá trẻ <17 tuổi, sinh đẻ nhiều lần >5 con.

– Sử dụng thuốc lá chủ động hoặc thụ động.

– Sử dụng thuốc tránh thai kéo dài lớn hơn 5 năm…

3. Nên làm gì để phòng tránh nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung

Là bệnh lý đang ngày càng có độ trẻ hóa gia tăng, chính vì vậy việc chủ động xây dựng kiến thức phòng tránh sẽ giúp hạn chế được khả năng mắc ung thư cổ tử cung.

3.1 Tiêm vắc xin ngừa HPV

Chích ngừa virus HPV là cách hiệu quả để phòng tránh khả năng mắc virus HPV, từ đó giảm được tối đa nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung hàng đầu. Vắc xin HPV được khuyến nghị cho trẻ em trong độ tuổi 9-12, trẻ em và thanh thiếu niên từ 13-26 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều.

Điểm mặt các nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung

Tiêm phòng vắc xin HPV là cách giúp ngăn chặn khả năng mắc virus HPV – Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung

3.2 Tầm soát ung thư cổ tử cung

Theo khuyến cáo, chị em phụ nữ nên chủ động sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ hàng năm để tầm soát phát hiện sớm dấu ấn ung thư, nâng cao kết quả điều trị nếu không may phát hiện bệnh. Đây là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm. Ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện trong giai đoạn sớm thì tỷ lệ điều trị thành công lên đến hơn 90%, thậm chí có thể đạt tới 100% nếu bệnh ở giai đoạn tiền ung thư. Chính vì vậy tầm soát ung thư cổ tử cung và chủng ngừa HPV là hai việc làm rất cần thiết.

Điểm mặt các nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Chủ động tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ là khuyến cáo bảo vệ sức khỏe hàng đầu dành cho phụ nữ hiện nay

3.3 Chủ động bảo vệ bản thân khỏi nhiễm khuẩn qua đường tình dục

Hạn chế số lượng bạn tình và tránh quan hệ tình dục với người đã có nhiều bạn tình khác. Chủ động sử dụng bao cao su để làm giảm nguy cơ nhiễm virus HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Đặc biệt cần cung cấp đúng và đủ kiến thức cho trẻ ở độ tuổi vị thành niên không nên quan hệ tình dục sớm. Bởi lúc này cơ quan sinh dục chưa phát triển toàn diện.

3.4 Sinh hoạt khoa học, lành mạnh

Tránh xa khói thuốc lá là một cách phòng ngừa để giảm thiểu yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó không nên lạm dụng thuốc tránh thai và cần vệ sinh sạch vùng kín trong các kỳ kinh nguyệt và sau quan hệ tình dục…

Là một trong số các bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở nữ giới, chính vì vậy người bệnh cần chủ động trong việc phòng ngừa, tầm soát sàng lọc ung thư, phát hiện bệnh sớm để có cơ hội chữa khỏi bệnh cao. Nắm được các thông tin về nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung và cách phòng tránh, chị em phụ nữ sẽ có thêm kiến thức cho bản thân và những người xung quanh bảo vệ sức khỏe sức khỏe sinh sản, không phải đối mặt với án tử do ung thư gây ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital