Có thể điều trị viêm mũi dị ứng dứt điểm hay không?

Tham vấn bác sĩ
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ

Dương Văn Tiến

Trưởng phòng khám Tai mũi họng Cơ sở 286 Thụy Khuê

Viêm mũi dị ứng là bệnh gây ra rất nhiều phiền toái cho người mắc phải. Tuy nhiên, điều trị viêm mũi dị ứng dứt điểm được hay không là điều mà rất nhiều người băn khoăn. Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân của viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là một trong các dạng viêm mũi thường gặp ở mọi độ tuổi, nhất là tại quốc gia thuộc vùng nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam. Mặc dù có những triệu chứng tương tự như viêm mũi thông thường song nguyên nhân của viêm mũi dị ứng xuất phát từ chính cơ địa nhạy cảm của người bệnh. Cụ thể khi tiếp xúc với các tác nhân như bụi, phấn hoa, nhiệt độ thay đổi, các sợi bông, len trên trang phục, lông thú cưng, mùi hương lạ hay các bào tử nấm lơ lửng trong môi trường không khí,…. các niêm mạc mũi bị kích thích và khiến cơ thể sinh ra các rối loạn dị ứng và hình thành nên một loạt các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi,… Cũng chính vì cơ chế gây viêm mũi dị ứng xuất phát từ nội tại cơ thể người bệnh nên các triệu chứng thường diễn ra rất nhanh và kéo dài.

Tình trạng viêm mũi dị ứng ở mỗi người cũng rất khác nhau. Một số người bị viêm mũi dị ứng liên tục theo mùa. Nhưng phần lớn thường thấy là các trường hợp viêm mũi dị ứng không theo chu kỳ.

Khói bụi là một trong những nguyên nhân làm tái phát tình trạng viêm mũi dị ứng

Khói bụi là một trong những nguyên nhân làm tái phát tình trạng viêm mũi dị ứng

2. Triệu chứng bệnh viêm mũi do dị ứng

Như đã đề cập ở trên, tùy thuộc tình trạng viêm mũi dị ứng ở mỗi người mà bệnh lý sẽ có tính chu kỳ hoặc không chu kỳ. Cụ thể như sau:

2.1. Viêm mũi dị ứng không theo chu kỳ

Đây là dạng bệnh lý phổ biến nhất và thường gặp nhất. Những người bị viêm mũi dị ứng không theo chu kỳ thường có một đặc điểm chung là hắt hơi, sổ mũi vào buổi sáng sớm khi ngủ dậy. Việc thay đổi tư thế đột ngột có thể làm xáo động luồng không khí hít phải, một số cơ địa bớt nhạy cảm ơn thì khi di chuyển khỏi phòng ngủ gặp luồng khí lạnh sẽ có phản xạ hắt hơi liên tục. Ngay sau đó là tình trạng dịch mũi trong như nước chảy liên tục.  Các triệu chứng này cũng xảy ra tương tự khi gặp mùi hương lạ, di chuyển trong môi trường khói bụi hoặc không may tiếp xúc với sợi len, sợi bông,….

Nếu tình trạng hắt hơi, sổ mũi diễn ra liên tục và không dừng lại, người bệnh sẽ tiếp tục cảm thấy cay mắt, chảy nước mắt, …. Thêm vào đó, khi viêm mũi dị ứng lặp lại nhiều lần thì dịch mũi sẽ không còn màu trắng trong mà chuyển sang nhầy vàng, người bệnh cũng sẽ cảm thấy có đờm ở cổ họng.

2.2.Viêm mũi dị ứng theo chu kỳ

Viêm mũi dị ứng theo chu kỳ có tính lặp lại theo thời điểm, đặc trưng là các thời điểm giao mùa chuyển từ mùa nóng sang mùa lạnh và ngược lại.

Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng theo chu kỳ cũng tương tự như tình trạng viêm mũi dị ứng không theo chu kỳ. Bên cạnh đó, cả hai loại dị ứng mũi này còn có những đặc điểm chung như thường trở nặng vào buổi sáng và giảm dần vào buổi tối. Phản xạ hắt hơi liên tục khi bị dị ứng mũi sẽ đồng thời kích thích hệ thần kinh gây tình trạng nhức đầu, mỏi mắt. Vì vậy mà người bệnh thường mệt mỏi, buồn ngủ và khó tập trung. Đối với trẻ em, có thể thấy trẻ thường có xu hướng tìm chỗ ít ánh sáng để ngủ.

Hình ảnh minh họa xoang mũi khi viêm mũi dị ứng

Hình ảnh minh họa xoang mũi khi viêm mũi dị ứng

3. Có thể điều trị viêm mũi dị ứng dứt điểm hay không?

Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh lý mang đến nhiều phiền toái cho những ai không may mắc phải. Viêm mũi dị ứng tái phát liên tục sẽ dẫn đến tình trạng viêm mũi dị ứng. Không chỉ thế, trong mỗi đợt tái phát bệnh đều có thể kéo theo tình trạng viêm mũi, viêm xoang hay thậm chí viêm lan lên tai giữa. Về lâu dài, viêm mũi dị ứng mạn tính sẽ là nguyên nhân gây viêm xoang mạn tính. Chính bởi vậy, điều trị viêm mũi dị ứng dứt điểm được hay không là điều mà rất nhiều người quan tâm.

Trên thực tế, viêm mũi dị ứng xuất phát từ cơ địa dễ dị ứng của người bệnh. Chính vì thế việc điều trị khỏi hoàn toàn, không bao giờ tái phát lại là điều không thể. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể cắt cơn viêm mũi dị ứng trong mỗi lần tái phát hoặc làm giảm các triệu chứng dị ứng mũi bằng một số biện pháp sau đây:

– Không tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng để tránh bị kích thích mũi thêm.

– Rửa mũi và súc miệng bằng nước muối sinh lý.

– Tránh luồng không khí lạnh và giữ ấm mũi khi bạn đang bị dị ứng.

Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau 1 ngày, bạn cần tới trung tâm y tế để thăm khám và kiểm tra tình trạng viêm. Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp cho bạn sau khi thăm khám và chẩn đoán bệnh. Đối với viêm mũi dị ứng, thuốc chứa histamin và Coriotid là hai dạng thuốc đươc sử dụng phổ biến nhất song không được tự ý sử dụng bởi đây là những loại thuốc có dược tính rất cao và có thể gây nên tác dụng phụ cho cơ thể.

Trong trường hợp viêm mũi dị ứng đã gây ảnh hưởng tới các bộ phận khác như tai, họng bạn sẽ được kết hợp điều trị để giảm triệu chứng nhanh nhất.

Khi các triệu chứng viêm mũi dị ứng không giảm, hãy tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị viêm mũi dị ứng

Khi các triệu chứng viêm mũi dị ứng không giảm, hãy tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị viêm mũi dị ứng

4. Lời khuyên cho bạn

Viêm mũi dị ứng là bệnh khó đoán được khi nào mình mắc phải nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa bệnh tái phát bằng những biện pháp phòng bệnh đơn giản như:

– Chủ động bảo vệ mũi, họng khi di chuyển nơi có nhiều khói bụi và tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng (phấn hoa, mùi hương lạ, lông động vật,…)

– Luôn duy trì thói quen vệ sinh mũi họng đúng cách: vệ sinh răng miệng hằng ngày, rửa mũi đúng cách sau khi vừa đi chuyển ở nơi có nhiều bụi bẩn.

– Tự nâng cao đề kháng của cơ thể thông qua bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn hằng ngày kết hợp chế độ vận động và nghỉ ngơi hợp lý.

Ngoài ra, bạn hãy thận trọng với những đợt viêm mũi dị ứng tái phát kèm theo những cơn đau vùng trán, sống mũi,… bởi rất có thể bệnh đã tiến triển sang viêm xoang. Hãy tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị viêm xoang tránh để bệnh chuyển sang mạn tính rất khó điều trị.

Như vậy, với những thông tin trên, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn về phòng ngừa và điều trị viêm mũi dị ứng để có những phương pháp chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bản thân.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital