Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay dựa vào đâu? 

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Đau tay, cầm nắm khó khăn, tê bì tay lan từ cổ tay đến các ngón tay… là những triệu chứng thường gặp của hội chứng ống cổ tay. Vậy chẩn đoán hội chứng ống cổ tay dựa vào đâu? Thu Cúc TCI sẽ giúp bạn hiểu rõ ở bài viết chi tiết dưới đây.

Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay dựa vào đâu?

Nhân viên văn phòng là đối tượng dễ bị hội chứng ống cổ tay

1. Đau tay do hội chứng ống cổ tay là như thế nào?

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng người bệnh cảm thấy đau các ngón tay, tê rần xuất hiện sau khi bị chấn thương vùng cổ tay. Xuất hiện những cơn đau khớp, đau tăng lên khi vận động, giảm đi khi nghỉ ngơi.

Ống cổ tay là nơi đi qua của thần kinh giữa, gân gấp của các ngón tay, kiểm soát cơ gấp ngón tay, cổ tay. Khu vực này không co giãn nên khi có viêm gân gấp, tăng thể tích sẽ gây chèn ép lên dây thần kinh, mạch máu nuôi dưỡng nhỏ, gây nên tình trạng thiểu dưỡng. Lúc này sẽ xuất hiện triệu chứng tê bì, yếu liệt bàn tay, ngón tay.

2. Nguyên nhân hình thành hội chứng cổ tay

Đối tượng dễ mắc bệnh này chủ yếu là phụ nữ, do nguyên nhân vô căn, nội sinh hoặc ngoại sinh. 70% số bệnh nhân mắc bệnh không tìm được nguyên nhân. Có hiện tượng viêm bao hoạt dịch, tăng áp lực khoảng gian bào gây chèn ép dây thần kinh giữa.

2.1 Chấn thương

Các chấn thương ở vùng đầu dưới xương quay, xương cổ tay, bán trật xoay xương thuyền, trật xương nguyệt, viêm khớp cổ tay… Gây chèn ép dây thần kinh giữa trong ống cổ tay.

2.2 Bệnh nghề nghiệp

Những người làm việc phải sử dụng cổ tay nhiều, liên tục gây tổn thương gân, gây sưng viêm. Tăng thể tích các tổ chức gây chèn ép lên dây thần kinh. Nhân viên văn phòng, thợ sơn, chơi đàn, công nhân, vận động viên tennis, bóng bàn, bóng rổ, bóng chuyền…

2.3 Bẩm sinh

Có một số người sinh ra bẩm sinh có đường hầm cổ tay hẹp khiến dây thần kinh giữa dễ dàng bị chèn ép, hay gặp cả hai tay.

2.4 Mang thai

Nhiều chị em phụ nữ khi mang thai bị phù, ứ đọng dịch làm tăng thể tích dịch trong ống cổ tay. Làm tăng áp lực kẽ trong ống cổ tay, gây chèn ép thần kinh giữa.

2.5 Gout

Lắng đọng tinh thể urat trong gân gấp gây hiện tượng phì đại gân, viêm phì đại bao gân gấp, chèn ép dây thần kinh giữa.

2.6 Suy giáp

Sự tích tụ Myxedematous trong dây chằng cổ tay ngang, gân chèn ép dây thần kinh.

2.7 Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp gây viêm bao gân, màng hoạt dịch dẫn đến phù nề, ứ dịch, tăng thể tích trong bao gân gấp.

2.8 Chạy thận nhân tạo

Bệnh thần kinh ngoại biên thường xuất hiện ở bệnh nhân suy thận mạn, tăng ure máu… Gây phù dịch ở ngoại bào, tăng thể tích khu vực cổ tay, chèn ép dây thần kinh giữa.

2.9 Khối u

Bệnh u tủy, Hemophilia, u tế bào khổng lồ, u máu, u nang hoạt dịch, u hạt tophy… gây chèn ép dây thần kinh.

2.10 Bệnh lý khác

Mắc một số bệnh lý như thoát vị bao hoạt dịch, viêm khớp mạn tính, viêm khớp dạng thấp… có thể làm tăng thể tích khu vực cổ tay, chèn ép dây thần kinh giữa.

2.11 Giới tính

Phụ nữ có nguy cơ bị hơn nam giới, người thường xuyên giặt quần áo, lau nhà, làm công việc dùng cổ tay nhiều… có tỉ lệ mắc cao hơn.

3. Dấu hiệu hội chứng ống cổ tay

3.1 Rối loạn cảm giác

Bệnh nhân có triệu chứng tê bì tay chân, dị cảm, đau buốt do kim châm hoặc rát bỏng. Triệu chứng này xuất hiện rõ ở vùng da thuộc chi phối của dây thần kinh giữa: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út. Triệu chứng biểu hiện từ cổ tay lan đến các ngón tay. Thường có cảm giác tê bì tăng về đêm, gây mất ngủ. Khi gấp, ngửa hoặc đè vào vùng ống cổ tay, bệnh nhân sẽ thấy cảm giác tê bì tăng lên. Đặc biệt khi đi xe máy, bệnh nhân sẽ thấy tê bì nhiều. Triệu chứng giảm đi khi bệnh nhân ngừng vận động, nghỉ ngơi, vẩy tay.

3.2 Rối loạn về vận động

Bệnh nhân khó cầm nắm, hoạt động khéo léo đôi tay giảm. Bệnh nhân dễ làm rơi đồ, cầm nắm không chắc chắn.

Tình trạng chèn ép thần kinh kéo dài có thể gây đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng da tay. Lâu dài có thể gây teo cơ, cứng khớp, giảm vận động bàn tay. Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và kịp thời điều trị. Nếu điều trị muộn, có thể gây tổn thương không hồi phục kéo dài.

Bác sĩ Thu Cúc TCI chẩn đoán hội chứng ống cổ tay

Những người làm việc sử dụng cổ tay nhiều có nguy cơ cao bị hội chứng ống cổ tay

4. Chẩn đoán người bệnh bị hội chứng ống cổ tay dựa vào đâu?

Để chẩn đoán hội chứng này cần dựa vào khám lâm sàng và thăm dò điện sinh lý thần kinh.

4.1 Triệu chứng cơ năng chẩn đoán hội chứng ống cổ tay

– Đau xương ống cổ tay

– Dị cảm bàn tay: mất cảm giác đau, nóng lạnh ở da tay.

– Tê bì bàn tay, ngón tay. Cảm giác tê bì lan dần từ cổ tay ra tới ngón tay.

– Bệnh nhân có triệu chứng giảm hoặc mất cảm giác vùng thần kinh giữa chi phối

– Cầm nắm yếu, không chắc chắn, xuất hiện cả ban ngày và ban đêm.

4.2 Dấu hiệu Tinel dương tính

Để test dấu hiệu Tinel, bác sĩ gõ trên ống cổ tay ở tư thế duỗi cổ tay tối đa. Người bệnh có cảm giác đau, tê giật lên các ngón tay.

4.3 Dấu hiệu Phalen dương tính

Khi người bệnh gấp cổ tay tối đa đến 90 độ trong 1 phút. Người bệnh xuất hiện triệu chứng tê bì tới các đầu ngón tay.

4.4 Nghiệm pháp Durkan dương tính

Bác sĩ ấn ngón cái vào nếp gấp cổ tay. Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng tê bì, đau tăng lên khi ấn trên 30 giây.

4.5 Siêu âm khớp cổ tay

Kết quả siêu âm đầu dò phẳng tần số 12 Hz: CSA – I lớn hơn 9,5 mm2, CSA – O > 9.2 mm2. Siêu âm khớp có thể phát hiện một số bệnh lý như: viêm tràn dịch các bao  hoạt dịch gân gấp các ngón tay nông và sâu, khối u, giả u, phù nề, viêm…

4.6 Đo điện cơ đồ chẩn đoán hội chứng ống cổ tay

Bệnh nhân có triệu chứng giảm tốc độ dẫn truyền cảm giác và tăng độ tiềm vận động. Thời gian tiềm dây giữa cảm giác > 3,2 ms và ở vận động là > 4,2 ms. Tốc độ đo dẫn truyền dây thần kinh cảm giác, vận động dây giữa là < 50m/s ở cổ tay. Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân không còn đáp ứng vận động cơ ô mô cái.

Đau, tê bì ngón tay là một trong những triệu chứng chẩn đoán hội chứng ống cổ tay

Đau, tê bì ngón tay là một trong dấu hiệu cần đi khám

5. Phòng tránh hội chứng đau cổ tay

5.1 Nghỉ giữa quãng giữa các khoảng thời gian làm việc

Nhân viên văn phòng, phải đánh máy tính liên tục trong thời gian dài là đối tượng nguy cơ cao bị hội chứng đau cổ tay. Vì thế, hãy nghỉ giải lao giữa những giờ làm việc, 50 phút làm việc liên tục hãy nghỉ khoảng 5 – 10 phút để cho cơ cổ tay được nghỉ ngơi.

5.2 Xoa bóp, massage

Khi làm việc liên tục, căng thẳng mỏi cổ tay. Hãy nghỉ một chút, xoa bóp cổ tay một chút. Giúp giảm căng thẳng cổ tay, tăng lượng máu đến nuôi dưỡng các mô cơ thần kinh. Có thời gian để dây thần kinh và các cơ được thư giãn.

5.3 Làm việc đúng tư thế

Ngồi làm việc hoặc đứng làm việc ở tư thế cổ tay hoạt động ít  chịu tải lực nhất, iảm đau mỏi trong quá trình làm việc.

5.4 Sử dụng dụng cụ hỗ trợ

Đối với nhân viên văn phòng, nên chọn loại chuột bàn phím phù hợp để làm việc. Khi sử dụng bàn phím cơ, nên mua thêm đệm cổ tay bàn phím, giúp giảm lực đỡ cho cổ tay. Hạn chế được tình trạng mỏi cổ tay khá tốt. Những chiếc băng ép có tác dụng nâng đỡ, bảo vệ cổ tay khi vận động, giảm sang chấn.

5.5 Dinh dưỡng

Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung thêm rau củ quả trong khẩu phần ăn. Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn… Những chất này có thể làm rút hàm lượng calci trong cơ thể, ức chế quá trình hình thành xương mới, kích thích đau ở ổ viêm. Hạn chế đồ ăn mặn, quá ngọt, đồ uống có ga…

5.6 Cân nặng

Béo phì, thừa cân làm tăng tải lên hệ cơ xương khớp, dễ gây đau khớp, viêm khớp. Nên duy trì BMI từ 18,5 – 23 để có được sức khỏe tốt nhất.

Hội chứng ống cổ tay khiến người bệnh đau nhức, tê bì, giảm vận động, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như công việc. Vì thế, phát hiện và điều trị sớm là biện pháp quan trọng nhất, giúp tăng khả năng hồi phục hoàn toàn khi bị hội chứng ống cổ tay.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital