Chế độ ăn sau phẫu thuật ung thư dạ dày hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh lý ung thư dạ dày. Điều trị bằng phương pháp này người bệnh cần chú ý xây dựng một chế độ ăn sau phẫu thuật ung thư dạ dày khoa học, và phù hợp để nhanh chóng phục hồi, hạn chế biến chứng.

1. Phẫu thuật ung thư dạ dày ảnh hưởng như thế nào đến hệ tiêu hóa

Phẫu thuật là phương pháp cắt bỏ khối u và những mô xung quanh tế bào ung thư đã xâm lấn đến. Phương pháp phẫu thuật được chỉ định tùy thuộc vào giai đoạn từ đó người bệnh có thể sẽ cắt bỏ phần dạ dày bị ung thư cùng các hạch bạch huyết xung quanh (cắt một phần dạ dày) hoặc cắt toàn bộ dạ dày.

Khi cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày, sức chứa của dạ dày giảm hoặc mất hoàn toàn, điều này sẽ làm giảm quá trình co bóp, tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Nghĩa là thức ăn đi  từ miệng qua thực quản đến dạ dày đi vào hệ thống ruột sẽ diễn ra nhanh hơn. Dó đó có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng như trào ngược thực quản, hội chứng dumping, co thắt dạ dày ruột, tiêu chảy, đi ngoài phân sống… ở người bệnh.

Chế độ ăn sau phẫu thuật ung thư dạ dày hiệu quả

Sau phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc gần toàn bộ dạ dày có thể khiến hệ tiêu hóa gặp một số vấn đề, cần thời gian để thích nghi

2. Chế độ ăn uống cần lưu ý sau phẫu thuật ung thư dạ dày

2.1 Nguyên tắc chung trong chế độ ăn cho người bệnh sau phẫu thuật ung thư dạ dày

Sau khi phẫu thuật 1-2 ngày, tùy vào tình trạng của từng cá thể, bạn sẽ được bổ sung dinh dưỡng thông qua đường tĩnh mạch hoặc nuôi dưỡng chế độ đặc biệt qua ống thông.

Ở giai đoạn tiếp theo bệnh nhân bắt đầu nạp thức ăn trực tiếp vào cơ thể, người bệnh nên ăn chậm, nhai kỹ, ưu tiên thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chế biến chín kỹ, mềm lỏng thức ăn…

Đến giai đoạn phục hồi nghĩa là khi vết mổ đã liền, bệnh nhân dần phục hồi sức khỏe, vì thế chế độ dinh dưỡng cần cung cấp đầy đủ calo và protein để tăng cường sức khỏe.

2.2 Lựa chọn thực phẩm phù hợp

Thực phẩm nên dùng

Thực phẩm được khuyến khích nên dùng cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư dạ dày gồm có:

– Thực phẩm giàu protein để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng, giúp người bệnh mau phục hồi sau phẫu thuật. Các thực phẩm nên dùng gồm có thịt, cá, trứng, phô mai, bơ… Nhóm thực phẩm này sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa tiêu chảy – một triệu chứng có thể xảy ra sau khi thực hiện phẫu thuật dạ dày.

– Các loại ngũ cốc ít chất xơ bởi người bệnh có thể bị tiêu chảy nếu tiêu thụ quá nhiều chất xơ. Nên sử dụng chế độ ăn ít chất xơ theo khuyến nghị để búi chất xơ sau tiêu hóa không mắc lại ở vết nối, dạ dày và hệ tiêu hóa cũng không bị ảnh hưởng bởi vấn đề tiêu chảy.

– Bổ sung các loại trái cây và rau củ để tăng cường vitamin, calo cho cơ thể người bệnh sau phẫu thuật ung thư dạ dày. Với rau xanh người bệnh nên ăn chín, nấu nhừ, với trái cây cần loại bỏ hạt và gọt vỏ trước khi ăn.

– Sữa là một thực phẩm quan trọng trong chế độ ăn của người bệnh sau phẫu thuật, bởi sữa cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu khi bệnh nhân không có khả năng ăn các loại thực phẩm khác. Đối với bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư dạ dày có thể lựa chọn sữa tách béo hoàn toàn hoặc sữa ít béo trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Chế độ ăn sau phẫu thuật ung thư dạ dày hiệu quả

Thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh được chế biến dạng lỏng là lựa chọn hoàn hảo cho bệnh nhân đang trong thời gian phục hồi sau phẫu thuật

Thực phẩm cần hạn chế

Bên cạnh các thực phẩm có lợi cho sức khỏe người bệnh thì cũng có những thực phẩm nên tránh đó là:

– Tránh rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt có ga, cà phê, trà chè, đồ uống có cồn…

– Hạn chế các thực phẩm lên men, các loại gia vị cay nóng, hoa quả chua, đồ ăn cứng, không nên ăn nhiều chất xơ…

Ngoài ra, sau phẫu thuật người bệnh có thể gặp tình trạng không dung nạp thức ăn nghĩa là cảm thấy có chịu hoặc có các triệu chứng ảnh hưởng sau khi ăn các loại thực phẩm, đồ uống. Ví dụ người bệnh có thể không dung nạp đường, không dung nạp chất béo, hoặc không dung nạp lactose (sữa). Vậy nên điều cần làm lúc này dành cho người bệnh là nên thông báo với bác sĩ trực tiếp điều trị để được tư vấn hướng dẫn lựa chọn sản phẩm phù hợp để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

2.3 Thay đổi cách chế biến trong chế độ ăn của bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư dạ dày

Sau phẫu thuật ung thư dạ dày, không chỉ việc lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe mà việc cách chế biến như thế nào để cơ thể có thể hấp thu, mang đến hiệu quả trong suốt quá trình phục hồi.

– Người nhà bệnh nhân cần lưu ý lựa chọn đa dạng các loại thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng cao và đặc biệt phải làm lỏng, nhừ, nhuyễn thức ăn. Cho đến khi cơ thể thích nghi được, phục hồi thì mới chuyển sang thực phẩm chế biến theo bữa ăn hàng ngày của gia đình.

– Các chế biến cũng cần ưu tiên theo cách là luộc, hấp, hầm, xào, tránh chế biến thức ăn dạng chiên, nướng, rán hoặc ăn sống.

2.4 Xây dựng cách ăn uống sau phẫu thuật bệnh ung thư dạ dày

– Khi đã xuất viện trở về nhà, bệnh nhân trước hết cần ăn lỏng, ăn nhẹ, chia khẩu phần thành nhiều bữa nhỏ sau đó mới tăng dần dần lượng thức ăn lên.

– Bệnh nhân đã cắt một phần dạ dày hoặc gần toàn bộ dạ dày chỉ nên dùng thực phẩm chọn lọc và ăn từng ít một để không bị loét miếng nối, đồng thời kịp tiêu hóa hết thức ăn.

– Tránh để quá đói hoặc ăn quá no, lưu ý sau khi ăn cần nghỉ ngơi không vận động mạnh.

– Chia nhỏ các bữa ăn và ăn thành nhiều bữa hơn và nên ăn theo khung giờ cố định.

– Ngồi nghiêng 60-75 độ về phía sau để ăn uống, tránh nằm ngửa hoặc ngồi thẳng lưng, và nên giữ nguyên tư thế đó sau ăn 15-30 phút.

– Ăn chậm, nhai thật kỹ thức ăn để dạ dày đang có tổn thương không phải hoạt động quá tải.

– Không nằm ngay sau khi ăn mà khuyến khích nên đi lại nhẹ nhàng hoặc ngồi nghỉ ngơi – khoảng 30 phút trước khi nằm.

– Bệnh nhân nên duy trì chế độ ăn khô nghĩa là bệnh nhân không ăn và uống trong cùng một bữa, nên uống nước cách 30 đến 60 phút sau ăn.

– Ghi lại chi tiết các thông tin về lượng thức ăn, các loại thực phẩm sử dụng, cách chế biến, thời điểm ăn uống… để tìm ra những thực phẩm gây ra triệu chứng khó chịu cho bản thân sau phẫu thuật.

Chế độ ăn sau phẫu thuật ung thư dạ dày hiệu quả

Trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị của bạn để có chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất, giảm tác dụng phụ

– Thăm khám với bác sĩ dinh dưỡng định kỳ để đánh giá chế độ ăn uống hàng ngày, bác sĩ sẽ giúp bạn điều chỉnh kịp thời, bổ sung hợp lý và đúng cách các chất cần thiết cho cơ thể. Nếu người bệnh đã cắt toàn bộ dạ dày có thể sẽ cần tiêm vitamin B12 thường xuyên. Tuy nhiên nếu chỉ cắt bỏ một phần dạ dày, người bệnh hãy chọn các loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt, canxi, vitamin C và vitamin D. Và thông qua xét nghiệm bác sĩ có thể chỉ định bổ sung vitamin và vi chất tổng hợp (Vitamin B12, C, D, sắt, canxi) tùy vào tình trạng của mỗi người bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital