Chuyên gia giải đáp: Bệnh tay chân miệng là gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất mà 5 năm đầu đời trẻ có thể gặp phải, tay chân miệng có thể tiến triển đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất là tử vong. Vậy, cụ thể thì bệnh tay chân miệng là gì? Đọc ngay bài viết sau để biết câu trả lời chi tiết của chuyên gia.

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Như đã đề cập phía trên, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm. Bệnh khởi phát do hoạt động của virus đường ruột họ Enterovirus, cụ thể là Coxsackievirus A16, Enterovirus 71 và biểu hiện lâm sàng chủ yếu qua các tổn thương da và niêm mạc. Các tổn thương này tồn tại dưới dạng những vết phồng rộp tại lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng,…

Bệnh tay chân miệng là gì?

Virus đường ruột họ Enterovirus là nguyên nhân gây tay chân miệng

Do nguyên nhân gây bệnh là virus đường ruột, tay chân miệng lây từ trẻ mắc bệnh sang trẻ không mắc bệnh qua dịch tiết mũi họng và phân. Ngoài ra, trẻ không mắc bệnh cũng có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với dịch của các vết phồng rộp.

Bệnh tay chân miệng có thể phát sinh quanh năm. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch là lớn hơn trong các khoảng thời gian giữa tháng 3 và tháng 5, giữa tháng 9 và tháng 12. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam ghi nhận 50000 – 100000 ca tay chân miệng. Trong đó, số ca tay chân miệng ở miền Nam chiếm 60%.

2. Nhận biết tay chân miệng

Ngoài các tổn thương da và niêm mạc tồn tại dưới dạng những vết phồng rộp tại lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng,…, bố mẹ còn có thể nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ bằng các triệu chứng sau:

– Giai đoạn ủ bệnh (kéo dài 3 – 6 ngày sau nhiễm virus): Ở giai đoạn này, tay chân miệng chưa có biểu hiện lâm sàng, trẻ vẫn sinh hoạt bình thường.

– Giai đoạn khởi phát (kéo dài 1 – 2 ngày): Lúc này, trẻ thường sốt, đau họng, chảy mũi, mệt mỏi, tiêu chảy. Trong một số trường hợp, trẻ nổi hạch cổ và hạch hàm dưới.

– Giai đoạn toàn phát (kéo dài 3 – 10 ngày): Giai đoạn toàn phát là giai đoạn xuất hiện tổn thương da và niêm mạc. Cụ thể, tại niêm mạc miệng, má trong, lợi, mặt bên lưỡi,… các tổn thương thường có đường kính 2 – 3mm. Thông số này của các tổn thương tại lòng bàn tay, đầu gối, mông, lòng bàn chân,… là 2 – 10mm. Đặc biệt, các tổn thương tại lòng bàn tay, đầu gối, mông, lòng bàn chân,… có thể ẩn hoặc nổi trên bề mặt da. Cả tổn thương da và tổn thương niêm mạc đều có thể vỡ nhanh chóng, tạo thành các vết loét, khiến trẻ đau đớn. Ngoài biểu hiện này, trẻ còn có thể sốt cao, nôn, lơ mơ, mê sảng, co giật. Lúc này, bố mẹ phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất, bởi tay chân miệng ở trẻ đang biến chứng.

Bệnh tay chân miệng biểu hiện lâm sàng chủ yếu qua các tổn thương da và niêm mạc

Các tổn thương này tồn tại dưới dạng những vết phồng rộp tại lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng,…

– Giai đoạn lui bệnh: Nếu trẻ không biến chứng, các biểu hiện tay chân miệng sẽ thuyên giảm dần sau 7 – 10 ngày toàn phát.

3. Biến chứng tay chân miệng

Tay chân miệng do Coxsackievirus A16 ít biến chứng, bệnh có thể tự khỏi sau 10 ngày. Tuy nhiên, tay chân miệng do Enterovirus 71 thì khác, nguy cơ trẻ tay chân miệng do Enterovirus 71 biến chứng là không hề thấp. Theo đó, các biến chứng ấy có thể là: Viêm màng não (nhiễm trùng màng não và dịch não tủy bao quanh não và tủy sống), viêm não, viêm cơ tim.

4. Điều trị tay chân miệng

Khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng, bố mẹ phải tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia ngay.

Trong trường hợp chuyên gia xác định tình trạng tay chân miệng ở trẻ là nhẹ, bố mẹ yên tâm chăm sóc trẻ tại nhà. Hiện nay tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; để hỗ trợ quá trình tự xử lý tay chân miệng của cơ thể trẻ, bố mẹ chỉ có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạn chế triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ. Cụ thể, những thuốc này là: Thuốc hạ sốt Paracetamol như Hapacol (sử dụng khi trẻ sốt trên 38 độ C, với liều 10 – 15mg/kg mỗi 4 – 6 giờ), thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen, kem chống ngứa như Calamine, dung dịch sát khuẩn (phủ bề mặt tổn thương da, tránh tình trạng trẻ bội nhiễm),… Về dinh dưỡng, một số thực phẩm bố mẹ nên bổ sung cho trẻ tay chân miệng có thể kể đến là: Trứng, đậu, khoai tây, đu đủ, dưa hấu,… Các thực phẩm này cần được chế biến và cho trẻ ăn theo nguyên tắc 3 chữ L: Lỏng, lạt, lạnh. Trong thời gian chăm sóc trẻ tại nhà, nếu trẻ sốt cao, nôn, lơ mơ, mê sảng, co giật,… lập tức cho trẻ tái khám.

Trường hợp trẻ bị tay chân miệng nặng, chuyên gia sẽ chỉ định trẻ nhập viện điều trị.

Khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng, bố mẹ phải tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia ngay

Trường hợp trẻ bị tay chân miệng nặng, chuyên gia sẽ chỉ định trẻ nhập viện điều trị

5. Phòng ngừa tay chân miệng

Để phòng ngừa tay chân miệng cho trẻ, bố mẹ cần thực hiện 8 khuyến cáo sau:

– Vệ sinh sạch sẽ tay trẻ nhiều lần trong ngày bằng các sản phẩm khử khuẩn.

– Ngăn trẻ ngậm/mút tay hoặc ngậm/mút đồ chơi.

– Cho trẻ ăn chín, uống chín.

– Không cho trẻ sử dụng chung bát, đũa, thìa, nĩa,…

– Luộc sôi hoặc ngâm dung dịch Cloramin B 2% quần áo của trẻ trước khi giặt.

– Vệ sinh sạch sẽ thường xuyên đồ chơi của trẻ cũng như không gian sống của gia đình bằng các sản phẩm khử khuẩn.

– Người chăm sóc trẻ phải vệ sinh tay sạch sẽ nhiều lần trong ngày bằng các sản phẩm khử khuẩn; đặc biệt là trước khi chế biến thực phẩm, sau khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh tay cũng như các bộ phận khác cho trẻ.

– Hạn chế đưa trẻ đến các địa điểm đã ghi nhận bệnh nhân tay chân miệng.

Như vậy, bài viết đã chia sẻ câu trả lời chi tiết cho câu hỏi “bệnh tay chân miệng là gì”, đồng thời cũng cung cấp nhiều thông tin hữu ích khác về tay chân miệng như: Dấu hiệu nhận biết, biến chứng, cách điều trị và phương pháp phòng ngừa bệnh. Hy vọng rằng với những thông tin ấy, bạn sẽ biết phải xử trí ra sao cho đúng đắn khi nghi ngờ bé nhà mình mắc tay chân miệng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital