Chứng sa sút trí tuệ, chẩn đoán và điều trị

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Tỷ lệ bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh già hóa dân số như hiện nay. Theo ước tính cứ 3 người cao tuổi thì có 1 người tử vong vì sa sút trí tuệ. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh sa sút trí tuệ, phương pháp chẩn đoán và điều trị trong bài viết dưới đây.

1. Hội chứng sa sút trí tuệ là gì?

Nhiều người lầm tưởng sa sút trí tuệ là một bệnh nhưng thực chất đây là một hội chứng lâm sàng có thể gây ra bởi một số bệnh. Trong đó bệnh Alzheimer chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 60-70% các trường hợp sa sút trí tuệ).

Bệnh Alzheimer được hiểu là một bệnh não thoái hóa nguyên phát, hiện chưa rõ nguyên nhân. Có đặc trưng về hóa thần kinh và thần kinh bệnh lý.

Sa sút trí tuệ (alzheimer) ảnh hưởng trực tiếp tới trí nhớ, hành vi, suy nghĩ, khả năng giao tiếp và thực hiện các hoạt động hàng ngày của người bệnh.

2. Biểu hiện của người bị sa sút trí tuệ

Đặc trưng của người bị sa sút trí tuệ hay bị bệnh Alzheimer là khả năng ghi nhớ (nhớ nhớ quên quên, lú lẫn). Thường thì người bệnh hay quên các sự kiện diễn ra gần đây, nhưng lại nhớ các sự kiện đã diễn ra từ lâu trong quá khứ.

Một đặc điểm riêng về sự mất mát trí nhớ của người mắc sa sút trí tuệ là phần trí nhớ mà người bệnh đã quên sẽ bị đánh mất vĩnh viễn (gần như không thể phục hồi). Đó cũng là lý do vì sao nhiều người hay gọi Alzheimer (hay sa sút trí tuệ) với cái tên là: “kẻ đánh cắp trí nhớ”.

Ngoài suy giảm khả năng ghi nhớ, người bị sa sút trí tuệ còn suy giảm khả năng nhận thức, tư duy, lý luận và hành vi. Bệnh thường tiến triển âm thầm và tăng dần mức độ từ nhẹ đến nặng.

biểu hiện chứng sa sút trí tuệ

Người bệnh sa sút trí tuệ hay quên các sự kiện diễn ra gần đây, nhưng lại nhớ các sự kiện đã diễn ra từ lâu trong quá khứ.

Các biểu hiện của hội chứng sa sút trí tuệ (alzheimer) trải qua 3 giai đoạn:

2.1 Biểu hiện chứng sa sút trí tuệ ở giai đoạn nhẹ

Người bệnh bị suy giảm khả năng tiếp thu thông tin, thường hỏi đi hỏi lại một vấn đề. Mất khả năng quản lý tài chính. Dễ bị nhầm hoặc lạc đường. Không nhớ đồ đạc cất ở đâu.

2.2 Giai đoạn vừa phải (trung bình)

Các biểu hiện bắt đầu rầm rộ hơn, điển hình là hay quên các sự kiện vừa diễn ra. Như người bệnh không nhớ được sáng mình ăn gì, hay nhầm lẫn, khó mặc quần áo phù hợp, quên một số kỉ niệm trong quá khứ,…

2.3 Biểu hiện chứng sa sút trí tuệ ở giai đoạn nặng (giai đoạn cuối)

Người bệnh không nhận ra bạn bè hoặc người thân, không nhớ lịch sử bản thân, đi lang thang, không nhận thức được môi trường xung quanh, rối loạn bàng quang và ruột, thay đổi nhân cách và hành vi.

Người bệnh sa sút trí tuệ ở giai đoạn này thường không tự chăm sóc bản thân, rất cần sự hỗ trợ của bạn bè, gia đình và những người xung quanh.

Biểu hiện chứng sa sút trí tuệ ở giai đoạn nặng (giai đoạn cuối)

Người bệnh mất trí nhớ hoàn toàn, không nhận ra chính bản thân mình và những người thân xung quanh.

3. Sa sút trí tuệ khởi phát sớm

Thông thường, sa sút trí tuệ xảy ra từ độ tuổi 65 tuổi trở lên. Nhưng cũng có một tỷ lệ thấp, bệnh khởi phát ở những người còn trẻ tuổi.

Sa sút trí tuệ được định nghĩa là khởi phát sớm, khi các triệu chứng của sa sút trí tuệ xuất hiện ở người dưới 65 tuổi.

Một số nghiên cứu cho rằng, sa sút trí tuệ khởi phát sớm có thể có tính chất di truyền. Thường gặp ở sa sút trí tuệ trong bệnh mạch máu hoặc trong các bệnh khác.

Sa sút trí tuệ ở người trẻ hơn thường ít gặp và có thể khó chẩn đoán. Trong khi hầu hết người mắc sa sút trí tuệ có nhu cầu giống nhau, những người trẻ mắc sa sút trí tuệ thường đang trong giai đoạn làm việc, phải chăm sóc, hỗ trợ con cái về mặt tài chính, và vẫn duy trì hoạt động thể chất.

Khi sa sút trí tuệ diễn biến tăng lên, người bệnh sẽ dần dần trở nên phụ thuộc hơn vào gia đình hoặc bạn bè để đưa ra quyết định về các vấn đề tài chính, chăm sóc sức khỏe và sắp xếp cuộc sống.

4. Các dạng khác của sa sút trí tuệ

Ngoài Alzheimer là dạng bệnh chính của hội chứng sa sút trí tuệ, thì sa sút trí tuệ còn gồm các dạng sau đây:

4.1 Sa sút trí tuệ trong bệnh mạch máu

Bệnh động mạch lớn (sa sút trí tuệ do nhồi máu não đa ổ)

Xơ vữa mạch vành, mạch não ngoài sọ và trong sọ

Nhồi máu não vỏ não, nhồi máu não lớn dưới vỏ.

Bệnh động mạch nhỏ (sa sút trí tuệ dưới vỏ)

Bệnh Binswanger (sa sút trí tuệ dưới vỏ não) và nhồi máu ổ khuyết.

Sa sút trí tuệ do nhồi máu não vị trí chiến lược (đồi thị, thùy thái dương, bao trong).

Trong xuất huyết não (xuất huyết não dưới nhện, dưới màng cứng, bên trong não,…)

Hội chứng amyloid não: xuất huyết não và thiếu máu cục bộ.

4.2 Sa sút trí tuệ trong các bệnh khác

Bệnh Pick

Bệnh Creutzfeldt-Jakob (bệnh bò điên)

Bệnh Huntington

Bệnh Parkinson

Bệnh suy giảm miễn dịch do HIV/AIDS,…

5. Chẩn đoán và điều trị

5.1 Chẩn đoán

Khám lâm sàng với bác sĩ Nội thần kinh. Các chẩn đoán xác định hội chứng sa sút trí tuệ dựa trên lâm sàng gồm:

– Đặc trưng về sự suy giảm trí nhớ (cần nhận diện kỹ để phân biệt sa sút trí tuệ trong bệnh Alzheimer, bệnh mạch máu hay do bệnh khác,…)

– Rối loạn định hướng

– Các triệu chứng suy giảm chức năng nhận thức khác.

– Các triệu chứng đi kèm

Cận lâm sàng gồm: các trắc nghiệm tâm lý, xét nghiệm công thức máu (tổng phân tích tế bào máu ngoại vi), máu lắng, sinh hóa, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh (chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ sọ não, PET,…), thăm dò chức năng và một số xét nghiệm chuyên biệt dựa trên yếu tố nghi ngờ như: xét nghiệm tự kháng thể (kháng thể kháng phospholipid, kháng thể kháng đông Lupus, kháng thể kháng nhân), giang mai, HIV, gen test, amyloid-PET…

Và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

Khám và điều trị chứng sa sút trí tuệ tại Thu Cúc TCI

Chẩn đoán sa sút trí tuệ chủ yếu dựa vào khám lâm sàng, bài test kiến thức và chụp MRI não.

5.2 Điều trị

Điều trị sa sút trí tuệ không thể khiến bệnh khỏi hoàn toàn hoặc ngăn sự tiến triển của bệnh. Mà mục tiêu điều trị là:

Hạn chế tối đa các triệu chứng do sa sút trí tuệ gây ra.

Nâng cao chất lượng sống cho người bệnh để người bệnh ít bị phụ thuộc vào người khác.

Kéo dài tuổi thọ cho người bệnh (làm chậm quá trình tiến triển của bệnh).

Tùy thuộc vào dạng sa sút trí tuệ là gì, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị và dùng thuốc phù hợp.

Điều trị sa sút trí tuệ hiện nay vẫn chủ yếu là điều trị nội khoa (dùng thuốc), song song với điều trị các bệnh lý đi kèm. Cùng với đó là kết hợp với một số liệu pháp tâm lý, vật lý trị liệu; chế độ ăn uống và luyện tập.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital