Đau ngực trái khó thở cảnh báo bệnh gì?

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Đau ngực trái khó thở là triệu chứng mà nhiều người có thể gặp phải, đặc biệt là khi vận động quá sức hoặc cảm xúc thay đổi. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì, có thể liên quan đến những bệnh lý nào, cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

1. Đau ngực trái, khó thở biểu hiện như thế nào?

Đau ngực trái và khó thở có thể là 2 triệu chứng độc lập nhưng cũng có thể xảy ra đồng thời. 

Tình trạng đau ngực trái có thể tồn tại với nhiều mức độ. Đó có thể chỉ là những cơn đau thoáng qua rồi biến mất, cũng có thể dữ dội, đè nén, đau như dao và cơn đau kéo dài. Đau thường xảy ra khi gắng sức nhưng cơn đau cũng có thể xuất hiện ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi. 

Khó thở là tình trạng một người gặp khó khăn khi hít thở, biểu hiện bằng việc hơi thở ngắn, khó duy trì nhịp thở đều và sâu. Đôi khi người bệnh thấy tiếng rít khi thở. Khó thở có thể xảy ra khi hoạt động nhiều nhưng cũng có thể xảy ra khi nằm vào ban đêm khi nghỉ ngơi.

Đau ngực trái kèm theo khó thở trong nhiều trường hợp chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường khi bạn căng thẳng, lo lắng hay gặp các tác động từ bên ngoài nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý liên quan đến tim, phổi cùng nhiều cơ quan khác trên cơ thể. 

Đau ngực trái khó thở là tình trạng gì?

Đau ngực bên trái kèm khó thở là tình trạng tương đối phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng.

2. Đau ngực trái khó thở có thể là dấu hiệu của bệnh gì?

2.1 Nguyên nhân gây triệu chứng đau ngực trái 

– Bệnh tim mạch

Do tim nằm ở phía bên trái lồng ngực nên tình trạng đau ngực trái thường liên quan đến các vấn đề ở tim. Cụ thể đó là một số bệnh lý như: bệnh van tim, bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim, viêm màng ngoài tim, phình tách động mạch chủ,… 

– Bệnh đường tiêu hóa

Các bệnh lý đường tiêu hóa cũng có thể là nguyên nhân gây đau ngực trái. Tiêu biểu là các bệnh lý như bệnh viêm dạ dày, viêm thực quản, trào ngược dạ dày – thực quản,… 

Biểu hiện của những người bệnh này thường là cảm giác bức bối, khó thở, đau xuất phát từ bụng trên lan lên đến ngực. Cơn đau có thể xuất hiện vào ban đêm khi ngủ hoặc sau khi ăn uống. Đau ngực do bệnh tiêu hóa có thể đi kèm các triệu chứng khác như  ợ chua, ợ hơi, buồn nôn,…

Có khoảng 10 – 20% cơn đau ngực là do đau dạ dày, ruột.

– Viêm cơ sụn hoặc xương ở vùng ngực

Những trường hợp đau ngực trái liên quan đến viêm cơ sụn thường gây cảm giác đau âm ỉ. Cơn đau kéo dài nhiều giờ đồng hồ, đau khi ấn vào và tăng lên khi bệnh nhân vận động mạnh. 

– Bệnh lý về phổi

Các bệnh lý như viêm phế quản, viêm phổi, tràn dịch màng phổi,… cũng có thể gây ra cơn đau ở ngực trái.

– Căng thẳng tâm lý

Đau ngực trái có thể do các vấn đề tâm lý gây nên. Đặc biệt, tình trạng lo âu, lo sợ, căng thẳng kéo dài, trầm cảm,… là nguyên nhân thường gặp dẫn đến cơn đau ngực trái. Bên cạnh đó là tình trạng khó thở, mất ngủ, thường xuyên hoang mang.

Nguyên nhân gây đau ngực bên trái, khó thở

Các vấn đề tim mạch là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra cơn đau ở ngực bên trái kèm khó thở.

2.2 Nguyên nhân gây khó thở

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới cơn khó thở như:

– Bệnh về phổi

Khó thở là một triệu chứng thường gặp trong các bệnh phổi.

– Bệnh về tim

Khó thở thường đặc hiệu hơn trong các bệnh tim. Điển hình là những cơn khó thở kịch phát ban đêm. Tình trạng này sẽ giảm nhẹ khi bệnh nhân ngồi hoặc đứng lên. 

– Tăng áp lực nhĩ trái và tĩnh mạch phổi

Thường gặp nhất là rối loạn chức năng tâm trương thất trái, thường do phì đại, xơ hóa hoặc bệnh màng ngoài tim hoặc bít tắc van gây ra. Bệnh có thể gây biến chứng phù phổi. 

– Ít vận động, béo phì

Khó thở cũng có thể gặp ở người ít đi lại hoặc người béo phì.

2.3 Đau ngực trái khó thở là biểu hiện của những bệnh lý tim mạch nào?

– Bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành là tình trạng một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn khiến quá trình đưa máu đến cơ tim bị gián đoạn. Bệnh thường gây ra triệu chứng đau thắt ngực với những cơn đau thắt, đè nén ở vùng ngực trái. Các số liệu thống kê chứng minh trong 100 người bị đau ngực thì có 2 – 4% liên quan đến tim, 10% do bệnh mạch vành.

Ngoài đau thắt ngực, người mắc bệnh động mạch vành còn có các biểu hiện khác như: nôn, đổ mồ hôi nhiều, chóng mặt, mệt mỏi,…

Biểu hiện của bệnh mạch vành ở nữ thường nhẹ hơn nam giới. Ngoài ra bệnh nhân có thể xuất hiện những biểu hiện khác không được nêu ở trên.

– Suy tim 

Ở người bệnh suy tim, máu không được đưa đủ tới để đảm bảo hoạt động cho phổi. Tình trạng tim co bóp kém cũng dẫn tới máu bị ứ trệ ở phổi và gây khó thở cho người bệnh. 

Bệnh nhân suy tim thường khó thở, đặc biệt khi gắng sức. Thậm chí họ khó thở cả khi nằm nghỉ. Vào ban đêm, bệnh nhân có thể đột nhiên tỉnh dậy khi đang ngủ rồi thở hổn hển, được gọi là “khó thở kịch phát về đêm”.

4. Đau ngực trái khó thở cải thiện bằng cách nào?

4.1 Cần làm gì ngay khi xuất hiện cơn đau ngực trái khó thở?

Nếu gặp tình trạng đau ngực, khó thở khi gắng sức, bạn nên tạm ngừng ngay hoạt động khiến bản thân phải gắng sức, sau đó dành thời gian nghỉ ngơi. 

Nếu đã nghỉ ngơi mà tình trạng khó thở, đau ngực vẫn không thuyên giảm và kéo dài quá 15 phút thì bạn nên gọi cấp cứu ngay vì đó có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim hoặc cảnh báo các vấn đề đã trở nên nghiêm trọng. 

Ngay cả khi các cơn đau ngực, khó thở chỉ xuất hiện thoáng qua, bạn cũng không nên chủ quan mà cần đi khám sớm để tìm rõ nguyên nhân và có hướng khắc phục phù hợp.

4.2 Một số biện pháp thay đổi lối sống giúp cải thiện triệu chứng

Một số biện pháp thay đổi lối sống được chứng minh có thể giảm tình trạng đau ngực, khó thở gồm:

– Đi ngủ đúng giờ

– Ăn vừa phải, không ăn quá no hoặc quá nhiều cùng một lúc

– Tập luyện thường xuyên với các bài tập phù hợp, đặc biệt là các bài tập tăng sức bền, điều hòa nhịp thở, tĩnh tâm như chạy bộ, thái cực quyền, yoga, thiền…

Kiểm soát cơn đau ngực khó thở như thế nào?

Thăm khám chuyên khoa Tim mạch giúp tìm ra nguyên nhân gây đau ngực, khó thở và kiểm soát hiệu quả.

Hi vọng những thông tin về triệu chứng đau ngực trái khó thở được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này. Nhớ rằng, thăm khám ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ là rất quan trọng đối với việc phát hiện và điều trị bệnh sớm, từ đó tăng khả năng chữa khỏi cho người bệnh. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital