Chị em cần biết gì về phương pháp xét nghiệm Pap?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Đỗ Thị Hằng

Trưởng khoa Xét nghiệm

Trong tầm soát sớm ung thư cổ tử cung, xét nghiệm Pap là khái niệm đa số chị em phụ nữ đã biết tới. Vậy thực chất phương pháp này như thế nào, có thực sự đem lại hiệu quả?

1. Xét nghiệm Pap và những vẫn đề xung quanh

Đây là kỹ thuật xét nghiệm được bác sĩ nổi tiếng của Hy Lạp – Georgios Nikolaou PAPanikolaou tìm ra. Do vậy, tên của phương pháp lấy theo tên ông và được ứng dụng cho tới ngày nay.

1.1. Hiểu sao cho đúng về xét nghiệm Pap?

Pap (hay Pap smear) với bản chất là kỹ thuật xét nghiệm bằng cách phết tế bào cổ tử cung. Mục đích của phương pháp này là hỗ trợ sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phái nữ, từ đó giúp bệnh được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và tăng tỷ lệ thành công. Thêm vào đó, Pap giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường trong tế bào cổ tử cung, tiên lượng nguy cơ ung thư cho người đi thăm khám.

Tóm lại, phương pháp xét nghiệm Pap smear mang vai trò rất quan trọng trong việc tầm soát sớm u cổ tử cung, đem lại cơ hội chữa trị thành công cao hơn cho người bệnh.

Xét nghiệm pap và những khái niệm xung quanh

Mục đích của pap này là hỗ trợ sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phái nữ

1.2. Khi nào chị em nên làm xét nghiệm Pap?

Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung thường là danh mục nằm trong gói tầm soát ung thư, được thực hiện cùng các nội dung khám phụ khoa và xét nghiệm HPV. Tùy thuộc vào giai đoạn cuộc đời, độ tuổi, thể trạng sức khỏe mà bác sĩ chỉ định tần suất xét nghiệm cho người bệnh.
Một số đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao mắc u cổ tử cung cần thực hiện thường xuyên như:

– Người bị nhiễm HIV

– Người phơi nhiễm với diethylstilbestrol tiền sinh sản

– Người có hệ miễn dịch yếu do điều trị hóa trị, ghép tạng hoặc dùng thuốc kháng viêm mạnh trong thời gian dài

– Người có kết quả Pap dương tính

Về tần suất, các chuyên gia y tế khuyến cáo phái nữ từ 21 tuổi trở đi nên tái xét nghiệm 2-3 năm/lần. Phụ nữ sau 30 tuổi nên kết hợp Pap cùng xét nghiệm HPV với tần suất do bác sĩ chỉ định. Tần suất này được quyết định dựa theo kết quả xét nghiệm HPV của bệnh nhân trước đó:

– Nếu HPV âm tính, nên thực hiện kết hợp Pap và HPV 5 năm/lần, hoặc Pap 3 năm/lần

– Nếu HPV dương tính, nên thực hiện kết hợp Pap và HPV ít nhất 1 năm/lần.

Hiểu sao cho đúng về xét nghiệm pap?

Phái nữ từ 21 tuổi trở đi nên tái xét nghiệm 2-3 năm/lần

2. Quy trình Pap smear được tiến hành như thế nào?

Quá trình tiến hành xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung khá đơn giản và nhanh chóng. Nhưng chị em cần chuẩn bị kỹ càng để buổi xét nghiệm thành công và đạt kết quả chính xác cao. Trước khi xét nghiệm, bệnh nhân được bác sĩ và y tá hỗ trợ thả lỏng, hít thở sâu, chia sẻ trực tiếp một số thông tin cá nhân như:

– Có đang mang thai không?

– Hiện có đang sử dụng loại thuốc điều trị nào không?

– Có hút thuốc không?

– Kinh nguyệt kết thúc cách đây bao lâu?

– Các dấu hiệu bất thường gần đây

– Đã từng can thiệp các biện pháp phẫu thuật nào trên cơ quan sinh sản chưa?

– Đã từng làm xét nghiệm tầm soát u cổ tử cung nào trước đó chưa?

Kết thúc quá trình trao đổi, bác sĩ sẽ bắt đầu tiến hành thực hiện phương pháp Pap. Lúc này, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nằm ngửa trên giường bệnh, gập đầu gối, dang rộng hai chân và thả lỏng cơ thể. Bác sĩ nhẹ nhàng đưa dụng cụ mỏ vịt vào bên trong âm đạo. Dụng cụ này giúp cố định và mở rộng thành âm đạo để bác sĩ dễ dàng quan sát cổ tử cung của bệnh nhân.

Khi nào chị em nên làm xét nghiệm pap?

Mô tả quá trình lấy tế bào ung thư cổ tử cung

Sau khi quan sát xong, mẫu tế bào cổ tử cung được lấy ra bằng bàn chải mềm và dụng cụ như thìa nhỏ. Mẫu tế bào này được phết lên lam kính và đưa đến phòng xét nghiệm để bác sĩ phân tích, đưa ra kết quả. Pap smear tuy không gây đau đớn hay tổn thương cho người bệnh, nhưng chị em thực hiện lần đầu có thể thấy chưa quen và hơi khó chịu.

3. 5 lầm tưởng của chị em với xét nghiệm Pap

Rất nhiều phụ nữ do không có sự tìm hiểu kỹ càng hoặc nghe qua kênh truyền miệng, đã có những hiểu lầm về vấn đề xét nghiệm phết tế bào u cổ tử cung.

3.1. Chỉ cần thực hiện Pap smear 1 lần duy nhất

Pap là phương pháp hiệu quả để phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Từ đó giúp xử lý và ngăn chặn nguy cơ mang bệnh kịp thời. Tuy nhiên, như các kỹ thuật xét nghiệm khác, Pap cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ để theo dõi được kết quả chính xác tại mỗi thời điểm.

3.2. Trước khi làm pap smear có thể quan hệ và thụt rửa âm đạo

Điều này hoàn toàn sai lầm. Các bác sĩ đều khuyến cáo, trong vòng 24-48h trước khi xét nghiệm, không được có bất cứ tác động nào tới âm đạo. Nếu chị em trót quan hệ, thụt rửa âm đạo hoặc các tác động khác, vui lòng thực hiện Pap vào lần sau.

5 lầm tưởng của chị em với pap

Pap là phương pháp hiệu quả để sàng lọc ung thư cổ tử cung nhưng cần được thực hiện định kỳ

3.3. Trong kỳ kinh nguyệt có thể thực hiện Pap smear

Thời gian thích hợp để tiến hành pap là 10-20 ngày tính từ ngày bắt đầu chu kì kinh nguyệt gần nhất. Việc xét nghiệm trong kỳ kinh khiến các chất lỏng khác cản trở bác sĩ lấy tế bào và làm sai lệch kết quả.

3.4. Không cần chia sẻ thực tế kết quả Pap trước đó với bác sĩ

Các kết quả xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung được tổng hợp và hệ thống giúp bác sĩ dễ dàng chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh cho bạn.

3.5. Không cần quan tâm tới kết quả Pap

Dù Pap không hoàn toàn đưa ra kết luận chính xác bạn có mắc u cổ tử cung hay không, nhưng nó là cơ sở để bác sĩ chỉ định các phương pháp tầm soát tiếp theo. Từ đó, kết quả sàng lọc ung thư của bạn sẽ chính xác hơn.

Xét nghiệm Pap và tầm soát ung thư cổ tử cung có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh cho một nửa của thế giới. Vì vậy, chị em phụ nữ hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để chủ động phòng ngừa “án tử” đáng sợ này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital