Dấu hiệu thoái hóa khớp bạn nên biết gây đau và cứng khớp

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Dấu hiệu thoái hóa khớp là tình trạng hư hỏng phần sụn, đệm giữa hai đầu xương, kèm theo phản ứng viêm ở đó và giảm sút lượng dịch nhầy giúp bôi trơn, vì vậy gây đau và cứng khớp. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người trên 40 tuổi, nhất là sau 60 tuổi.

Khớp nào cũng có thể bị tổn thương thoái hóa nhưng thông thường nhất là thoái hóa khớp háng, khớp gối, khớp ngón tay, khớp gót chân và khớp cột sống. Mỗi khớp thoái hóa có những triệu chứng khác nhau, sau đây là một số dấu hiệu thoái hóa khớp.

1. Thoái hóa khớp là bệnh như thế nào?

Thoái hóa khớp là bệnh rối loạn mãn tính làm tổn thương sụn và mô xung quanh khớp. Sụn khớp là lớp đệm bao phủ bề mặt xương, hình thành từ tế bào sụn, chất căn bản. Sụn khớp có chức năng bảo vệ và giảm ma sát trong khớp. Sụn đóng vai trò như “bộ giảm xóc”. 

Thoái hóa khớp là tổn thương dễ gặp nhất trong hơn 100 loại tổn thương khớp khác nhau. Ở người trẻ, nam giới dễ bị thoái hóa khớp do gặp chấn thương về thể thao, lao động gắng sức. Sau 70 tuổi, tỷ lệ thoái hóa giữa hai giới ngang nhau.

thoai-hoa-khop

Khớp nào của cơ thể cũng có nguy cơ bị thoái hóa

Theo nghiên cứu, tình trạng thoái hóa cũng có sự liên quan đến vấn đề chủng tộc. Theo đó, tỷ lệ người Nhật mắc bệnh này khá cao, trong khi người Bắc Phi, Đông Ấn Độ và Bắc Trung Quốc thì tỷ lệ mắc rất thấp. 

Tại Việt Nam, tình trạng thoái hóa khớp đang ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Thống kê cho thấy, 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 85 tuổi đang gặp các vấn đề về thoái hóa khớp.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa khớp

2.1. Nguyên nhân nguyên phát 

Thoái hóa khớp xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi. Hàm lượng nước trong sụn khớp sẽ tăng dần theo tuổi tác. Điều này làm cho hàm lượng cũng như chất lượng Protid trong sụn giảm,  gây ra tình trạng sụn khớp bắt đầu thoái hóa. 

Khi vận động trong thời gian dài, phần sụn này dễ bị tổn thương và gây nên tình trạng nứt, bong, thậm chí tiêu biến sụn. Lúc này sẽ làm gia tăng ma sát giữa các khớp và gây nên đau, lâu dần dẫn tới thoái hóa. 

2.2. Nguyên nhân thứ phát 

– Di truyền: Tình trạng này xảy ra với một số đối tượng khiếm khuyết di truyền ở gen có chức năng hình thành sụn. Việc này dẫn đến sự hao hụt ở sụn khớp, làm đẩy nhanh tình trạng thoái hóa khớp. 

– Béo phì: Người thừa cân thường có nguy cơ thoái hóa ở khớp gối, hông và cột sống cao hơn. Vì vậy duy trì chỉ số cơ thể ở mức tiêu chuẩn hoặc giảm cân để về trọng lượng ổn định có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa. Giảm cân cũng giúp làm giảm tốc độ tiến triển của bệnh.

– Chấn thương: Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tình trạng viêm khớp thoái hóa. 

– Sử dụng khớp với tần suất cao: Sử dụng thường xuyên một số khớp nhất định có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm xương khớp. Với những người thường xuyên lao động nặng như bốc vác, làm việc thủ công, nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp cổ tay, cổ chân sẽ cao hơn.

– Do bệnh xương khớp khác: Người bị viêm khớp dạng thấp có khả năng cao bị thoái hóa khớp. Ngoài ra, một số tình trạng hiếm gặp như thừa sắt hoặc thừa hormone tăng trưởng, cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.

3. Dấu hiệu nhận biết vị trí thoái hóa khớp

Khi có dấu hiệu thoái hóa khớp, người bệnh nên đến các chuyên khoa cơ xương khớp để thăm khám. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp giảm thiểu cơn đau và nguy cơ tàn phế.

kham-ngay-khi-co-trieu-chung

Khi có dấu hiệu thoái hóa khớp, người bệnh nên đến các chuyên khoa cơ xương khớp để thăm khám.

3.1. Dấu hiệu thoái hóa khớp ở khớp háng

Đau thường ở vùng bẹn và mặt trước trong của đùi. Cũng có khi đau vùng mông, mặt sau của đùi. Đau xuất hiện khi đi, do đó hạn chế việc đi lại biểu hiện bằng dấu hiệu đi khập khiễng.

3.2. Dấu hiệu thoái hóa khớp ở khớp gối

Ngoài triệu chứng đau có thể kèm theo tiếng lạo xạo, lụp cụp khi duỗi gối, đau nhiều hơn khi đi lại vận động; nhất là khi ngồi xổm thì đứng dậy rất khó khăn, nhiều khi phải có chỗ tựa mới đứng dậy được. Bệnh nặng sẽ thấy tê chân, biến dạng khớp gối.

Trong một số trường hợp màng hoạt dịch có thể bị viêm dày lên, khi ấn vào xương bánh chè đồng thời gập chân lại, có thể gây đau nhói và một tiếng rắc. Đây cũng chính là biểu hiện chứng tỏ có tổn thương khớp đùi – bánh chè. Thoái hóa khớp gối thường có khuynh hướng nặng lên dần. Do đau nên ảnh hưởng nhiều đến mọi hoạt động.

Thoái hóa khớp gối thường có khuynh hướng nặng lên dần

Thoái hóa khớp gối thường có khuynh hướng nặng lên dần.

3.3. Dấu hiệu thoái hóa khớp ở cột sống thắt lưng

Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau lưng nhiều vào buổi sáng, khi mới ngủ dậy, kéo dài không quá 30 phút. Một thời gian sau, đau lưng sẽ kéo dài cả ngày, tăng khi làm việc nhiều và giảm khi nghỉ ngơi. Thoái hóa cột sống hay gặp từ đốt sống thắt lưng trở xuống, thường ảnh hưởng đến thần kinh tọa làm người bệnh có cảm giác đau từ lưng xuống.

3.4. Dấu hiệu thoái hóa khớp ở cột sống cổ

Có dấu hiệu là cảm giác đau mỏi phía sau gáy, lan đến cánh tay ở bên có dây thần kinh bị ảnh hưởng. Rất hay gặp ở người trên 40 tuổi.

3.5. Dấu hiệu thoái hóa khớp ở khớp gót chân

Bệnh nhân có cảm giác thốn ở gót vào buổi sáng mới ngủ dậy, khi đi những bước đầu tiên, sau vài chục mét thì giảm đau và đi đứng bình thường.

3.6. Dấu hiệu thoái hóa khớp ở khớp bàn chân

Ngón chân bị cứng lại hoặc cong vẹo, khiến cho việc đi đứng trở nên khó khăn và đau đớn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital