Chẩn đoán viêm kết mạc cấp tính bằng cách nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Viêm kết mạc cấp tính là tình trạng kết mạc bị vi khuẩn, virus, các yếu tố dị ứng… gây ra viêm cấp tính. Do bệnh có khả năng lây lan nhanh và dễ bùng thành dịch nên ai trong ta cũng cần nắm được dấu hiệu và cách chẩn đoán viêm kết mạc đúng cách, tránh biến chứng.

1. Những điều cần biết về viêm kết mạc mắt cấp tính

Viêm kết mạc là một trong những bệnh lý liên quan đến mắt phổ biến, chia thành viêm kết mạc dạng cấp tính và viêm kết mạc mãn tính. Dạng thường gặp nhất là viêm kết mạc ở mức độ cấp tính (khởi phát đột ngột và xảy ra trong một thời gian cụ thể, không kéo dài)

Có 3 hình thái viêm kết mạc cấp, mỗi hình thái lại có nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến như:

– Viêm kết mạc cấp có chảy mủ do vi khuẩn (dạng nhú tối cấp) do một số loại vi khuẩn lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), hiếm gặp do não mô cầu (Neisseria Meningitidis) gây ra.

– Viêm kết mạc cấp tiết tố màng do một số chủng vi khuẩn như bạch hầu (C. Diphtheria), phế cầu hoặc và liên cầu ( Streptococcus Pyogenes) gây ra, với biểu hiện là có màng phủ màu trắng xám hoặc trắng ngà trên kết mạc.

– Viêm kết mạc do virus Adenovirus, Enterovirus, virus sởi, quai bị, cúm, rubella, virus Herpes zoster, virus Herpes simplex… gây ra và có biểu hiện là kết mạc kèm nhú, chảy nhiều nước mắt, mủ, thường kèm sốt nhẹ và các biểu hiện toàn thân khác tùy thuộc vào loại virus gây bệnh, trong một số trường hợp người bệnh có thể nổi hạch.

Viêm kết mạc cấp tính là bệnh lý liên quan đến mắt phổ biến

Viêm kết mạc cấp tính có nguyên nhân chính do vi khuẩn, virus gây ra

Bởi nguyên nhân là do virus và vi khuẩn là chủ yếu nên viêm kết mạc có khả năng lây lan nhanh chóng và dễ bùng phát thành dịch. Bệnh có thể lây lan trực tiếp từ người qua người thông qua tiếp xúc với ghèn, mủ, dịch mắt của người bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng cá nhân (khăn mặt, kính, đồ trang điểm, chậu rửa mặt…).

Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây lan qua đường hô hấp (dịch tiết, nước bọt) của người bệnh khi tiếp xúc gần, ôm, hôn… chính vì thế, để phòng ngừa bệnh cũng như giảm nguy cơ lây lan bệnh, đặc biệt là thời điểm dịch bùng phát, hãy hạn chế đến những nơi đông người, đeo khẩu trang, rửa tay và khử khuẩn thường xuyên.

2. Chẩn đoán viêm kết mạc cấp tính bằng cách nào?

Mặc dù các biểu hiện của viêm kết mạc khó rõ ràng, tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan, tự suy đoán bệnh hay tự ý sử dụng thuốc, các phương pháp dân gian để điều trị viêm kết mạc, vì đó có thể khiến “lợn lành thành lợn què” và nguy hiểm hơn là dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Khi có vấn đề liên quan đến mắt, hãy đến gặp bác sĩ

Khám nhãn khoa là cách giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm giác mạc chính xác nhất

Thay vào đó, khi có bất cứ biểu hiện nào của viêm kết mạc hay bất kỳ biểu hiện bất thường nào liên quan đến mắt, hãy đến ngay bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám, kiểm tra và chẩn đoán bệnh chính xác nhất.

Các bác sĩ có thể sẽ dùng tăm bông để lấy dịch mắt để thực hiện các xét nghiệm cần thiết phục vụ cho việc chẩn đoán nguyên nhân viêm kết mạc, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, đảm bảo khỏi bệnh nhanh chóng, phòng ngừa biến chứng hiệu quả nhất.

3. Điều trị viêm kết mạc dạng cấp tính

3.1 Điều trị viêm kết mạc cấp tính theo chỉ định của bác sĩ

Khi đã biết chính xác nguyên nhân viêm kết mạc, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị viêm kết mạc phù hợp. Bởi mắt là bộ phận nhạy cảm nên hầu hết việc điều trị bệnh đều để giảm triệu chứng, và sử dụng thuốc nhỏ mắt và vệ sinh mắt đúng cách được nhiều bác sĩ khuyên thực hiện.

Cụ thể, nếu nguyên nhân viêm kết mạc cấp của bạn có nguyên nhân do vi khuẩn, các bác sĩ sẽ kê các loại thuốc nhỏ mắt chứa thành phần kháng sinh, kháng khuẩn nhằm ngăn ngừa quá trình lây lan của bệnh sang mắt còn lại (nếu viêm kết mạc 1 bên mắt) cũng như tránh lây lan bệnh ra những người xung quanh.

Tùy tình trạng bệnh bác sĩ sẽ kê thuốc nhỏ mắt phù hợp

Vệ sinh mắt đúng cách giúp viêm kết mạc nhanh khỏi. tránh biến chứng

Còn nếu virus mới chính là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm kết mạc cấp cho bạn, các bác sĩ sẽ kê những loại thuốc nhỏ mắt có thành phần chống viêm, giảm sưng, ngăn chặn sự phát triển của virus từ đó đẩy nhanh tốc độ lành bệnh.

Trong trường hợp viêm kết mạc do virus, các loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh sẽ không phát huy tác dụng hiệu quả, thậm chí còn khiến chúng ta bị hiện tượng “nhờn” kháng sinh hoặc những tác dụng phụ trong quá trình dùng. Đó chính là lý do mà chúng ta không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt mà chưa có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

3.2 Điều trị viêm kết mạc cấp tính tại nhà

Đa phần các ca viêm kết mạc đều được bác sĩ kê thuốc và hướng dẫn điều trị tại nhà. Bên cạnh việc sử dụng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định, người bệnh viêm kết mạc cũng cần chủ động thực hiện những việc dưới đây để bệnh nhanh khỏi, tránh lây lan cho những người xung quanh:

– Chỉ sử dụng thuốc nhỏ mắt hay bất kỳ thuốc gì dưới chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng, thời gian, hàm lượng… không tự ý dùng thuốc trong mọi trường hợp, không sử dụng mẹo dân gian hay đắp các loại lá chưa được chứng minh công dụng để tránh biến chứng không mong muốn.

– Sử dụng nước muối sinh lý loại có nồng độ 0.9% và bông/gạc để vệ sinh mắt, vứt bông/gạc sau khi dùng vào thùng rác riêng, không tái sử dụng trong thời gian bị bệnh.

– Có thể làm giảm cơn đau nhức do viêm kết mạc bằng cách sử dụng khăn mát để chườm khoảng 10 phút mỗi ngày. Lưu ý không nên chườm quá 10 phút/ngày, không dùng nước nóng hoặc nước đá để chườm mắt.

– Có thể sử dụng nước mắt nhân tạo để chống khô mắt nếu được bác sĩ chỉ định.

– Nếu đang sử dụng kính áp tròng, hãy ngưng sử dụng trong thời gian bị viêm kết mạc cấp, đồng thời luôn sử dụng kính khi đi ra ngoài để hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập và tránh lây bệnh cho mọi người.

– Nếu thường xuyên trang điểm mắt, cũng hãy tạm ngưng việc trang điểm để đến khi bệnh khỏi hẳn, đồng thời chú ý việc vệ sinh cọ trang điểm nhằm tránh bệnh có thể tái lại nhiều lần.

– Hạn chế đến những nơi đông người, không gian hẹp vì có thể gia tăng nguy cơ bệnh cũng như nguy cơ lây bệnh ra môi trường.

– Không sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, đồ trang điểm, kính mắt, chăn gối… với người khác.

– Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh đúng thời gian

– Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là vitamin A, C, E, kẽm… rèn luyện thể chất thường xuyên, ngủ đủ giấc, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý… để tăng đề kháng cho cơ thể nói chung và mắt nói riêng, phòng ngừa tình trạng vi khuẩn, virus tấn công cơ thể gây bệnh.

– Khám nhãn khoa định kỳ 6 tháng/lần

Bổ sung vitamim, dầu cá... giúp tăng đề kháng cho mắt hiệu quả

Tăng đề kháng cho mắt giúp phòng ngừa viêm kết mạc hiệu quả

Cuối cùng, hãy nhớ bác sĩ là người bạn cần nghĩ đến đầu tiên khi có bất kỳ vấn đề nào về mắt để bảo vệ đôi mắt sáng khỏe nhất, tránh những biến chứng có thể làm tổn thương mắt về sau.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital