Chảy máu hậu môn là bệnh gì? Cần lưu ý những gì?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Chảy máu hậu môn là bệnh gì? Đó là câu hỏi được rất nhiều độc giả quan tâm. Nếu thường xuyên bị tình trạng này hay có người thân bị như vậy, đừng bỏ qua bài viết này để có thể nắm được những thông tin và lời khuyên cần thiết về triệu chứng này.

1. Biểu hiện chảy máu hậu môn gặp phải

Chảy máu hậu môn có thể là chảy máu đỏ tươi từ hậu môn hoặc ở dạng phân đen lẫn cùng các cục máu đông.

Mức độ nghiêm trọng của chảy máu từ hậu môn sẽ khác nhau tùy theo tình trạng bệnh. Với các trường hợp chảy máu hậu môn nhẹ, xuất hiện một vài giọt máu tươi trên giấy vệ sinh hoặc rớt trên bồn cầu. Tình trạng nhẹ sẽ tự ngừng sau đó nhanh chóng. Chảy máu tạm thời như vậy nếu không lặp lại thì không cần quá lo ngại. Bạn có thể thăm khám tại các phòng khám mà chưa cần nhập viện.

Còn khi gặp phải chảy máu vừa hoặc nặng sẽ có nhiều dấu hiệu bất thường hơn như đi ngoài ra máu nhiều lần trong ngày, số lượng máu tăng dần và có màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm. Tình trạng chảy máu nặng kéo dài khiến người bệnh dần có biểu hiện của suy nhược, mệt mỏi, người thường xuyên chóng mặt, có thể ngất xỉu, huyết áp thấp hoặc hạ huyết áp thể đứng. Lúc này, người bệnh cần được nhập viện ngay để được thăm khám, xử lý kịp thời.

Dấu hiệu chảy máu hậu môn

Máu chảy ra từ hậu môn theo những mức độ khác nhau, có thể là máu tươi hoặc cục máu đông.

2. Chảy máu hậu môn là bệnh gì?

2.1. Chảy máu hậu môn là bệnh gì? – Bệnh trĩ

Đây là căn bệnh mà người ta thường nghĩ đến đầu tiên khi xuất hiện triệu chứng chảy máu hậu môn. Búi trĩ hình thành sẽ gây cảm giác đau đớn, khó chịu cho người bệnh, đại tiện khó khăn, khiến người bệnh đại tiện ra máu, đau rát hậu môn khi đi vệ sinh. Đôi khi có trường hợp bệnh nhân bị những búi trĩ lớn còn gây tắc nghẽn hậu môn.

Ban đầu người bệnh sẽ chỉ thấy ra máu ít chảy ra khi đi vệ sinh nhưng về sau khi bệnh nặng hơn, máu có thể chảy thành tia mạnh, nặng hơn thì khi bệnh nhân ngồi xổm lâu cũng có thể xuất hiện hiện tượng chảy máu.

Chảy máu hậu môn là bệnh gì? - Bệnh trĩ

Chảy máu ở hậu môn là dấu hiệu đầu tiên nghi ngờ bệnh trĩ.

2.2. Polyp trực tràng và đại tràng

Là tình trạng niêm mạc trực tràng và đại tràng tăng sinh vượt giới hạn cho phép, tạo ra các khối u lồi bên trong trực tràng. Các khối u có thể hình thành cuống dài và lồi ra bên ngoài hậu môn.

Polyp trực tràng và đại tràng có triệu chứng để nhận biết duy nhất đó là tình trạng chảy máu hậu môn.

2.3. Nứt kẽ hậu môn

Nguyên nhân chính gây nên nứt kẽ hậu môn đó là do tình trạng táo bón lâu ngày, hành động cố rặn mạnh để đẩy phân ra ngoài sẽ khiến ống hậu môn bị sưng phù lên, lớp niêm mạc hậu môn bị rách và dẫn đến tổn thương gây chảy máu.

2.4. Viêm loét trực tràng

Bệnh nhân bị viêm loét trực tràng thường đi đại tiện rất nhiều lần trong ngày và trong phân có lẫn máu và chất nhầy. Người bệnh cần nội soi đại trực tràng để chẩn đoán bệnh, đánh giá tình trạng viêm loét và lên phương án điều trị đúng cách.

2.5. Chảy máu hậu môn là bệnh gì? – Táo bón

Người bị táo bón nặng, táo bón lâu ngày cũng có thể gặp phải tình trạng chảy máu hậu môn khi đi ngoài. Nguyên nhân là do trong quá trình cố gắng đẩy phân ra ngoài chúng ta vô tình khiến hậu môn bị rách hoặc bị trầy xước dẫn đến chảy một chút máu ra ngoài. Trường hợp này sẽ gây ra nhiều đau đớn và khó chịu cho người bệnh.

2.6. Bệnh kiết lỵ

Bệnh kiết lỵ (bệnh lỵ) do vi khuẩn gây ra. Bệnh thường có triệu chứng tiêu chảy kèm với máu lẫn trong phân. Các loại vi trùng gây bệnh bao gồm Campylobacter jejuni, Shigella, Escherichia coli, Salmonella và Clostridium difficile. Bệnh thường được điều trị khỏi bằng kháng sinh.

3. Cần làm gì khi bị chảy máu hậu môn?

Để biết chính xác nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa tại các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa uy tín. Sau khi khám lâm sàng và cận lâm sàng nội soi đại tràng bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị thích hợp cho người bệnh.

Thăm khám khi bị chảy máu hậu môn nặng

Người bệnh nên chủ động thăm khám khi cần thiết để tìm đúng nguyên nhân chảy máu hậu môn.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần lưu ý thêm những yêu cầu sau đây:

– Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà khi chưa đi khám bác sĩ và chưa được bác sĩ kê đơn.

– Không nên tiếp tục làm những công việc nặng nhọc, mất nhiều sức lực mà cần nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng để giảm áp lực trong lòng mạch máu, ngăn chặn tình trạng chảy máu.

– Uống nhiều nước, khoảng 2 lít mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh, trái cây để dễ đi ngoài.

– Tránh rặn nhiều, rặn mạnh khi đi đại tiện.

– Sau khi đi đại tiện nên vệ sinh hậu môn sạch sẽ bằng nước muối loãng.

– Chườm lạnh hay chườm ấm vùng hậu môn để giảm đau.

Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn đọc có được thông tin cần thiết để trả lời cho câu hỏi chảy máu hậu môn là bệnh gì. Khi bệnh có dấu hiệu nặng cần thăm khám ngay để biết rõ nguyên nhân và kịp thời điều trị đúng cách.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital