Ruột thừa: Chức năng và tình trạng viêm ruột thừa

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Ruột thừa là một bộ phận của ống tiêu hóa, là đoạn ruột hẹp, kín dài khoảng vài centimet bám dính vào đoạn đầu của ruột già. 

1. Tìm hiểu về ruột thừa 

1.1 Vị trí của ruột thừa

Ruột thừa (hay ruột dư) là bộ phận thuộc ống tiêu hóa ở dạng túi hẹp và dài, có kích thước từ 5-12cm và đường kính khoảng 5mm. Thông thường, ruột thừa nằm ở hố chậu phải (bụng dưới bên phải). Tuy nhiên do ruột thừa có mạc treo và rất di động nên cũng có thể ở vị trí khác như: Giữa ổ bụng, giữa các quai ruột non, vùng dưới gan phải…

1.2 Chức năng của ruột thừa

Chức năng của ruột thừa đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được xác định chính xác. Hầu hết bác sĩ và nhà khoa học đều cho rằng sự tồn tại của ruột thừa không đem lại vai trò đặc biệt nào cho cơ thể trong một thời gian dài.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy vai trò của ruột thừa trong vấn đề miễn dịch của con người. Trong niêm mạc lòng ruột thừa chứa màng sinh học gồm các vi khuẩn có lợi giúp tái phục hồi hệ tiêu hóa con người sau các bệnh lý nhiễm trùng đường ruột. 

Ruột thừa là tàn tích quá trình tiến hóa phôi thai. Việc không có hay cắt bỏ ruột thừa không gây hậu quả gì cho sức khỏe. Tuy nhiên, cắt bỏ ruột thừa thường chỉ áp dụng khi có vấn đề xảy ra. Đây là biện pháp phòng ngừa các bệnh lý liên quan có hệ thống, không được khuyến khích. 

ruột thừa

Vị trí ruột thừa

2. Tình trạng viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa xảy ra do sự tắc nghẽn trong lòng ống ruột thừa dẫn đến nhiễm trùng. Khi trong lòng ống ruột thừa bị nhiễm trùng, vi khuẩn phát triển và gây viêm. Đa số các trường hợp viêm ruột thừa cấp tính thuộc diện cấp cứu ngoại khoa vùng bụng thường gặp. 

Viêm ruột thừa xảy ra hầu hết ở khoảng 10-30 tuổi, ở cả nam và nữ. Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ em dưới 5 tuổi có thể bị viêm ruột thừa hoặc có thể xuất hiện muộn hơn trên 35 tuổi. 

3. Triệu chứng viêm ruột thừa

Triệu chứng điển hình nhất của viêm ruột thừa là đau ruột thừa, ngoài ra còn có thể có một số triệu chứng khác:

3.1 Đau ruột dư

Đau ruột thừa do viêm thường khởi đầu ở vùng quanh rốn hoặc trên rốn. Sau khoảng 2-12h, cơn đau tăng dần và di chuyển xuống vùng hố chậu phải. Đau liên tục âm ỉ, tăng lên khi ho hoặc thay đổi tư thế. Đây là triệu chứng của trường hợp viêm ruột thừa cấp.

Vì vị trí của ruột thừa rất đa dạng nên vị trí đau ruột thừa ở mỗi người cũng sẽ khác nhau. Người bệnh có thể thấy đau hông lưng, đau hạ vị, đau dưới sườn phải…

Tính chất của cơn đau ruột thừa phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Có thể kể đến như: Sức chịu đựng của người bệnh, loại thuốc đang sử dụng, sức đề kháng của người bệnh, tình trạng bệnh lý…

3.2 Sốt

Khi bị đau ruột thừa cấp, người bệnh thường sốt nhẹ khoảng 38 độ C do viêm nhiễm ở ruột thừa. Nếu có thêm biến chứng viêm phúc mạc thì tình trạng nhiễm trùng nặng hơn, gây sốt cao.

3.3 Rối loạn tiêu hóa

Người bệnh có thể có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy, hiếm khi có táo bón. Triệu chứng chán ăn hoặc ăn không ngon miệng là điển hình. Tuy không được nhiều người biến đến nhưng gần như luôn xuất hiện khi bị viêm ruột thừa cấp. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không có triệu chứng này thì cần xem lại chẩn đoán viêm ruột thừa.

Đau khi viêm ruột thừa

Người bệnh có biểu hiện đau khi viêm ruột thừa

4. Chẩn đoán viêm ruột thừa

Do tính chất đa dạng khi đau ruột thừa mà bệnh lý viêm ruột thừa có lúc rất dễ, có lúc lại rất khó chẩn đoán. Vì đau có thể ở nhiều vị trí khác nhau, dẫn đến nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Hiện không có triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng hay xét nghiệm nào chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa trong mọi trường hợp.                   

Việc chẩn đoán viêm ruột thừa hiện nay kết hợp trên bệnh cảnh lâm sàng, thăm khám và xét nghiệm. Mặc dù hiện nay đã có phát triển về kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và nội soi ổ bụng, tuy nhiên tỷ lệ chẩn đoán nhầm viêm ruột thừa vẫn có.               

Thỉnh thoảng có trường hợp bác sĩ mổ ra thì thấy ruột thừa có biểu hiện bình thường và không tìm ra nguyên nhân nào khác gây đau. Trong trường hợp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành cắt bỏ luôn ruột thừa. Nguyên nhân là cắt bỏ ruột thừa tốt hơn bỏ sót và điều trị không thích hợp với những trường hợp viêm ruột thừa nhẹ hoặc ở giai đoạn sớm.         

Phụ nữ có thai nghi ngờ viêm ruột thừa được khuyến cáo cần phẫu thuật sớm dù có nguy cơ “cắt nhầm” ruột thừa bình thường. Vì nếu dể viêm ruột thừa diễn tiến thành viêm ruột thừa hoại tử gây viêm phúc mạc thì sẽ làm tăng tỷ lên mất thai lên 4 lần.

5. Điều trị viêm ruột thừa

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là cách điều trị viêm ruột thừa cấp. Phẫu thuật cần được tiến hành càng sớm càng tốt, tốt nhất là ngay khi có chẩn đoán. Đầu tiên là rạch một vết dài từ 5-7cm ở ngoài da thuộc vùng bụng dưới bên phải, sau đó đến các lớp tiếp theo của thành bụng. Tìm kiếm ruột thừa sau khi đã vào đến ổ bụng. 

Bác sĩ sẽ quan sát khu vực xung quanh ruột thừa xem có bị viêm nhiễm gì không. Nếu không sẽ bóc tách ruột thừa ra khỏi mạc treo của nó. Sau đó cắt bỏ ruột thừa, khâu lại lỗ trên vết cắt manh tràng. Trong trường hợp có áp xe thì đặt ống dẫn lưu để mủ chảy từ ổ áp xe ra bên ngoài. Sau đó đóng bụng lại,

Một kỹ thuật khác có thể cắt bỏ ruột thừa là nội soi ổ bụng. Thủ thuật nội soi cho phép bác sĩ khảo sát bên trong ổ bụng thông qua lỗ nhỏ trên thành bụng (thay vì vết mổ lớn trong phẫu thuật cắt ruột thừa thông thường).          

Ruột thừa viêm nhiễm gây nhiễm trùng không thể chữa khỏi bằng thuốc mà cần can thiệp phẫu thuật. Trong trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng, ca phẫu thuật kết thúc nhanh chóng. Bệnh nhân chỉ cần nằm vài ngày để hồi phục và theo dõi. Trong trường hợp có biến chứng viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết thì cần thời gian phẫu thuật lâu hơn. 

điều trị viêm ruột thừa

điều trị viêm ruột thừa

          

Trên đây là tổng quan về ruột thừa và tình trạng viêm ruột thừa cấp tính thường gặp. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu đau ruột thừa, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital